Nghệ An không tự cân đối được quỹ Bảo hiểm y tế

10/11/2016 09:32

(Baonghean) - 9 tháng đầu năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước bội chi hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó có Nghệ An.

» Bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế: 'Vỡ trận' rồi mới 'chữa cháy'

» Bội chi Bảo hiểm y tế: Bệnh viện đầu tư khủng, xin 'xuống hạng'

Sau khi đưa ra con số nói trên khiến dư luận xôn xao, BHXH Việt Nam lại khẳng định quỹ BHYT 'không vỡ' mà vẫn cân đối được đến năm 2017. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Phạm Gia Vân - Phó Giám đốc BHXH Nghệ An về vấn đề này.

Ông Phạm Gia Vân
Ông Phạm Gia Vân trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

P.V: Xin ông cho biết thực hư về việc “vỡ” quỹ BHYT ở Nghệ An hiện nay?

Ông Phạm Gia Vân: Quỹ BHYT là quỹ tập trung quản lý điều hành của cả nước. “Vỡ” quỹ thì ở tầm Trung ương, còn với một tỉnh thì không thể “vỡ” quỹ được. Vỡ hay không thì Trung ương trả lời, địa phương không thể trả lời. Theo tôi thì ở đây là số chi vượt số thu ở một thời điểm hoặc trong 1 năm, chứ không phải “vỡ” quỹ.

P.V: Vậy ông có thể cho biết tình hình thu chi của quỹ BHYT ở Nghệ An trong những năm vừa qua?

Ông Phạm Gia Vân: Tỉnh ta có đối tượng chính sách nhiều, đối tượng này lại ốm đau, bệnh tật nhiều, nên đi khám nhiều. Mức đóng thay đổi không đáng kể, nhưng mức chi tăng lên nhiều. Năm 2015 đã bắt đầu chi vượt quỹ, năm nay cũng đã chi vượt.

Tình hình thu và chi quỹ BHYT tại Nghệ An qua các năm.

P.V: Năm 2016 này việc tăng chi quỹ BHYT được lý giải là do thực hiện Thông tư 40 về thông tuyến và Thông tư 37 về tăng giá dịch vụ. Nhưng thực tế năm 2015 Nghệ An đã vượt chi 129 tỷ đồng. Nguyên nhân là gì?

Ông Phạm Gia Vân: Do luật thay đổi từ năm 2015, mặc dù chưa thông tuyến, chưa tăng giá, nhưng một số quyền lợi của người bệnh đã được tăng như từ 80% cho hưởng 100%, một số đối tượng người nghèo chạy thận hưởng 95% giờ được hưởng 100%.

P.V: Trong năm 2015, quá trình kiểm tra giám sát có phát hiện những sai sót về sử dụng quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh ta không, thưa ông?

Ông Phạm Gia Vân: Chúng tôi luôn giám sát để phát hiện những sai sót, nhưng chưa có sai sót đến mức phải truy tố. Ví dụ họ kê sai giá rất nhiều, điều trị 8 ngày, kê thành 9 ngày. Với hàng ngàn loại thuốc, hàng ngàn dịch vụ thì họ nhầm lẫn, sai sót là chuyện thường. Tôi nghĩ điều này luôn xảy ra và còn xảy ra lâu. Đương nhiên về sau áp dụng công nghệ thông tin thì sẽ đỡ đi, còn đang làm thủ công thì sẽ sai sót nhiều.

P.V: Quá trình kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ BHYT chúng ta có đề nghị các cơ sở y tế phải xuất toán vì sai phạm không?

Ông Phạm Gia Vân: Tôi cũng không nhớ cụ thể, nhưng không nhiều lắm! Lực lượng chúng tôi rất mỏng, rất khó khăn trong quá trình giám sát.

P.V: Sau thông tin về tình trạng bội chi quỹ BHYT, các cấp, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương đã có những văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này. Ở Nghệ An tình hình có gì tiến triển không, thưa ông?

Ông Phạm Gia Vân: Sau khi báo chí và các cấp, các ngành vào cuộc thì tình trạng lạm dụng từ phía người bệnh đã đỡ rất nhiều, đặc biệt là trong tháng 9, tháng 10, theo báo cáo đã giảm chi được hàng chục tỷ đồng. Theo tôi, sau khi “thông tuyến”, mọi người đều tranh thủ đi khám. Giờ họ khám hết rồi nên giảm hẳn số lượt người đến khám tại các cơ sở y tế.

» Cầm thẻ bảo hiểm y tế đi viện dễ như ... đi chợ

» Khám, chữa bệnh BHYT: 'Treo đầu dê, bán thịt chó'

Nơi đăng ký khám chữa bệnh của BV TP. Vinh.
Nơi đăng ký khám chữa bệnh của BV TP. Vinh.

P.V: Được biết, vừa qua BHXH Nghệ An đã cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở y tế để chấn chỉnh. Đoàn phát hiện ra những sai phạm nào, thưa ông?

Ông Phạm Gia Vân: Chủ yếu là sai tên dịch vụ, kê khai sai do tính toán. Còn việc lạm dụng xét nghiệm thì bác sỹ giải thích là "chúng tôi làm thế để loại trừ bệnh này bệnh kia, an toàn cho người bệnh". Theo tôi, thực sự có những cái không cần thiết, chúng tôi cũng đề xuất không nên làm bởi sẽ lãng phí. Quỹ BHYT là dành cho người khám bệnh, có bệnh thực sự, còn đi khám kiểm tra sức khỏe thì không nên lãng phí nhiều dịch vụ.

P.V: Nếu số liệu báo cáo chi vượt quỹ BHYT tại một cơ sở y tế quá lớn sẽ xử lý như thế nào?

Ông Phạm Gia Vân: Nguyên nhân chủ yếu khiến vượt quỹ là do người bệnh đi khám nhiều, nếu vượt đúng thì mình phải chấp nhận.

P.V: Với tình trạng này, ở Nghệ An có thể cân đối được quỹ BHYT không?

Ông Phạm Gia Vân: Với mức đóng, mức hưởng như thế này thì chắc chắn là không cân đối được. Trung ương sẽ phải điều tiết.

Theo tôi, để đảm bảo quỹ BHYT thì một là giảm quyền lợi, hai là tăng mức đóng. Nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn thì việc tăng mức đóng là chưa thể, mà chúng ta phải quản lý quỹ chặt chẽ, sử dụng nguồn quỹ đúng, hiệu quả.

P.V: Xin cảm ơn ông!

P.V (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN