Việt Nam lần đầu tiên nhận giải 'Nobel kiến trúc' châu Á
KTS Hoàng Thúc Hào giảng viên ĐH Xây dựng Hà Nội vừa là người Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng SIA-Getz Architecture 2016.
KTS Hoàng Thúc Hào, giảng viên khoa Kiến trúc-Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, đồng thời là người sáng lập và là KTS trưởng của văn phòng kiến trúc 1+1>2. Với những cống hiến cho ngành kiến trúc, KTS Hoàng Thúc Hào đã được lựa chọn để trao giải thưởng SIA-Getz Architecture 2016, giải thưởng cho Kiến trúc sư nổi bật châu Á.
KTS Hoàng Thúc Hào vinh dự nhận giải SIA Architecture 2016. |
Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng này, KTS Hoàng Thúc Hào nói: “Tôi rất bất ngờ khi mình là người đạt giải năm nay, giải thưởng là sự công nhận cho một chuỗi các công trình mang tính triết lý cộng đồng của chúng tôi. Đây cũng là động lực, sự động viên lớn tạo niềm tin cho chúng tôi trong thời gian tới”.
Theo quy định, ứng viên dự giải phải được một nhân vật có uy tín đề cử, hồ sơ xét giải là tối thiểu 5 công trình cùng với thuyết trình về tư tưởng thiết kế của ứng viên. Theo đó, KTS Hoàng Thúc Hào đã mang đến giải SIA-Getz năm nay những công trình kiến trúc tiêu biểu theo triết lý hạnh phúc, đậm tính cộng đồng như: Trung tâm hạnh phúc Bhutan, trường học Lũng Luông (Thái Nguyên), nhà cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Bình), nhà nông thôn mới ở Hà Giang.
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam). |
Điều đặc biệt trong các công trình kiến trúc của KTS Hoàng Thúc Hào là đều mang tính cộng đồng, kiến trúc xanh, phát triển bền vững. Đối tượng hưởng lợi trong các công trình kiến của anh là người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kém phát triển.
Trường học Lũng Luông (Thái Nguyên). |
Khi hỏi anh vì sao lại dấn thân vào thể loại công trình không đem lại lợi nhuận, thậm chí còn phải bỏ tiền túi ra, KTS Hoàng Thúc Hào bộc bạch đây là những công trình kiến trúc đã được anh ấp ủ từ thời sinh viên. Anh cho biết, hiện nay một lượng lớn những vùng khó khăn không có kiến trúc sư thiết kế.
Do vậy những công trình hướng đến nông thôn, dành cho người nghèo hầu hết do nhà nước xây dựng, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu không gian ở, sinh hoạt mà chưa có bản sắc riêng. Trong khi đó, cộng đồng này lại chiếm 70-80% dân cư xã hội, họ nắm giữ một trữ lượng văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự phát triển của loài người và họ hoàn toàn có quyền được bộc lộ các giá trị văn hóa đó qua kiến trúc. KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ đây chính là động lực khiến anh ngày càng đi sâu, dấn thân vào những công trình kiến trúc cộng đồng.
KTS Hào cho rằng, để thực hiện những công trình này, nếu chỉ làm thuần túy dưới góc độ của kiến trúc thì hoàn toàn không thể thực hiện được. Muốn biến những thiết kế thành những công trình thực thụ, KTS cần phải làm công tác của một nhà vận động xã hội, tự đi huy động nguồn lực để hiện thực hóa ý tưởng và cũng cần chủ động đi về phía những cộng đồng yếu thế, tìm hiểu văn hóa của chính họ để thổi hồn văn hóa bản địa vào mỗi công trình.
Nói về quan điểm nghề nghiệp của mình, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng : “Cuối cùng vẫn là văn hóa, mọi sự sáng tạo bản chất vẫn phải nằm ở văn hóa, phải là những tiếp biến và đổi mới văn hóa thành công. Tôi nghĩ rằng nghệ thuật nào cũng vậy phải có tính nhân hậu, nhân văn. Sáng tạo trước hết vì tương lai con người và thứ hai là vì tương lai văn hóa. Kiến trúc sư chỉ có 2 điểm đấy thôi, không được nhân danh bất cứ điều nào khác”.
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tiếp theo, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết, anh sẽ tiếp tục theo đuổi kiến trúc hạnh phúc. Tức là khi người sử dụng công trình kiến trúc cảm thấy hạnh phúc. Sử dụng và sống trong công trình đấy, con người phải cảm thấy khỏe mạnh, an toàn, hứng khởi, thấy có quá khứ và tương lai./.
Giải SIA-Getz là giải thưởng danh giá trong ngành kiến trúc của Châu Á, được ví như giải thưởng Pritzker- “giải Nobel kiến trúc” của thế giới. Giải SIA-Getz cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á ra mắt vào năm 2005 của Viện Kiến trúc Singapore (SIA) và Getz Bros&Co (Singapore), được xét 2 năm một lần. Giải thưởng đã chọn ra các bài dự thi đến từ hơn 10 quốc gia trong khu vực châu Á, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Singapore |
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|