cô gái 13 năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo

13/11/2016 08:57

(Baonghean) - Đã hơn 13 năm trôi qua, thân hình nhỏ bé chưa đầy 40 kg của Thủy vẫn mạnh mẽ chiến đấu với đủ loại bệnh tật, đáng sợ nhất là căn bệnh suy thận độ 4. Không ít lần Thủy mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng cuộc đời vẫn đang “níu” Thủy lại, có lẽ bởi khát khao được sống trong Thủy quá lớn, tình yêu thương của người thân đã giúp Thủy lạc quan, sống trọn từng giây phút ý nghĩa.

Công việc yêu thích của cô gái 29 tuổi ấy là nấu những bữa cơm ngon  cho gia đình mình.
Công việc yêu thích của cô gái 29 tuổi ấy là nấu những bữa cơm ngon cho gia đình mình.

Nguyễn Thu Thủy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông tại xóm Xuân Đồng, xã Nghi Đức (thành phố Vinh). Thủy hiền lành, chăm chỉ. Bố là cán bộ xã đã về hưu; mẹ Thủy - một người đàn bà cần cù, quanh năm tảo tần làm lụng vì gia đình. Cuộc sống của Thủy sẽ trôi đi như bao người khác cho đến khi những căn bệnh quái ác thi nhau “bám” lấy số phận cô.

Đó là những ngày đang học lớp 10, cơ thể Thủy bỗng rơi vào trạng thái mệt mỏi, đau ốm liên miên. Bố Thủy đưa con gái đi bệnh viện và được chẩn đoán thiếu máu nghiêm trọng. Công cuộc tìm kiếm người hiến máu của gia đình Thủy gấp rút hơn bao giờ hết. Bố và anh trai cô là những người đầu tiên bước vào “cuộc chiến” ấy. Người làng thương xót kéo nhau đi thử và hiến máu cho Thủy. Lạ thay, máu truyền vào người Thủy bao nhiêu cứ như muối bỏ biển.

Gia đình quyết định đưa Thủy ra Hà Nội khám. Tại Bệnh viện Quân y 103, dù làm đủ các xét nghiệm, nhưng các bác sỹ vẫn không thể chẩn đoán ra bệnh của Thủy. Cô nằm ở viện chờ đợi, chứng kiến cảnh bố sầu héo vì mình, lòng cô đau nhói. Ngày ấy, Thủy chưa có thẻ bảo hiểm y tế, mua thuốc, phí sinh hoạt cũng mất hơn 2 triệu đồng mỗi ngày. Nhà Thủy bán hết của cải chạy khắp đây đó vay tiền chữa bệnh cho con gái.

Đau đớn thay khi Thủy bị bệnh viện trả về. Mọi người dấu Thủy, nên cô không hay biết rằng mình... sắp chết. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, Thủy vượt cửa tử trong gang tấc. Người chú ruột của Thủy là một bác sỹ, dựa vào khả năng của mình cùng các bác sỹ chẩn đoán lại cho cô lần cuối. May mắn đã mỉm cười với cô, kết quả cho thấy Thủy bị thiếu máu huyết tán và luput ban đỏ. Cô được điều trị dài ngày tại viện và khi bệnh có phần thuyên giảm cô được về nhà điều trị ngoại trú, mỗi tháng Thủy đều đặn theo bố hoặc anh trai ra Hà Nội khám định kỳ và lấy thuốc.

Ai nấy đều nghĩ rằng Thủy đã thoát khỏi tay thần chết. Thực tế những ngày sau đó cô vẫn bị những cơn đau hành hạ. Đi khám lại, bác sỹ bảo Thủy cần cắt bỏ lá lách mới có thể chấm dứt được bệnh thiếu máu huyết tán và luput ban đỏ. Thủy được phẫu thuật cắt lách. Mổ lách xong, cô lại bị nhiễm trùng dẫn đến áp xe, cơ thể gầy guộc của Thủy thêm một lần nữa phải “nhờ” sự can thiệp của dao kéo. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, Thủy hồi phục. Nhận kết quả xét nghiệm âm tính trên tay, Thủy và bố ôm nhau khóc. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, gia đình cô lại xót xa khi nhận tin con gái của mình bị thận biến chứng từ bệnh luput ban đỏ.

“Tôi bị suy thận khi bước vào tuổi 25, từ đó phải sống ở viện nhiều hơn ở nhà, bởi bệnh suy thận đã ở vào độ 4, không còn khả năng hoạt động như bình thường. Cuộc sống của tôi từ đấy gắn liền với chiếc máy chạy thận nhân tạo” - Thủy tâm sự. Với Thủy, những lần mổ cầu tay để chạy thận khiến cô đau đớn vô cùng. Sau 4 năm, tay Thủy lổn nhổn những quả cầu thận to bằng trứng gà. Bệnh tật liên miên khiến cô gái hơn 40kg chỉ còn nặng 36kg, thân hình vốn nhỏ nay càng tong teo, mắt bị lồi.

Buổi sáng mỗi khi thức dậy, cô phải uống không biết bao nhiêu thứ thuốc. Huyết áp do vậy cứ tăng vùn vụt, sức khỏe mỗi ngày càng yếu đi, máu thiếu nặng. Mỗi tuần 4 lần, Thủy lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận. Những ngày đầu, Thủy chán nản và buông xuôi mọi thứ vì biết mình sẽ không thể sống, có sống cũng chỉ là gánh nặng cho mọi người. Nhưng sau 2 năm, nhờ chạy thận đều đặn, được gia đình chăm sóc tốt, ăn uống kiêng khem, lại được nhiều bạn bè an ủi, tinh thần Thủy đã ổn định hơn. Thủy vẫn có bờ vai của người thân để dựa vào. Sức mạnh ấy đã giúp Thủy có thêm động lực để sống lạc quan, quý trọng từng phút từng giây.

Công việc yêu thích của cô gái 29 tuổi ấy là nấu những bữa cơm ngon  cho gia đình mình.
Công việc yêu thích của cô gái 29 tuổi ấy là nấu những bữa cơm ngon cho gia đình mình.

Giờ đây, Thủy đã là một cô gái 29 tuổi, đang bước sang năm thứ 4 “sống chung” với máy chạy thận, cũng vừa tròn 13 năm cô chết đi, sống lại với nhiều cơn bạo bệnh. Mỗi tuần Thủy chỉ còn “kết nối” với máy chạy thận 3 lần. Ngày thường, Thủy một mình đến viện. Khi mưa gió trở trời, Thủy mới nhờ người thân chở đi. Sau hơn 4 giờ đồng hồ nằm chạy thận, Thủy lại trở về bên mái ấm gia đình. “Thâm tâm tôi vẫn luôn tự nhủ, gia đình đã hy sinh cho mình quá nhiều, nên phải sống sao cho cuộc đời mình có ý nghĩa, đem lại niềm vui cho mọi người” - Thủy chia sẻ.

Ước mơ bấy lâu của Thủy là trở thành một cô y tá. Nhưng sức khỏe đã không cho phép cô thực hiện điều đó. Dù vậy, Thủy vẫn quyết tâm, tranh thủ khi còn khỏe dốc hết sức mình để hoàn thành bằng sơ cấp y. Thủy chăm chỉ làm những việc nhỏ nhặt cho phòng khám của chú mình như đánh máy, ghi hồ sơ khám bệnh cho bệnh nhân... Tuy chẳng phải công việc lớn lao, nhưng công việc cỏn con ấy là niềm vui lớn với Thủy, là đòn bẩy giúp Thủy sống mạnh mẽ hơn trước những chông gai cuộc đời Thủy phải đối mặt.

Giờ đây, lúc rảnh rỗi Thủy bán hàng qua mạng. Thủy tự tay làm các loại bánh ngọt, bột trà xanh, tinh nghệ... để phục vụ nhu cầu mọi người. Những hôm không phải chạy thận hay làm việc ở phòng khám, nếu sức khỏe ổn Thủy vẫn đi giao hàng cho khách. Dù mọi người trong gia đình chỉ muốn cô con gái mình được nghỉ ngơi, nhưng Thủy vẫn quyết tâm làm những việc trong khả năng của mình. Thủy muốn kiếm chút ít thu nhập để cuộc sống không vô nghĩa. Cô còn mong rằng sống thêm ngày nào sẽ sống thật vui, thật tốt. Đó cũng là cách cô cảm ơn cuộc đời và những người thân yêu của mình.

Thiên Thiên

TIN LIÊN QUAN