Đại biểu Hồ Đức Phớc: 'Đưa các di tích lịch sử, văn hóa vào tài sản công'

10/11/2016 19:57

(Baonghean.vn) – Chiều 10/11, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu thuộc đoàn Nghệ An cho rằng cần đưa tài sản có công năng quản lý sử dụng đặc thù như di tích lịch sử, văn hóa vào tài sản công.

Đại biểu đoàn ĐBQH Nghệ An dự phiên họp. Ảnh: Anh Tuấn.
Đại biểu đoàn ĐBQH Nghệ An dự phiên họp. Ảnh: Anh Tuấn.

Đại biểu Hồ Đức Phớc đánh giá, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) được nghiên cứu công phu, có hệ thống và khoa học, khắc phục được những hạn chế của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trước đây.

Tuy nhiên, ông Hồ Đức Phớc đề nghị, về khái niệm tài sản công cần bổ sung tài sản dự trữ quốc gia vào tài sản công và thêm một số tài sản công khác như: phần mềm, cơ sở dữ liệu…

Vị đại biểu này cũng cho rằng cần thêm chữ “công” vào khái niệm tài sản đặc biệt với khái niệm đầy đủ là: “tài sản đặc biệt là tài sản công chỉ sử dụng trong chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và nghiệp vụ quốc phòng an ninh của lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ở một khía cạnh khác, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần thêm một khái niệm nữa đối với tài sản công để quy định quản lý, sử dụng phát huy hiệu quả là tài sản đặc thù. Đó là tài sản công có công năng quản lý, sử dụng đặc thù như di tích lịch sử, văn hóa. Ví dụ như: Cung đình Huế, bảo tàng, Dinh Dộc lập...

“Với cách phân loại này, chúng ta sẽ quản lý, sử dụng chặt chẽ hơn và phát huy hiệu quả kinh tế - văn hóa với loại di tích này, vừa phát huy tiềm năng du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, tạo sức sống bền lâu và hiệu quả sử dụng của tài sản” - ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Ông Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Anh Tuấn.
Ông Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Anh Tuấn.

Cũng liên quan đến dự án luật này, liên quan đến đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước theo hình thức đối tác công – tư, ông Hồ Đức Phớc đề nghị, chỉ nên theo hình thức xây dựng – chuyển giao (B-T). Vì công năng làm việc của cơ quan Nhà nước khác với nhà ở hộ gia đình hay trung tâm thương mại nên sử dụng các hình thức BOT, BTO, BOO sẽ không thích hợp.

“Chúng ta chỉ giải quyết được vấn đề huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng trụ sở nhưng chưa lường hết được những hậu quả rủi ro gây ra trong quá trình sử dụng về an toàn, an ninh…” - ông Hồ Đức Phớc phân tích.

Vị đại biểu này còn đóng góp ý kiến vào một số vấn đề như: bỏ quy định sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan Nhà nước; phương thức quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại cơ quan Nhà nước, phương thức mua sắm tài sản công… của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Diệp Anh - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN