Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh đề xuất 5 nguyên tắc, 6 giải pháp xây dựng nông thôn mới

04/11/2016 18:40

(Baonghean.vn) - Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Nghệ An trích đăng nội dung bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

... Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, rất hợp với lòng dân và rất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn vừa qua. Xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng trở thành phong trào rộng khắp, được toàn xã hội hưởng ứng.

Toàn cảnh phiên làm việc ngày 26/10 của Quốc hội khóa XIV.
Toàn cảnh phiên làm việc ngày 4/11 của Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Anh Tuấn.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu, nông thôn nước ta đã có nhiều thay đổi về mọi mặt. Cơ cấu kinh tế ở nông thôn được dịch chuyển đúng hướng. Mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; năng suất, chất lượng, giá trị nông sản được gia tăng. Hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Kết cấu hạ tầng xã hội hoàn thiện hơn. Cảnh quan nông thôn và môi trường sống đã có những chuyển biến tích cực. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Học sinh được học tập trong điều kiện tốt hơn. Nhận thức của người dân được thay đổi, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã được phát huy.

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã minh chứng điều này: 19.7% (gần 20%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 53.6% số xã đạt chuẩn về hộ nghèo; 75.73% số xã đạt chuẩn về hình thức tổ chức sản xuất; 42.38% số xã đạt chuẩn về môi trường; 61.37% số xã đạt chuẩn về thủy lợi; 36.43 % số xã đạt chuẩn về giao thông; 82.37% số xã đạt chuẩn về điện; 42.12% số xã đạt chuẩn về trường học; 85.48% số xã đạt chuẩn về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

ĐB Nguyễn Đắc Vinh,phát biểu
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Anh Tuấn.

Tôi cũng đồng tình với hạn chế thể hiện trong báo cáo: Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn 2011-2015 chưa có sự phân biệt giữa các vùng miền, chưa thực sự phù hợp với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn nợ tiêu chí; nhiều xã để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, cá biệt có những xã nợ nhiều. Số lượng xã về đích nông thôn mới tập trung nhiều ở một số vùng có điều kiện tốt hơn, như Miền Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng. Các tỉnh miền núi có ít xã về đích. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn thiếu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra chậm. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi chưa gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chưa chú trọng nhiều tới sản xuất và tăng thu nhập của người dân, chú ý quá nhiều tới xây dựng hạ tầng và các công trình. Cảnh quan nông thôn ở nhiều nơi không đẹp, không phù hợp với bản sắc văn hóa của địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tôi xin được đóng góp một số ý kiến:

Về nguyên tắc:

Thứ nhất, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được thiết kế cho cả nhiệm kỳ, nên ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đầu tư cho hạ tầng và cơ sở vật chất cần thực hiện theo thứ tự hợp lý, tránh lãng phí và gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thứ hai, nâng cao dân trí của người dân, đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.

Thứ ba, xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc truyền thống của địa phương.Ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi xây dựng nông thôn mới cần gắn với phát triển du lịch.

Thứ tư, nơi nào có điều kiện thì phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới, nơi nào chưa có điều kiện thì xây dựng thôn, xóm, bản theo các tiêu chí nông thôn mới trước, rồi từng bước mở rộng ra toàn xã. Xã nào đã đạt chuẩn nông thôn mới thì cần có tiêu chí mới để tiếp tục phấn đấu, quá trình xây dựng nông thôn mới phải diễn ra liên tục, không ngừng.

Thứ năm, xây dựng nông thôn mới cần thực chất, theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, tránh hình thức.

Về giải pháp:

Thứ nhất, phải tập trung phát huy chủ thể xây dựng nông thôn mới là người dân; phải khuyến khích người dân nông thôn, đặc biệt là thanh niên, phát huy tinh thần khởi nghiệp, sẵn sàng vay vốn đầu tư, tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật mới, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, phát triển các mô hình gia trại, trang trại, liên kết với nhau xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Chính quyền các cấp cần đóng vai trò kiến tạo, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hợp lý, khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, trợ giúp, hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Theo quan điểm của tôi, nhà nước nên tăng cường hỗ trợ nông dân bằng vốn vay ưu đãi, thông qua hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng chính sách xã hội. Cho vay ưu đãi hiệu quả hơn nhiều, không nên cho không, để tạo động lực phấn đấu cho người dân. Phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Thứ hai, nhà nước cần tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, coi doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản; xây dựng và mở rộng các thị trường tiêu thụ.

Thứ ba, cần phát huy tiềm năng, lợi thế của từng khu vực: duyên hải, đồng bằng, trung du và đồi núi để quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản phù hợp. Tùy tình hình phát triển của kinh tế xã hội cân đối nguồn đầu tư hợp lý cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, nên tiếp tục duy trì mô hình các địa phương kết nghĩa, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế kinh doanh hiệu quả hỗ trợ các địa phương có nhiều khó khăn.

Thứ năm, cần giao nhiệm vụ rõ ràng hơn cho các trường đại học, các viện nghiên cứu về nông nghiệp và các ngành liên quan trong việc tư vấn, hỗ trợ về khoa học công nghệ cho các địa phương.

Thứ sáu, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc nên đóng vai trò điều phối các hoạt động, tránh chồng chéo, phát huy thế mạnh của các lực lượng quần chúng nhân dân...

Nguyễn Đắc Vinh

Tính đến ngày 4/11/2016, toàn tỉnh Nghệ An có 117 xã được UBND tỉnh có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 18 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Toàn tỉnh có Thị xã Thái Hòa là đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. TP Vinh có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2016.

Về bình quân tiêu chí, năm 2010, cả tỉnh mới đạt 3,64 tiêu chí/xã và tính đến ngày 4/11/2016 số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đã đạt 13,1 tiêu chí/xã. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã lựa chọn, phê duyệt 3 xã Sơn Thành (Yên Thành), Kim Liên (Nam Đàn) và Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết tháng 10/2016, tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM toàn tỉnh đạt gần 24.000 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN