ĐBQH đề nghị làm rõ khoản nợ 22.000 tỷ đồng của BHXH
Các ĐBQH đề nghị Quốc hội làm rõ về một khoản nợ của BHXH lên tới 22.000 tỷ đồng từ năm 1995.
Liên quan đến vấn đề BHXH, chiều 1/11, tại phiên thảo luận tại hội trường, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết: ông chia sẻ với tình hình ngân sách nhà nước của chúng ta hiện nay. Hiện nay, "cái bánh ngân sách" của chúng ta có xu hướng bé lại và ngày càng phải đầu tư cho phát triển và nhu cầu xã hội càng phát triển, đặc biệt vấn đề an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, vấn đề cần quan tâm là chúng ta sử dụng ngân sách làm sao cho hiệu quả, phù hợp cân đối giữa các địa phương. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cũng phải "liệu cơm mà gắp mắm", không thể chi như trước đây.
Ông Lợi đề nghị với Quốc hội về một khoản nợ của BHXH 22.000 tỷ đồng từ năm 1995. Ông đề nghị Chính phủ phải xác định kế hoạch, lộ trình để bố trí ngân sách nhà nước chuyển trả vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995.
Theo ông Lợi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã có Nghị quyết số 1083 và Chính phủ cũng cam kết với Quốc hội sẽ có lộ trình từ năm 2016 sẽ tiếp tục trả nợ dần khoản này cho đến năm 2020 là kết thúc
Ông Lợi nói: “Tôi không thấy nguồn này, không biết Chính phủ cân đối như thế nào. 22.000 tỷ đồng hôm nay đã là 20 năm, nếu lãi mẹ đẻ lãi con, quỹ bảo hiểm xã hội của chúng ta có 100.000 tỷ đồng trong số 22 nghìn tỷ đồng này”.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) |
Liên quan đến vấn đề BHXH, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng: Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, nợ công ngày càng được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xây dựng, hoàn thiện. Tuy nhiên, tình hình quản lý tài chính ngân sách nhà nước về nợ công và các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước vẫn là những vấn đề nhức nhối gây khó khăn cho đầu tư phát triển, áp lực lớn trong quản lý, điều hành ở các cấp, các ngành.
Bà Khánh nhấn mạnh: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nhiều năm qua, kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm, chi vượt dự toán, chi chưa có dự toán còn lớn, phân bổ nguồn lực còn dàn trải, nợ công tăng cao, chưa kể còn 80.000 tỷ phát sinh trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, chưa bố trí nguồn trả nợ. Đáng chú ý là 22.000 tỷ đồng nợ quỹ BHXH phải trả cho người lao động như đại biểu Bùi Sỹ Lợi đã nói. Gần 40.000 tỷ ở các bộ, ngành, địa phương. Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được bố trí để chuyển các năm tiếp theo trong kế hoạch 2016-2020.
Đáng chú ý, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước cho đến nay Chính phủ chưa nắm được, chưa biết, chưa có báo cáo rõ ràng với Quốc hội mà chỉ nêu hiện đang được các doanh nghiệp báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.
"Đây là vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội rất lo ngại, phải bày tỏ thái độ vì sao cơ quan quản lý nhà nước về ngân sách quốc gia lại không nắm được thực chất các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Phải chăng đây là lỗ hổng về pháp lý chúng ta cần phải nghiêm túc xử lý" - bà Khánh nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) |
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp là không nộp đầy đủ do phá sản, trây ỳ. Do vậy chúng ta phải vay nợ để trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
“Hiện nay chúng ta chỉ có 24,5% tham gia bảo hiểm xã hội, điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề chi trả cho quỹ an sinh xã hội. Đặc biệt tuổi nghỉ hưu của chúng ta hiện nay là không phù hợp với tuổi thọ của chúng ta làm tăng gánh nặng chi trả cho nền kinh tế của chúng ta”- ĐB Tuấn nói./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|