Đôi vợ chồng trẻ cùng 'gác' một điểm trường
(Baonghean.vn) - Vẫn luôn tự nói vui rằng, cả hai vợ chồng đang "gác" ở điểm trường Thăm Thẩm (Trường tiểu học Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương), cô giáo Kim Thị Minh và chồng mình là thầy giáo Kha Văn May đã có gần 10 năm cắm bản, gieo chữ trên vùng đất khó khăn này.
Một phòng học với các nhóm học sinh khác nhau và hai vợ chồng cô Minh thầy May cùng đứng lớp. |
Nằm giữa đỉnh núi, mới sang Thu nhưng cô trò điểm trường Thăm Thẩm (Trường tiểu học Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) đã phải cặp kè bên mình những chiếc ao phao và khăn len để kịp mặc vào mỗi lúc trở gió.
Cô Kim Thị Minh (SN 1980) cho biết, do tiết trời nơi đây thay đổi thất thường nên dù đã cắm bản nơi đây gần 1 thập kỷ qua, hai vợ chồng cô vẫn "không hiểu nổi" thời tiết vùng đất này. “Một ngày như có đến 4 mùa vậy, đang nắng thế nhưng trở gió cái là lạnh như mùa Đông” - cô Minh cho biết.
Điểm trường Thăm Thẩm chỉ vọn vẹn hai phòng học tạm bợ được dân bản chung sức dựng nên từ những ván gỗ tạm bợ. Đây cũng là nơi cô Minh và chồng mình là thầy Kha Văn May đứng lớp giảng dạy trong những năm qua.
Điểm trường này có 5 lớp với 25 học sinh, người vợ phụ trách lớp 1, 2, 3 còn chồng phụ trách hai lớp 4 và 5. Nhắc đến các em học sinh của mình, thầy May hồ hởi cho biết, đến thời điểm hiện tại, trong vùng đã không còn tình trạng học sinh bỏ học để đi làm rẫy. Một con đường thảm nhựa cũng vừa mới được làm đi ngang qua trường nên tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh tới trường hơn.
Cô giáo Kim Thị Minh đã cắm bản cùng với chồng gần 10 năm nay ở xã Nhôn Mai (Tương Dương) |
Cô Minh cho biết, 8 năm trước, hai vợ chồng thầy May cùng là giáo viên tại trường tiểu học Nhôn Mai, được phân công về điểm trường này cắm bản. Việc được phân công cùng chồng “cắm” tại một điểm trường dù những ngày đầu rất khó khăn nhưng với cô Minh đó là một thuận lợi. Bởi nếu ngày ấy, chỉ một mình cô vào điểm trường này thì có lẽ cô đã không trụ nổi. “Khó khăn lắm, muốn đến trường thì hai vợ chồng chỉ có nước lội bộ thôi. Cũng may có chồng cùng đỡ đần và chia sẻ nên rồi chúng tôi cũng đã cùng nhau vượt qua tất cả” - cô Minh nói và cho biết yêu nghề và yêu thương các em học sinh đã giúp hai vợ chồng nhà giáo trẻ vượt qua tất cả để quyết tâm bám trụ lại với các em học sinh.
Cô giáo Kim Thị Minh uốn nét chữ cho học trò. |
Để có được thành quả như ngày hôm nay, nữ giáo viên 36 tuổi này đã phải cùng chồng mình dùng mọi phương án để vừa truyền đạt chữ, vừa truyền đạt tình yêu cho các em. Theo cô Minh, đối với học sinh vùng cao, việc học của các em thường chỉ dừng lại ở biết chữ, nhiều gia đình chỉ quan tâm đến nương rẫy nên trước khi dạy chữ cho các em, hai vợ chồng cô phải đến từng nóc nhà, tâm sự với gia đình phụ huynh để trao đổi về tầm quan trọng của việc học. Lớp học tại đây cũng thật đặc biệt, khi người giáo viên cùng lúc phải phụ trách 3 lớp dù số lượng học sinh rất ít. Trong mỗi phòng học, mỗi lớp được xếp bàn hướng về một phía khác nhau. Trong cùng một buổi dạy, thầy, cô liên tục thay đổi vị trí để thực hiện những giáo trình khác nhau đối với mỗi lớp học.
“Hiện đã không còn tình trạng các em học sinh bỏ học nữa, tuy nhiên cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp quá nên rất khó khăn cho các em học sinh. Mỗi lúc mưa xuống, chúng tôi lại phải dồn các em ngồi lại một góc vì bị dột nước khắp nơi. Mùa lạnh thì phải nhóm lửa rồi ngồi xung quanh mới học được”, cô Minh cho biết.
Trịnh An