Vũ khí siêu vượt âm Objekt 4202 và nỗi lo của Mỹ

02/11/2016 08:24

Vừa qua, Nga đã thử nghiệm thành công vũ khí bay siêu vượt âm Objekt 4202 tại thao trường ở Orenburg - loại vũ khí có thể di chuyển trên Mach 10.

Ám ảnh với Mỹ

Sau vụ thử, tờ Washington Free Beaсon cho biết, tuy Trung Quốc cũng đã thử thành công thiết bị bay siêu thanh Wu-14 (vận tốc Mach 10) nhưng việc Nga thử thành công đầu đạn Objekt 4202 mới khiến Mỹ phải lo lắng và tìm cách đối phó.

Tờ báo này cho biết, Quốc hội Mỹ đã thông qua sửa đổi luật về chi ngân sách cho quốc phòng để chương trình chống nguy cơ đe dọa ngày càng tăng của tên lửa siêu thanh, trong đó mối đe dọa từ Nga là chủ yếu, buộc Mỹ phải bỏ tiền chế tạo vũ khí laser, nhằm nâng cao khả năng đánh chặn.

Washington đã quyết định thực hiện bước này sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin, Nga tiếp tục có kế hoạch thử nghiệm tên lửa siêu thanh Objekt 4202. Theo báo Mỹ, hồi tháng 4 vừa qua, Moscow cũng đã thử nghiệm Objekt 4202 thành công trên tên lửa đạn đạo UR-100N (RS-18B - NATO gọi là SS-19 Stiletto).

Tên lửa X-90 GELA.
Tên lửa X-90 GELA.

Truyền thông thế giới cho biết, từ năm 2012 đến nay, Nga cũng đã liên tiếp thử nghiệm thành công kỹ thuật điều khiển thiết bị bay siêu thanh tại bãi phóng Akhtubinsk - Astrakhan. Tuy nhiên, những vụ thử nghiệm này đa số không được công khai, cho đến khi Objekt 4202 chính thức lộ diện.

Theo người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ là ông James Sayring, quốc hội nước này dự định chi 23 triệu USD cho kế hoạch phát triển vũ khí laser, nhằm bảo vệ đất nước khỏi các phương tiện tấn công nhanh toàn cầu, có thể gắn trên các tên lửa đạn đạo này.

Các vũ khí laser của Mỹ có thể đặt đưới mặt đất, trên các tàu chiến mặt nước hoặc trên các trạm vũ trụ hay được mang bởi các phương tiện bay trong không gian. Tuy nhiên, ông Sayring thừa nhận, thử nghiệm vũ khí mới sẽ được tổ chức không sớm hơn năm 2021.

Vì sao Trung Quốc cũng thử thành công vũ khí siêu thanh mà Mỹ lại không hề lo lắng như đối với Nga? Theo nhận định của một số chiến lược gia, điều này xuất phát từ một số nguyên nhân.

Nga kế thừa

Sở dĩ Mỹ không lo ngại Bắc Kinh với Wu-14 mà lo lắng thực sự trước việc Moscow thử thành công vũ khí siêu vượt âm Objekt 4202 là do bởi Moscow được kế thừa nền tảng công nghệ và kinh nghiệm chế tạo tên lửa siêu thanh phong phú của Liên Xô.

Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Liên Xô đã chế tạo thành công các đầu đạn siêu thanh cho tên lửa đạn đạo liên lục địa và làm chủ công nghệ siêu đẳng, điều khiển hàng chục đầu đạn phân hướng (MIRV), điều mà bây giờ Trung Quốc vẫn chưa làm nổi.

Ví dụ như Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia đã chế tạo tên lửa X-80 Meteorit (Kh-80 hoặc AS-X-19 - NATO gọi là SS-N-24 Scorpion), sau đó lại tiếp tục chế tạo loại vũ khí Objekt 4202 (chính là kế hoạch phát triển Yu-71 hiện nay).

NPO Mashinostroyenia còn là một trong 2 thành viên (đại diện phía Nga) của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli). NPO cũng chính là cha đẻ của loại tên lửa siêu thanh BrahMos II nổi tiếng của Ấn Độ với vận tốc lên tới Mach 5.

Còn trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Cục thiết kế chế tạo máy Raduga cũng đã phát triển thành công tên lửa siêu thanh X-90 GELA (Kh-90 - AS-19 Koala). Ngay đầu thập niên 70, Nga còn dựa trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-200 để chế tạo thành công tên lửa Kholod. Năm 1991, tên lửa này đã thử nghiệm thành công đạt vận tốc 6000km/h, tuy nhiên dự án này đã bị hủy bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Với nền tảng công nghệ và kinh nghiệm của Liên Xô và sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học tên lửa Nga, dự án chế tạo tên lửa siêu thanh của Nga có thể vượt qua những kế hoạch phát triển vũ khí cùng loại của Mỹ như X-51A Waverider, HTV-2 Falcon…

Mỹ thử nghiệm tên lửa X-51A Waverider.
Mỹ thử nghiệm tên lửa X-51A Waverider.

Tấn công siêu nhanh

Theo các chuyên gia quân sự Nga, các vũ khí siêu thanh Objekt 4202 dự kiến ​​đạt tới vận tốc trên Mach 10 và có khả năng tấn công tập trung 1 mục tiêu hoặc riêng rẽ nhiều mục tiêu cực kỳ cơ động, không thể đánh chặn.

Điện Kremlin đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Như vậy, chắc chắn rằng Moscow sẽ trang bị cho tên lửa siêu thanh với đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly dự đoán vào giai đoạn giữa năm 2020 và năm 2025, Nga có khả năng triển khai khoảng 24 vũ khí siêu vượt âm Objekt 4202.

Đến khi Objekt 4202 được chính thức trang bị thì Nga cũng đã hoàn thiện tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu lỏng RS-28 Sarmat. Loại ICBM này có thể trang bị hàng chục đầu đạn siêu thanh hạt nhân.

Báo cáo của Jane's cũng cho rằng, thế hệ máy bay ném bom chiến lược Nga hiện đang phát triển là PAK-DA, cũng sẽ có thể phóng các tên lửa siêu thanh loại này. Với tốc độ khủng khiếp của tên lửa siêu thanh, Nga sẽ có một vũ khí răn đe từ trên không vô cùng khủng khiếp.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN