Vào đại học chỉ mới là bước khởi đầu!

20/11/2016 20:55

(Baonghean) - Vào đại học chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường học tập mới với nhiều thử thách, gian nan đang chờ đợi các em ở phía trước.

Khi bắt đầu bước vào cổng trường đại học, nhiều tân sinh viên tỏ ra phấn khích bởi đã trở thành “người lớn”, được sống cuộc sống tự lập, được quyền “tự quyết” một số việc trước đây phải xin phép phụ huynh, thầy cô.

Tuy nhiên, cuộc sống ở môi trường mới lắm khi cũng không phải là “thiên đường” như nhiều em vẫn nghĩ. Các em sẽ phải trở về với “mặt đất” khi đối mặt với không ít thử thách, khó khăn ở phía trước, từ chuyện ăn, ở, sinh hoạt, đến quá trình thích nghi, hòa nhập với môi trường học tập mới.

Tân sinh viên cần tìm cho mình hướng đi.
Tân sinh viên cần tìm cho mình hướng đi.
Với những tân sinh viên lần đầu ra thành phố trọ học, các em sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định cho quá trình này. Khi tiếp xúc với những điều mới mẻ ở chốn thị thành, nếu không cẩn trọng, các em có thể bị sa vào những chuyện tiêu cực, thậm chí là các tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng lớn tới việc học hành.

Trên thực tế, đã xuất hiện những trường hợp tân sinh viên vốn là học sinh giỏi ở bậc học phổ thông, có điểm đầu vào cao, là niềm vinh dự của gia đình, niềm tự hào của thầy cô, bè bạn nhưng do sống xa nhà, bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, không làm chủ được bản thân, tham gia vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, thậm chí còn sử dụng cả ma túy dẫn đến bị dừng học, đuổi học rất đáng tiếc.

Hệ lụy kéo theo là con đường học tập bị lỡ dở, việc “làm lại từ đầu” vừa khó khăn, vừa mất thời gian. Với những trường hợp này, chính bản tính hiếu kỳ, tò mò, dễ bị lôi kéo cùng với việc thiếu những kỹ năng sống cần thiết khi xa gia đình đã khiến các em tự đánh mất mình lúc nào không hay biết.

Như vậy, vào đại học chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường học tập mới với nhiều thử thách, gian nan đang chờ đợi các em ở phía trước. Mỗi người cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn dựa trên nền tảng vốn sống, kiến thức đã tích lũy được, nhất là kỹ năng sống tự lập. Điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, thích nghi với cung cách sinh hoạt, học tập mới.

Các em cần xác định rõ, những kiến thức học tập được ở môi trường đại học là để phục vụ trực tiếp cho nghề nghiệp tương lai của bản thân. So với bậc học phổ thông, cách thức truyền thụ kiến thức, phương pháp giảng dạy của giảng viên ở bậc đại học có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, cần thiết phải thay đổi phương pháp học tập cho phù hợp theo hướng tích cực, chủ động hơn.

Bên cạnh việc tích lũy kiến thức, rất cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và rèn luyện thêm cho bản thân những kỹ năng “mềm” thiết thực như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng hoạt động nhóm... Đây đều là những kỹ năng quan trọng, hữu ích cả trong quá trình học tập, sinh hoạt ở bậc đại học và khi lập nghiệp về sau.

Để chuyên tâm vào việc học tập và rèn luyện các kỹ năng thiết yếu, mỗi tân sinh viên cần phải biết tránh xa các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, lô đề, mau túy... Bởi, một khi các em đã lỡ “dính” vào các tệ nạn này, muốn thoát ra là không hề đơn giản. Với những sinh viên trọ học xa quê, các em cần biết sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả số tiền “trợ cấp” hàng tháng gia đình gửi, tránh bị lôi kéo, đi vào “vết xe đổ” của những người thích ăn chơi, đua đòi.

Nhằm tự tạo cho mình “sức đề kháng” trước những cám dỗ từ các tệ nạn xã hội, các em có thể sắp xếp thời gian hợp lý sinh hoạt ở các câu lạc bộ, sân chơi lành mạnh, bổ ích phù hợp với sở thích của bản thân; trở thành thành viên các nhóm thiện nguyện hoặc tham gia các chương trình tình nguyện vì cộng đồng.

Những hoạt động ý nghĩa này không chỉ khiến các em có những trải nghiệm thú vị, thêm động lực vươn lên trong học tập mà còn giúp các em tích lũy kinh nghiệm sống cần thiết cho quá trình lập nghiệp trong tương lai.

Tuấn Minh

Trường THPT Kim Liên – Nam Đàn

TIN LIÊN QUAN