Đại biểu Quốc hội: Mỗi cơ quan một trụ sở là lãng phí
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần ngồi lại để thống nhất xây dựng mô hình quản lý hành chính tập trung, áp dụng chung cả nước.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có luật này, bởi trong dự thảo luật có quy định về việc cho thuê trụ sở, công sở, kinh doanh tài sản công...
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) |
Mỗi cơ quan một trụ sở là hết sức lãng phí
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần ngồi lại để thống nhất xây dựng mô hình quản lý hành chính tập trung, áp dụng chung cả nước.
Bà Khánh cho hay, ở Malaysia, 8 bộ cùng tập trung ngồi ở tháp đôi, trong khi ở Việt Nam mỗi bộ một nơi.
Đại biểu này cũng kiến nghị xem xét lại câu chuyện khu hành chính tập trung của Đà Nẵng. Toà nhà 2.000 tỷ đồng, ý tưởng xây dựng rất hay nhưng giờ bảo không đảm bảo kĩ thuật thì ai chịu trách nhiệm?
Cho ý kiến về việc xây dựng các khu hành chính chung, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho rằng, cần phải có thêm đánh giá tác động thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Trước đây Chính phủ có ý tưởng xây khu tập trung cho các cơ quan ương có cơ quan đại diện ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không ai muốn, ai cũng muốn một trụ sở riêng.
Bà Tâm cũng lưu ý đến việc thu hồi tài sản sau khi các cơ quan chuyển sang trụ sở mới. Có nhiều trụ sở bỏ trống nhưng không thu hồi được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, có tình trạng lợi dụng tài sản công để kinh doanh mà không kiểm soát được. Theo ông Hiển, nhiều tài sản của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương được sử dụng đất đai, nhà cửa, thậm chí cả vỉa hè nhưng tiền thu được vào ngân sách hay "chui" vào túi cá nhân cũng khó biết được.
Ông Hiển lưu ý, cần phải phân loại tài sản, trụ sở được cho thuê, loại nào không được cho thuê dù có lúc không sử dụng hết công suất.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) đề nghị phải công khai tài sản công, đặc biệt là trụ sở. Cụ thể phần đất, căn nhà... đó do cơ quan nào quản lý địa chỉ nằm ở đâu, ai sử dụng.
Trên thực tế, rất khó quản lý nguồn thu từ cho thuê tài sản công (Ảnh minh họa: Internet) |
Bà Tuyết cho hay, có nhiều tài sản công được sử dụng dưới danh nghĩa liên kết hoặc là hợp tác hoặc cho thuê. Nhiều trụ sở khi người dân và ngay cả cán bộ nhìn vào cũng tưởng là của doanh nghiệp nhưng thực ra là của một bộ ngành, đơn vị sự nghiệp nào đó cho doanh nghiệp thuê.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) nêu quan điểm: Tài sản sử dụng không hết thì cho thuê để có thêm nguồn thu cho ngân sách đang khó khăn. Tuy nhiên, cần phải có quy định chặt để giám sát được việc này.
Cũng có đại biểu băn khoăn vì nếu quy định không chặt thì có thể khi xây dựng, người ta "vẽ" ra một trụ sở thật to, rộng rồi khi hoạt động, họ nói không sử dụng hết lại đem cho thuê.
Đại biểu Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: Cần phải chống thất thoát lãng phí, khai thác có hiệu quả để sinh lợi từ tài sản công… Tài sản chưa sử dụng hết công suất thì có thể đưa vào kinh doanh.
Đại biểu Phạm Quang Thanh |
Tuy nhiên, đại biểu này cũng nêu thực tế: Có thể phát sinh tiêu cực ở đơn vị cấp tài sản, vì từ đề xuất định mức ban đầu tính toán kỹ thì lấy đâu ra thừa mà cho thuê để kinh doanh?
Mỗi lần xây trụ sở rất tốn kém, nếu cứ trông chờ vào ngân sách thì đến cả chục năm chưa xây được. Vì thế theo ông Thanh, cần phải thúc đẩy mô hình hợp tác công tư để tranh thủ các nguồn lực, chống lãng phí và tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|