'Bệnh' hoành tráng trong hiếu, hỷ
(Baonghean) - Hiếu, hỷ luôn là chuyện quan trọng của đời người, luôn được những nhà làm chính sách cũng như dư luận xã hội quan tâm...
Nói chuyện hiếu hỷ được quan tâm là bởi từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 27 về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội”, ngành Văn hóa và một số tỉnh, thành phố cũng đã cụ thể hóa chủ trương này, vận dụng linh hoạt vào từng địa phương mình. Mà mới đây là tỉnh Nghệ An, với việc ban hành hẳn một quyết định về việc cưới, việc tang và lễ hội.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu hiếu hỷ chỉ là việc phải làm, là chuyện riêng của mỗi gia đình trên tinh thần đúng lễ nghi, phong tục tập quán, không ảnh hưởng đến người khác. Song thực tế những gì đang diễn ra thời gian qua mà báo chí, dư luận phản ánh về những “đám cưới hoành tráng”, “đám cưới tiền tỷ”, thậm chí là “nhiều tỷ”, đón dâu bằng những “siêu xe”, có nhiều ca sỹ tên tuổi trong giới Showbis góp vui; cô dâu chú rể đeo vàng sáng cả tay, oằn cả cổ… khiến dư luận không khỏi băn khoăn về “căn bệnh hoành tráng” mà người có tiền thời nay thường mắc phải.
Ảnh minh họa |
Cũng có ý kiến cho rằng: “Tiền của người ta, người ta thích làm gì là việc của họ”. Tiền của người ta thì đúng rồi. Nhưng quan trọng là cái cách mà người ta dùng tiền để khoe mẽ, hợm mình, tổ chức chiêu đãi cả làng cả xã, hát hò nhảy múa thâu đêm suốt sáng, cho con đeo vàng cân trên cổ, công khai quà cưới mấy chục tỷ đồng để báo chí đưa tin… mới là điều cần bàn.
Không biết với kiểu đám cưới ấy, liệu hạnh phúc của con cái họ có tăng lên gấp ngàn, gấp vạn lần người khác! Liệu có giúp đôi uyên ương hiểu ra những giá trị cơ bản của hạnh phúc, tình yêu và sự chân thành, là sự sẻ chia trong cuộc sống với người thân, bạn bè…
Đám cưới là chuyện vui. Nên dẫu có làm lớn, âu cũng là việc vui vẻ, hàng xóm láng giềng nếu có chút phiền lòng thì cũng dễ cho qua. Đám tang hoành tráng mới là chuyện đáng nói.
Con người dù ai sang - ai hèn, cuối cùng cũng về với cát bụi. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, con cháu ai cũng muốn tổ chức đám tang ý nghĩa, cầu cho vong linh người đã khuất sớm siêu thoát. Vì thế, những nghi lễ mang tính tâm linh luôn được chú trọng, gia chủ nào cũng muốn thực hiện một cách chu đáo và thành kính nhất.
Chỉ có điều là “phú quý sinh lễ nghĩa”, bây giờ, nhiều gia đình có điều kiện đã tổ chức đám tang lớn quá mức bình thường. Có thể trong suy nghĩ của họ, đám càng to càng thể hiện được sự hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ đã mất. Nhưng, dư luận lại có cách nghĩ khác khi cho rằng, có những đám tang được tổ chức “vì người sống” nhiều hơn là “vì người chết”!
Tình trạng ăn uống rượu chè linh đình ở đám tang, rồi việc lý do chờ ngày tốt, chờ con cháu ở xa về, nhiều nhà đã làm đám tang 5 - 7 ngày, thậm chí là 10 ngày, rồi mời nhiều sư tụng kinh, cúng kiến với nhiều nghi thức rườm rà, trống kèn inh ỏi gây bao phiền toái cho hàng xóm láng giềng.
Tang ma là chuyện của mỗi nhà nhưng bây giờ, nhiều nơi đã thay đổi, người ta đã biến đám tang nhà mình thành đám tang của hàng xóm khi phường bát âm cũng dùng loa để khuếch đại âm thanh, các nhà sư cũng tụng kinh qua micro, như thể không làm vậy, thần - Phật sẽ không nghe tiếng cầu kinh, không thấu hiểu tấm lòng của tang chủ! Có nơi còn thuê người khóc, mà khóc thì phải gào thật to, để kẻo bị chê là “đám tang không có nước mắt”…
Chẳng biết những đám tang như thế, linh hồn người đã khuất có thanh thản được không, nhưng dù làm đám tang theo kiểu khóc lóc nỉ non hay hát múa tưng bừng (như một số nơi ở miền Nam hay mời ban nhạc về phục vụ) để tỏ lòng hiếu thảo, tiếc thương của gia chủ thì hàng xóm láng giềng cũng là những người chịu khổ nhất.
Đời người, dẫu cho trăm tuổi rồi cũng ra đi, khi sống không làm những điều tử tế cho nhau, thì lúc chết rồi, dẫu có khóc than, có ma chay tang viếng long trọng cũng là chuyện đã muộn. Con người ta một khi nằm xuống là hết, là kết thúc mọi điều, kết thúc cả những yêu thương, giận hờn. Khi đó, mọi ân tình lễ nghĩa cũng về với đất, cũng trở thành cát bụi hư vô.
Đám cưới và đám tang, việc “ma chê cưới trách” có lẽ đời nào cũng có. Thế nhưng để văn minh hóa việc hiếu hỷ nên chăng những khổ chủ cần có cách nhìn mới ứng xử mới và hành động mới.
Huệ Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|