Cần có tầm nhìn xa hơn cho quy hoạch đô thị Vinh

07/11/2016 17:12

(Baonghean) - Cách đây 5 - 10 năm, tôi đã chứng kiến du khách từ tỉnh khác đến thành phố Vinh nhận xét khen ngợi: đường phố thông thoáng, rộng rãi, quy hoạch hợp lý, vỉa hè rộng hơn cả đường nơi khác. Tuy nhiên đến nay, bộ mặt đô thị đã bộc lộ nhiều bất cập.

Quay ngược lại thời gian, sau khi bị chiến tranh tàn phá, thành phố Vinh được xây dựng mới với sự tư vấn quy hoạch của các bạn CHDC Đức (Đông Đức) và hiện nay vẫn còn sự cộng tác trong sự quy hoạch phát triển thành phố sau này. Cho nên với một diện mạo thành phố trẻ, phát triển vừa phải thì tôi đã đồng tình với nhận xét trên. Thế nhưng, sau nhiều năm xa quê và đi lại nhiều nơi quay về thành phố mới thấy nhận xét đó đã lạc hậu, bộ mặt đô thị thành phố đã có nhiều bất cập, hạn chế.

Quang cảnh đô thị Vinh hôm nay. Ảnh: Phú Lộc
Quang cảnh đô thị Vinh hôm nay. Ảnh: Phú Lộc

Không phải nhà chuyên môn về quy hoạch, về kiến trúc hay giao thông nhưng với tư cách của công dân sống ở thành phố gần 40 năm, tôi mạn phép có vài ý kiến về tình hình giao thông đô thị như sau:

Về thực trạng

Với quy hoạch đã tồn tại từ những năm 1974 đến nay, thành phố đã xây dựng theo mô hình đó, có sự phân chia khu vực cho từng khối ngành nghề, khối hành chính rất hợp lý, các đường chính đã kết nối được các vùng dân cư lại với nhau như đường Lê Lợi, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Sỹ Sách… Nhìn tổng thể diện mạo thành phố được quy hoạch nề nếp, quy củ và thống nhất. Nhưng đến thời kỳ thành phố phát triển thì sự lộn xộn trong xây dựng, buông lỏng trong quản lý, quy hoạch không được nghiêm túc đã phá vỡ những điều đó.

Tôi không thể liệt kê được hết những vấn đề đó vì ai cũng thấy rõ. Cho đến giai đoạn gần đây, nhiều nhà đầu tư đã đến với các dự án khu đô thị, khu chung cư đem lại một diện mạo mới cho thành phố. Có những cái tích cực, có những cái chưa thành công nhưng đã làm cho thành phố được mở rộng, được cải thiện nhiều về cơ sở hạ tầng. Các khu đường 3-2, đại lộ Lê Nin, khu Vinh Tân, rồi tiếp đến khu Quang Trung đã hình thành dáng dấp cho một thành phố hiện đại và phát triển.

Tuy nhiên đi đôi với sự phát triển, mở rộng về quy mô, diện tích lẫn dân số thì hạ tầng giao thông lại thụt lùi, không tương xứng. Những ai sống ở thành phố lâu năm như tôi đều thấy rõ, nhiều đường nhỏ hình thành nhưng các đường chính lâu nay vẫn thế, không thêm được, không mở rộng được, nhiều đường có quy hoạch trên 20 năm vẫn không được thực hiện như đường Lý Thường Kiệt bên phường Hưng Bình.

Dẫn đến hiện nay mật độ dân cư, xe máy tăng lên mà sức chứa đường phố vẫn như cách đây 10 năm thì chuyện kẹt xe, quá tải đã xảy ra và trong tương lai gần sẽ là nguy cơ cho thành phố. Dù thành phố đã cho mở rộng một số đường, làm các đường tránh ngã tư nhưng đó là giải pháp tình thế, phá hủy cảnh quan đường phố. Đến mùa mưa lụt thì đúng là thảm họa, nhiều tuyến phố đã ngập lụt nặng, cống thoát nước không hoạt động được tốt. Cho nên 2 vấn đề chính là kẹt xe, ngập lụt sẽ là tương lai hiện thực đón chờ dân cư thành phố.

Mặt khác, nói đến đô thị thì phải nói đến hệ thống giao thông công cộng, dù thành phố đã có sân bay quốc tế, nhà ga, bến xe nhưng nhìn chung giao thông công cộng đang ở dạng tiền phát triển với taxi, xe buýt được đưa vào vài năm gần đây. Còn phương tiện chính của người dân vẫn là xe máy, tạo ra nền văn hóa xe máy của xã hội Việt Nam, dù cũng mang lại nhiều đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước cũng như sự mưa sinh của người dân.

Tuy nhiên, đã đến lúc, vì tầm nhìn lâu dài, cần hướng mạnh ra đô thị các nước phát triển để nhận thấy những mặt hạn chế của “nền văn hóa xe máy” và từng bước hạn chế dần loại phương tiện này ở khu vực đô thị. Hệ thống giao thông công cộng cần đi trước một bước và xe buýt, tàu điện… là sự lựa chọn cần thiết nhất. Không thể phủ nhận được nỗ lực của các doanh nghiệp và Nhà nước đã tạo ra cho thành phố phương tiện xe buýt, làm thay đổi một phần cách đi lại của người dân.

Tuy nhiên sự phát triển thái quá, vô tội vạ, quản lý lỏng lẻo làm cho xe buýt chưa đến được đa số người dân và còn mang lại bộ mặt xấu cho thành phố. Có thể nói rằng xe buýt giờ là sự biến thái của xe dù được cấp phép, nhiều hãng ra đời tranh nhau tuyến, tranh giành khách, chạy ẩu, vi phạm luật lệ giao thông phổ biến, biển báo gắn bất cập, ý thức người dân chưa cao…

Các giải pháp

- Hoàn chỉnh quy hoạch thành phố thống nhất, hiện đại, có tầm nhìn sau 50 năm và lâu hơn nữa. Căn cứ vào đó để tiếp tục mở các đường bị treo lâu năm, mở các đường mới để kết nối các khu đô thị mới và phân luồng, lập đường một chiều cho xe máy, ô tô tham gia giao thông.

- Tăng cường quản lý chặt chẽ các hãng xe buýt hiện nay, trong thành phố chỉ cần 2-3 hãng đưa đón xe nội thành với lộ trình phù hợp, hiệu quả. Còn mỗi khu vực nội thành ra ngoại thành thì lập các trạm xe buýt về các địa phương, chẳng hạn: vùng Cửa Nam có trạm lên Nam Đàn, Thanh Chương…, vùng cầu Bến Thủy có trạm về Hà Tĩnh. Tức là phân loại xe buýt chạy nội thành đón khách tập kết về các trạm về địa phương, chứ không cho chạy lung tung như hiện nay.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế để bổ sung, nâng cao chất lượng các loại hình giao thông công cộng. Trong tương lai chắc chắn cũng phải tính đến các loại hình giao thông hiện đại như tàu điện, rồi hạn chế xe máy vào nội thành, cấm xe máy lưu thông một số phố, quy hoạch lại các điểm đậu xe ô tô và xây dựng các trạm đậu xe công cộng thu phí.

- Khi xây dựng khu đô thị, hay nhà dân thì cần kiểm tra các hệ thống thoát nước vì trước xây thì có làm cống, xây xong thì cống đầy rác và bị bịt kín mà không ai quản lý. Cho nên thành phố cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống thoát nước, nạo vét, trùng tu sửa chữa xây mới lại các hệ thống thoát nước của các tuyến đường cho đồng bộ, hiệu quả. Nếu không có các giải pháp mạnh mẽ, kết hợp với khoa học kỹ thuật áp dụng vào thì thành phố sẽ ngập lụt khi mưa bão về.

- Ngoài ra các ngã 3, ngã 4 có tín hiệu đèn giao thông loại cũ lỗi thời thì cần thay thế bằng các loại đèn thông minh, phân luồng cho đèn đỏ, đèn xanh bằng thời gian hợp lý, đèn xanh chỉ lưu thông 1 hướng mà không gặp trở ngại sẽ tránh được ùn tắc như hiện nay ở các khu vực đó.

- Cuối cùng vẫn là ý thức người dân tham gia giao thông, phương thức quản lý điều hành của chính quyền và thái độ làm việc của các nhân viên công quyền như công an, thanh tra… khi thực hiện nhiệm vụ. Cần có sự tuyên truyền giáo dục trong mọi cấp học, mọi nơi, đến tất cả mọi người dân hiểu biết và thực thi pháp luật khi tham gia giao thông. Cần minh bạch công khai, hợp tình hợp lý các quy định của chính quyền, cách làm việc nghiêm túc đúng pháp luật của nhân viên công quyền.

Với tầm nhìn 20 - 50 năm nữa, tôi mong muốn thành phố Vinh sẽ là thành phố xanh, sạch, đẹp, nhiều cây xanh công viên, hệ thống giao thông hiện đại đồng bộ, quy hoạch tiên tiến thông minh chất lượng, đáp ứng được cuộc sống văn minh, phát triển của người dân./.

Dân Phan

(Cư dân thành phố Vinh)

TIN LIÊN QUAN