Bước chuyển HTX nông nghiệp ở huyện Đô Lương

18/11/2016 09:10

(Baonghean) - Huyện Đô Lương tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã chuyển đổi 34/36 HTX nông nghiệp.

Làm giàu từ vốn vay quỹ tín dụng nội bộ

Sau khi chuyển đổi theo luật mới, các HTX đã vươn lên hoạch định phương án sản xuất, kinh doanh, đa dạng ngành nghề hoạt động, phục vụ lợi ích thành viên... Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn đóng chân tại xã Văn Sơn, ngoài các dịch vụ truyền thống, HTX có thêm dịch vụ tín dụng nội bộ phục vụ thành viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. HTX có 384 thành viên, tất cả thành viên đều tham gia góp vốn với mức đóng góp 500.000 đồng/cổ phần.

Đặc biệt, HTX thu hút 300 thành viên gửi tiền vào quỹ tín dụng nội bộ, đến nay tổng nguồn vốn của quỹ lên tới 15 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 300 thành viên vay vốn. Nguồn vốn vay được các thành viên đầu tư phát triển sản xuất, ngành nghề dịch vụ, mua máy cày, máy gặt phục vụ sản xuất, hay mua trâu, bò, vay cho con em đi xuất khẩu lao động,... với mức vay từ 20 triệu đồng đến 700 triệu đồng. Nhiều hộ thành viên nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng nội bộ HTX mà vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hợp tác xã nông nghiệp Giang Sơn Đông (Đô Lương) cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên.Ảnh: Q.L
Hợp tác xã nông nghiệp Giang Sơn Đông (Đô Lương) cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên. Ảnh: Q.L

Gia đình ông Trần Văn Yên ở xóm 10, trước đây từng là hộ nghèo hoàn cảnh rất khó khăn, vay nợ HTX hàng chục tấn lúa. Mấy năm nay nhờ vay vốn từ quỹ tín dụng nội bộ HTX 80 triệu đồng cho 4 đứa con đi xuất khẩu lao động. Đến năm 2015, gia đình ông đã trả hết nợ và còn có tiền tích lũy gửi vào quỹ tín dụng nội bộ. Còn hộ anh Lê Đình Hồng ở xóm 4, vay vốn từ quỹ tín dụng nội bộ hơn 600 triệu đồng để đầu tư mua máy xúc, ô tô tải làm dịch vụ nạo vét kênh mương nội đồng, vận chuyển vật liệu xây dựng. Nay anh đã thành lập công ty riêng, làm ăn ngày càng phát triển.

Anh Nguyễn Thái Hùng ở xóm 6 lại chọn hướng phát triển kinh tế trang trại để làm giàu. Ban đầu anh vay vốn từ quỹ tín dụng nội bộ HTX 500 triệu đồng, vay trung hạn, lãi suất 10,2%/năm, để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn nái và ao cá. Anh Hùng chia sẻ: "Nhờ có quỹ tín dụng nội bộ tạo điều kiện cho tôi vay nguồn vốn lớn, lãi suất phù hợp, thời gian dài thuận lợi để gia đình quay vòng vốn. Vừa qua, sau khi xuất bán đàn lợn thịt, nhà tôi đã trả nợ được 350 triệu đồng cho HTX, hiện còn dư nợ 150 triệu đồng".

Phục vụ lợi ích thành viên

Ông Nguyễn Đăng Hà, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn cho biết: Luật HTX 2012 thực sự đã tạo hành lang pháp lý cho HTX hoạt động vững chắc hơn, giữa ban quản trị và thành viên cùng gắn bó trách nhiệm, cùng hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, nâng giá trị sản phẩm. Vai trò của HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 được thể hiện rõ hơn ở chỗ hoạt động vì lợi ích thành viên. Không chỉ duy trì, phát huy tốt quỹ tín dụng nội bộ 10 năm nay chưa có trường hợp nào rủi ro, tiền lãi thu theo quý, đến hạn bà con tự nguyện nạp lãi đầy đủ. HTX luôn sẵn sàng nguồn vốn để chi trả cho khách hàng rút bất cứ lúc nào, qua đó cũng tạo niềm tin cho thành viên và giúp họ yên tâm gửi tiền vào HTX.


Ông Nguyễn Cảnh Thìn - Giám đốc HTX nông nghiệp Giang Sơn Đông cho biết: Dự định sang năm 2017, HTX sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh tất cả các mặt hàng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên bán giá gốc cho thành viên để thu hút thêm thành viên vào HTX. Đồng thời thành lập tổ xây dựng để nhận xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh mương trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Không chỉ sản xuất lúa và các loại cây màu, HTX định hướng cho thành viên mở rộng diện tích trồng mía trái vụ để tăng thu nhập. Hiện nay, diện tích trồng mía toàn xã đã lên tới gần 120 ha.

Hàng năm HTX đều tích cực cung ứng giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất đảm bảo theo yêu cầu của người dân, cung ứng hàng chục tấn phân bón các loại và 7 tấn giống/năm. Các loại phân bón đều được HTX hợp đồng với các nhà máy sản xuất lấy giá gốc về cung ứng cho dân. Ngoài ra, dịch vụ thủy lợi nội đồng đảm bảo nước tưới đầy đủ, những năm hạn hán, ngoài máy bơm điện, HTX tăng cường thêm máy bơm dầu phục vụ chống hạn tối đa. Sau khi HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012, các thành viên được hưởng lợi về giá, dịch vụ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được mua giá rẻ hơn so với giá thị trường.

a
HTX Giang Sơn Đông cưng ứng vật tư cho các xã viên

Đến nay, huyện Đô Lương đã có 34/36 HTX nông nghiệp chuyển đổi thành công, còn 2 HTX Đà Sơn và Giang Sơn Tây chưa thực hiện đại hội để chuyển đổi. Trong thời gian tới, nếu 2 HTX này không thực hiện đại hội được sẽ giải thể để tổ chức thành lập mới.

Theo ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện: Hiện nay, các HTX trên địa bàn sau khi chuyển đổi đã năng động, sáng tạo trong chuyên môn. Một số HTX vươn lên nhận những công trình kênh mương để làm. Bước đầu cũng có những HTX mở rộng liên kết với các công ty, đơn vị để sản xuất lúa giống như HTX dịch vụ Văn Sơn, Yên Sơn, Thịnh Sơn; hay liên kết với Nhà máy sữa TH, hợp đồng với nông dân sản xuất ngô thương phẩm làm thức ăn cho gia súc như HTX nông nghiệp Giang Sơn Đông, Bắc Sơn... Đặc biệt, HTX nông nghiệp Giang Sơn Đông đã nhân rộng mô hình trồng mía trái vụ phục vụ giải khát mùa nắng nóng, không những phục vụ thị trường trong huyện, tỉnh, còn mở rộng tiêu thụ ở Hà Tĩnh,...

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, công tác chuyển đổi HTX nông nghiệp ở Đô Lương cũng gặp không ít khó khăn, bởi tiềm lực của đa số các HTX nông nghiệp đều yếu về mọi mặt, thiếu vốn, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh, thiếu đội ngũ có năng lực. Hiện nay trong cơ chế thị trường, các dịch vụ của HTX bị cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều cơ sở kinh doanh tư nhân. Bên cạnh đó, một số hoạt động dịch vụ mang lại lợi nhuận cho HTX như dịch vụ điện năng, nguồn thủy lợi phí đang dần được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý nên nhiều HTX rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và yếu kém.

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN