Luật Thủy lợi phải tính đến quốc phòng, an ninh

14/11/2016 17:25

(Baonghean.vn) - Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủy lợi hôm nay(14/11), đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Sỹ Hội đề nghị, các công trình thủy lợi quy mô lớn, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các công trình ở ven biển, vùng biên giới, hải đảo phải có tính lưỡng dụng kết hợp chặt chẽ, phục vụ sản xuất nông nghiệp với xây dựng khu vực phòng thủ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công.
Quốc hội làm việc tại hội trường.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủy lợi, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) cũng đưa ra những lưu ý về công tác thủy lợi kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành.

Theo đó, trong dự thảo luật có nội dung ưu tiên đầu tư các công trình quy mô lớn vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới hải đảo. Như vậy, cơ quan soạn thảo đã quan tâm đến vùng biên ải để nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, ông Hội cho rằng, đặt vấn đề như vậy "đúng nhưng chưa đủ" và cần có một điều cụ thể, có chế tài để triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội phát biểu tại hội trường.

Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vị đại biểu cho biết, từ nay đến năm 2030 nhu cầu đầu tư cho thủy lợi khoảng 25.000 công trình. Vị Thiếu tướng đánh giá, trong số trên chủ yếu là công trình nhỏ, thủy lợi nội đồng và cũng sẽ có những công trình lớn, công trình trọng điểm ở vùng quốc phòng, an ninh.

"Giả thiết chỉ có bốn đến năm phần nghìn thì cũng đã có hàng trăm công trình, như vậy chúng ta phải tính đến tính lưỡng dụng của công trình", Phó Tư lệnh Quân khu 4 tính toán.

Vấn đề đặt ra là chiến lược quy hoạch, kế hoạch đầu tư các công trình quy mô lớn, công trình ở khu vực trọng điểm quốc phòng, an ninh cần có hành lang pháp lý, có chế tài cụ thể để thực hiện chức năng lưỡng dụng của mỗi công trình, phục vụ thủy lợi dân sinh, kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ.

"Cha ông chúng ta cũng đã ý thức việc này rất sớm, ví dụ kênh Vĩnh Tế ở đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng đầu thế kỷ XIX ngoài mục đích phục vụ nông nghiệp thì có vị trí rất lớn về quốc phòng như bảo vệ vành đai biên giới mà cụ thể sau này trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam rất có giá trị về mặt chiến thuật tác chiến cho bộ đội", ông Hội nhận xét.

Tuy nhiên, theo ông Hội, mặc dù hiện nay nước ta đã có nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động kinh tế gắn với quốc phòng ở tầm vĩ mô như các bến cảng, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp... song ở một số lĩnh vực về kinh tế dân sinh, công, nông, lâm trường, thủy lợi ở vùng biên giới, vùng ven biển chưa được quan tâm đúng mức.

Với quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng tiềm lực quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà cụ thể xây dựng khu vực phòng thủ phải được chuẩn bị từ thời bình, vị đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị, trong luật này nên bổ sung thêm một điều, thiết kế thế nào do cơ quan chủ quản soạn thảo nhưng có nội hàm các công trình quy mô lớn, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các công trình ở ven biển, vùng biên giới, hải đảo phải có tính lưỡng dụng kết hợp chặt chẽ, phục vụ sản xuất nông nghiệp với xây dựng khu vực phòng thủ.

"Hiện nay đất nước đang khó khăn ở mức độ nào đó nhưng trong tương lai, đến năm 2030 con cháu chúng ta chắc phải nghĩ đến những việc lớn hơn. Ví dụ, các công trình thủy lợi dọc tuyến biển để bảo đảm an ninh quốc gia, quốc phòng lưỡng dụng, như vậy cũng rất tốt. Về cấu trúc, tôi đề nghị thiết kế điều này trước Điều 7 hợp tác quốc tế về thủy lợi", đại biểu Nguyễn Sỹ Hội góp ý.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng tình rằng, chúng ta có trên 2.000 đảo, có 11 huyện đảo, có 2.600 km bờ biển, do đó "chỗ này phải làm thật sâu sắc". Cộng với đó chúng ta có trên 2000 hồ lớn có dung tích 10.000.000 m3 trở lên, có những hồ hàng chục tỷ mét khối mà công tác an ninh, quốc phòng không được đặt ra trong luật này thì chắc chắn sau này có những sự cố xảy ra, đặc biệt là an ninh nguồn nước hiện nay.

Do đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, ông hoàn toàn đồng tình với đại biểu Nguyễn Sỹ Hội là phải làm sâu sắc, cụ thể hơn trong dự án Luật để đề phòng những vấn đề rủi ro, những vấn đề bất ngờ sau này.

Biểu quyết
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách.

Trước đó, vào buổi sáng với hơn 82,15% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2017.

Theo đó, tổng số thu cân đối NSTW là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSTW là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương./.

Dương Gim

TIN LIÊN QUAN