Nghệ An 'đói' mía nguyên liệu

23/11/2016 21:01

(Baonghean) - Nghệ An hiện có 3 nhà máy chế biến mía đường với tổng công suất 13.000 tấn mía/ngày. Do năng suất mía đạt thấp, cơ chế thu mua của các nhà máy chưa thỏa đáng, nên người trồng mía chuyển sang trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn.

Năng suất thấp, giống cũ

Ông Nguyễn Văn Tuất, nông dân xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) là người có diện tích mía nhiều nhất trong vùng, với gần 55 ha. Ông Tuấn cho biết: Để có diện tích đất nhiều như vậy, ông phải thuê đất bãi màu ở huyện Thanh Chương và Tân Kỳ. Xác định mía là nguồn thu nhập chính, hàng năm gia đình ông trồng giống mía ROC10, đầu tư phân bón cân đối hợp lý, chăm sóc đúng quy trình, nên năng suất đạt 80 tấn/ha. Với năng suất như vậy, trừ mọi chi phí còn lãi 50%.

Theo ông Tuất, để người trồng mía có lãi, cần đầu tư phân bón hợp lý, chọn giống tốt; phía nhà máy cần có cơ chế thu mua thỏa đáng, luôn tìm giống mía có năng suất cao cho người dân trồng.

Ông Nguyễn Tất Hải - Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ cho rằng: Cơ chế thu mua mía của nhà máy trong những năm qua chưa đáp ứng được người dân, trong khi năng suất mía chưa cao nên người trồng mía thu nhập thấp. Do vậy, có một số xã như Tân Hương, Kỳ Tân... trồng mía để kéo che, nấu mật, thu nhập cao hơn, khiến nhiều diện tích mía nguyên liệu của huyện thu hẹp.

Cây mía trồng ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp) từ năm 2011, nay người dân cần có giống mới thay thế.
Cây mía trồng ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp) từ năm 2011, nay người dân cần có giống mới thay thế.

Huyện Nghĩa Đàn được quy hoạch 8.800 - 9.000 ha đất trồng mía, đến nay đã trồng được hơn 6.000 ha. Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng: Nghĩa Đàn vẫn coi mía là cây thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo, nên ngoài chính sách của Nhà nước, nhà máy cần có cơ chế chính sách dài hơi, đối với diện tích mía có năng suất cao, đặc biệt là giống mới.

Đối với huyện Quỳ Hợp, cây mía thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa trong những năm qua, nhưng hiện nay, có tới hàng nghìn ha chuyển sang trồng cam, vì cây cam ở các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân thu nhập tới 300 triệu đồng/ha.

Theo ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, vừa rồi UBND huyện có văn bản gửi các xã, xác định vùng trồng cam không phải vùng đất nào cũng cho chất lượng cao. Bởi hiện nay, nhiều địa phương ồ ạt trồng cam, trong khi cam chưa có đầu ra ổn định, cây mía tuy thu nhập thấp hơn nhưng có nhà máy thu mua, đầu ra ổn định. Vấn đề cần bàn hiện nay là, năng suất mía giảm, do bệnh chồi cỏ vẫn còn nhiều, giống cũ, chế độ luân canh chưa ổn định. Đặc biệt, tại 2 xã Văn Lợi và Hạ Sơn người trồng mía khó khăn, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ giống mía mới, kích cầu người dân trồng mía; hỗ trợ công nghệ tưới nhỏ giọt; 3 nhà máy thu mua mía trên địa bàn tỉnh cần có giá thu mua mía cho bà con như nhau để tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các nhà máy.

Cần có chính sách đồng bộ

Đánh giá kết quả sản xuất mía đường niên vụ 2015 - 2016 của các nhà máy cho thấy, hiện nay các giống mía chủ lực được trồng trên địa bàn tỉnh: QD93-159, VD00236, ROC10, ROC16, ROX22, KK3, Việt Đường 00236, Quế đường 94-119..., tổng diện tích mía năm 2015 - 2016 đạt hơn 21,7 nghìn ha, đạt 71,22% kế hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 51,34 tấn/ha, sản lượng mía đạt hơn 1,1 triệu tấn, đạt 58,04% kế hoạch, (số liệu của các nhà máy). Kế hoạch diện tích trồng mía năm 2017 hơn 27.000 ha. Trong đó diện tích mía trồng mới, trồng lại 7.592 ha, diện tích mía lưu gốc 19.548 ha.

Nguyên nhân diện tích mía năm 2015 - 2016 đạt thấp so với kế hoạch là do việc triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất mía nguyên liệu mới chỉ dừng ở khâu công bố quy hoạch, chính quyền địa phương chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đến từng địa bàn. Hiệu quả sản xuất nguyên liệu mía đường thời gian qua còn thấp, cơ chế thu mua mía cho người dân chưa thỏa đáng, trong khi một số cây trồng khác trên đất đã quy hoạch cho mía nguyên liệu cao hơn: thức ăn chăn nuôi, cam, chanh... nên một số hộ nông dân tự chuyển đổi sang trồng cây khác. Đầu tư thâm canh mía của người dân còn thấp; công tác giống chưa được quan tâm đúng mức; các tiến bộ KHKT, công nghệ trong thâm canh mía chưa được nhân rộng.

Thu mua mía ở Nhà máy đường Sông Con.  Ảnh tư liệu
Thu mua mía ở Nhà máy đường Sông Con. Ảnh tư liệu

Trước thực trạng vùng nguyên liệu mía và năng suất mía đạt thấp so với kế hoạch, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: UBND tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo mạnh việc dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đối với vùng đất màu nói chung, trong đó có cây mía; tỉnh cần giao các sở liên quan nghiên cứu đề xuất bổ sung các cơ chế chính sách phát triển mía nguyên liệu như hỗ trợ thiên tai, phát triển giống mới, cánh đồng lớn, cơ giới hóa... phù hợp với tình hình. Trên cơ sở vùng nguyên liệu đã quy hoạch, các huyện lập kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các địa phương tổ chức sản xuất mía theo chỉ tiêu kế hoạch đến từng xã.

Ngoài ra, các công ty mía đường cần xây dựng được bản đồ nguyên liệu chi tiết đến thôn, thửa ruộng... phối hợp với chính quyền các cấp trong vùng nguyên liệu tổ chức thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, đầu tư hỗ trợ mua giống sạch bệnh, giống mới, cơ giới hóa làm đất, thu hoạch, hợp đồng bao tiêu sản phẩm... để nông dân yên tâm sản xuất, công ty ổn định và phát triển bền vững vùng nguyên liệu của mình.

Vụ ép 2016 - 2017 theo kế hoạch của các công ty, tổng diện tích mía 22.647 ha, năng suất ước đạt 53,4 tấn/ha, sản lượng hơn 1,2 triệu tấn. Thời gian ép, dự kiến từ ngày 25/11/2016 đến hết tháng 4/2017. Kế hoạch trồng mía năm 2017 là hơn 27.000 ha, trong đó diện tích trồng mới, trồng lại 7.592 ha, diện tích lưu gốc 19.548 ha.

Để diện tích mía nguyên liệu đạt kế hoạch đến năm 2020 trên 28.000 ha, các nhà máy chế biến mía đường đang thực hiện nhiều chính sách nâng cao năng suất mía. Đặc biệt, hiện nay Công ty TNHH Mía đường Nghệ An triển khai dự án giống sạch bệnh 3 cấp liên kết với Viện di truyền xây dựng vùng giống mía cấp I ở Yên Thành, cấp II và cấp III ở Nghĩa Đàn, chủ yếu các giống mía: LK 92.11, KK3.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN