Đoàn ĐBQH Nghệ An: 'Vẫn còn tình trạng trẻ em bị lạm dụng trong hoạt động du lịch'

08/11/2016 17:43

(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 8/11, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tổ 3, đại biểu Quốc hội 4 tỉnh gồm: Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu và Nghệ An thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thủy lợi và Luật Du lịch sửa đổi.

Tại buổi thảo luận này, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có 11 ý kiến phát biểu về các nội dung liên quan.

Về Dự án Luật Thủy lợi, đa số ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định, Việt Nam là quốc gia chịu tác động trực tiếp của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, tổng lượng mưa trong năm lớn nhưng phân bố không đều về thời gian và không gian. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số, sự phát triển về KT-XH, yêu cầu về cấp nước, tiêu nước càng trở nên cấp thiết.

Phát triển thủy lợi là phát triển công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác, tiêu nước chống ngập lụt, góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển bền vững KT-XH. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Thủy lợi trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết.

Quang cảnh thảo luận ở tổ 3.
Quang cảnh thảo luận ở tổ 3.

Tuy nhiên, góp ý cụ thể vào dự án luật, đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật trùng với các Luật khác; do đó cần phải đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan như Luật tài nguyên nước, Luật giá…

Về trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi tại Điều 22 đề nghị quy định rõ nguyên tắc hình thức hoạt động lựa chọn ký hết vật chất với các đơn vị kinh tế, dịch vụ thủy lợi; tại Điều 40 cần bổ sung quy định cụ thể về phân chia nguồn thu của hoạt động khai thác; bổ sung các quy định về truy tu bảo dưỡng, bảo trì, nâng cấp hiện đại hóa, các công trình thủy lợi…

Nhấn mạnh dự thảo luật vẫn “khuyết” quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý khai thác công trình thủy lợi gây ra. Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, quy trình xả lũ tại các địa phương gây thiệt hại lớn, do vậy cần phải quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho từng chủ thể và mức bồi thường cụ thể đối với những trường hợp gây thiệt hại.

Theo đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) tại khoản 4, Điều 3 cần bổ sung cụm từ không phụ thuộc địa giới hành chính vào cuối câu và viết đầy đủ là Hệ thống công trình thủy lợi là tập hợp những công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau trong một lưu vực hoặc một khu vực nhất định không phụ thuộc địa giới hành chính; tại khoản 2, Điều 8 đề nghị bỏ cụm từ chất thải nguy hại bởi đã cấm chất thải thì trong đó đã bao gồm chất thải nguy hại; bổ sung cụm từ cân bằng nước vào đoạn đầu cho đầy đủ và viết lại là: “Quy hoạch thủy lợi phục vụ cân bằng nước và xác định phương pháp cấp nước…” tại khoản 1, Điều 11; bổ sung cụm từ: tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và viết lại: Quy hoạch thủy lợi tổng hợp được lập trên vi phạm toàn quốc, tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, vùng KT-XH tại điểm a, Khoản 3, Điều 11…

Cũng theo đại biểu Trần Văn Mão, tại khoản 2, Điều 16 quy định ‘’Tổ chức cá nhân hưởng lợi từ công trình chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đầu nối với hệ thống dẫn nước chính và hệ thống công trình nội đồng’’ là không có tính khả thi, kinh phí đầu tư công trình đầu nối với hệ thống dẫn nước chính tùy thuộc vào quy mô công trình nhìn chung là rất lớn. Vì vậy dẫn đến đầu tư dở dang, có công trình đầu mối không có kênh mương, công trình không phát huy hiệu quả…

ĐBQH Trần Văn Mão góp ý vào dự án Luật thủy lợi. Ảnh: Diệp Anh.
ĐBQH Trần Văn Mão góp ý vào dự án Luật thủy lợi. Ảnh: Diệp Anh.

Quy hoạch thủy lợi cũng là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), thực tế đã có những công trình thủy lợi khi đưa vào vận hành thì nước lại “chảy ngược”, vì thế, công tác quy hoạch thủy lợi phải bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác; xác định rõ nguồn lực đầu tư để tránh dàn trải hay khi dự án được phê duyệt lại không đủ nguồn lực để triển khai.

Về trách nhiệm lập, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch, công bố và quản lý thực hiện quy hoạch thủy lợi, các ĐBQH cơ bản nhất trí với dự thảo Luật. Điểm d, khoản 3 Điều 13 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư được tạo điều kiện thực hiện quyền giám sát thực hiện quy hoạch thủy lợi, có đại biểu cho rằng, hiện nay đang thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

Nếu theo quy định của dự thảo Luật thì người dân chỉ được thực hiện quyền giám sát thực hiện quy hoạch thủy lợi. ĐB Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, quy định như thế là chưa đầy đủ; đồng thời đề nghị, người dân cần phải được tham gia vào công tác quy hoạch ngay từ khâu đầu tiên, lập quy hoạch cho đến quá trình triển khai thực hiện.

Liên quan đến Dự án Luật Du lịch, các ý kiến cho rằng thời gian qua, ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Nhiều thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính dự báo hướng tới 10 – 20 năm tới nên Luật phải có tác động hướng tới dự báo sẽ phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Do đó, cần cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Cụ thể, đại biểu Phan Đình Trạc (Nghệ An) cho rằng dự thảo Luật cần phải có các quy định đảm bảo chất lượng hướng dẫn viên du lịch, nâng cao hiểu biết văn hóa, du lịch của người Việt Nam, có các chế tài nhằm quản lý hình thức du lịch cộng đồng như về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… Các đại biểu Nguyễn Thị Thảo, Moong Văn Tình (Nghệ An) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển nhưng vẫn phải bảo đảm chặt chẽ để giúp ngành này phát triển nhanh hơn.

Theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) ngành du lịch và dịch vụ hiện đang sử dụng khá nhiều lao động trẻ em, cho đến nay, chưa có số liệu đánh giá cường độ lao động của trẻ em khi tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, nhưng thực tế cũng có một số trường hợp phải chịu cường độ làm việc cao; trẻ em bị lợi dụng để làm dịch vụ du lịch vào các thời gian cao điểm mùa du lịch Không chỉ ở Việt Nam, việc trẻ em tham gia lao động trong ngành du lịch và dịch vụ cũng có ở nhiều quốc gia trên thế giới…

Tuy nhiên, Luật Du lịch hiện hành và dự án Luật Du lịch (sửa đổi) đều không đề cập đến khái niệm lao động trẻ em trong du lịch, xác định rõ loại hình dịch vụ du lịch trẻ em được tham gia nếu có khả năng. Quyền lợi của trẻ em khi cung cấp dịch vụ du lịch, trách nhiệm của người sử dụng lao động, chế tài xử phạt những hành vi trục lợi lao động trẻ em… vì thế cũng chưa được đề cập trong luật chuyên ngành này.

Do vậy, Dự án Luật cần quy định rõ các hoạt động, dịch vụ không cung cấp cho trẻ em, cấm sử dụng lao động trẻ em; điều kiện cụ thể với những hoạt động, dịch vụ du lịch được sử dụng lao động trẻ em… phù hợp với đặc thù riêng của từng ngành nghề…

Khi sửa đổi Luật này cần có quy định nhằm bảo đảm phát triển du lịch nhứng hướng tới góp phần bảo về toàn diện cho trẻ em

Cũng theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, tại khoản 5, Điều 5 cần bổ sung chính sách đối với đào tạo nhân lực ngành du lịch vì đây là ngành đặc thù cần bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của đất nước, của vùng miền cũng như đáp ứng các yêu cầu khách quan trong từng thời kỳ hội nhập quốc tế… Liên quan đến sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tại khoản 3, Điều 7 nên quy định lại ‘’chính quyền cơ sở hướng dẫn cộng đồng dân xây dựng được những hương ước, quy ước về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch’’.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, sự phát triển của thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch rất phát triển. Việc quản lý về giá cả, chất lượng tour, nghĩa vụ thuế đối với loại hình kinh doanh trực tuyến ở lĩnh vực du lịch chưa được đề cập đến. Do đó, Luật Du lịch sửa đổi cần bao quát các trường hợp, các dạng giao dịch nêu trên khi quy định về “Hợp đồng lữ hành với khách du lịch” và “Hợp đồng lữ hành”. Hợp đồng lữ hành với khách du lịch có thể được lập thành văn bản hoặc dưới các hình thức khác (vé, voucher, hợp đồng trực tuyến...) mà Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại cho phép – đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về hướng dẫn viên du lịch, trước thực tế có tình trạng nước ngoài sang du lịch Việt Nam, sau đó ở lại hành nghề hướng dẫn viên du lịch, không kiểm soát được những thông tin họ trao đổi với du khách; những doanh nghiệp nhỏ trong nước sẵn sàng bán thương hiệu của mình để các doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động, đa số đại biểu thống nhất quan điểm người Việt Nam mới được xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam nếu đủ các điều kiện theo quy định, người nước ngoài không được hoạt động du lịch tại Việt Nam….

Trên cơ sở phân tích hạn chế, các đại biểu cho rằng thanh tra du lịch là cần thiết. Đại biểu đề nghị phải là thanh tra chuyên ngành về du lịch, để đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch.

Huyền Thương - Diệp Anh

TIN LIÊN QUAN