Quan tâm phát triển du lịch miền núi, tạo sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề
(Baonghean.vn)- Cử tri thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu đề nghị tỉnh quan tâm phát triển du lịch miền núi kết hợp trong chuỗi dự án phát triển miền núi nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, tạo sự chuyển đổi về cơ cấu ngành nghề, công ăn việc làm và thu nhập cho nhân dân
Vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hình ảnh điểm đến và chương trình tour, tuyến của du lịch Quỳ Châu như: Bảo tàng văn hóa các dân tộc Quỳ Châu, cọn nước Quỳ Châu, làng nghề hương trầm, làng nghề dệt thổ cẩm ở Châu Tiến, Lễ hội Hang Bua và các chương trình tour tuyến đưa vào các ấn phẩm du lịch: Sách ảnh Du lịch, Bưu ảnh du lịch, thẻ USB, tập gấp giới thiệu Du lịch Nghệ An, Sách cẩm nang du lịch Nghệ An, Tập gấp Nghệ An chào đón bạn, Bản đồ du lịch Nghệ An... bằng các thứ tiếng: Việt Nam, Anh, Thái Lan, Nhật Bản. Các ấn phẩm này đang được tuyên truyền quảng bá tại các hội nghị về xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.
Vẻ đẹp kỳ thú của Hang Bua, ảnh tư liệu. |
- Phối hợp với phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳ Châu viết bài, xây dựng chuyên trang giới thiệu về tiềm năng du lịch huyện Quỳ Châu trên Bản tin Văn hóa, Thể Thao & Du lịch số 09- 2016 được phát hành vào ngày 5/10/2016.
- Cập nhật, giới thiệu các điểm đến, chương trình lễ hội, các hình ảnh đẹp về Du lịch Quỳ Châu thông qua các trang thông tin điện tử của ngành như Facebook dulichtinhnghean, Website du lịch Nghệ An.
- Tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế về du lịch cũng như hiện trạng hạ tầng du lịch. Từ ngày 19-21/10/2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát, qua chuyến khảo sát đã xác định:
+ Các sản phẩm du lịch có thể khai thác: Du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến; Du lịch tham quan di tích văn hóa-lịch sử (Hang Bua – Thẳm Chạng – Thẳm ồm); Tham quan Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu; Du lịch làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, Châu Tiến, Làng nghề Hương trầm Quỳ Châu; Văn hóa ẩm thực (Canh đắng, thịt bò giàng, thịt chua, cá nướng, cá lam, cơm lam, canh Ột, vịt Bầu, họ mọc, các món chẻo...). Ngoài ra, tại các bản làng các xã trong huyện có thể phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh bằng thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số và các cây dược liệu quý hiếm có trong rừng.
+ Các tuyến du lịch có thể khai thác: Tuyến du lịch Trung tâm huyện và phụ cận (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu - Làng Nghề Hương trầm - Thác Tạt Ngoi và Nhà hàng sinh thái - Thủy điện Nậm Pông); Tham quan hang động, làng nghề ở các bản: Hang Bua - Thẳm Chạng - Thẳm Ồm - hang Pá Xủn, thác Đũa, Tạt Ngoi, thác Khe Mỵ, hang Voi - Làng nghề dệt thổ cẩm tại bản Hoa Tiến…; Tuyến du lịch sinh thái - văn hóa liên huyện: Vinh -Nghĩa Đàn (Vườn rau sạch, Khu vực trồng Hoa hướng Dương, trại sữa TH) - Quỳ Hợp (Đền Chọong, thác bản Bìa) – Quỳ Châu (Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu - Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, Thẳm (hang) Bua, Thẳm Ồm) - Quế Phong (thác Xao Va, thác 7 tầng, đền Chín gian)…
Nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến ngày càng phát triển, ảnh tư liệu. |
* Một số tồn tại hạn chế:
- Quỳ Châu chưa xây dựng được Đề án phát triển du lịch toàn huyện; chưa đưa chương trình phát triển du lịch vào Nghị quyết của Huyện Ủy. Do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động du lịch chưa sâu sát, chưa quyết liệt.
- Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa thực sự được huyện quan tâm. Đến nay, huyện chưa có ấn phẩm quảng bá văn hóa, du lịch riêng cho huyện; tại trang thông tin điện tử http://www.quychau.nghean.gov.vn chưa có thông tin về du lịch của huyện. Tại các điểm du lịch Thẳm Bua, Thẳm Ồm chưa có đội ngũ thuyết minh viên.
- Cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện còn ít. Hoạt động đón khách và kinh doanh du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến còn mang tính tự phát; Các gia đình kinh doanh mô hình du lịch cộng đồng chưa đầu tư bài bản hệ thống các công trình phục vụ đón khách (nhà vệ sinh đạt chuẩn, phòng ngủ, chế biến món ăn...), nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử, phong cách phục vụ, đón tiếp khách... chưa đáp ứng yêu cầu khách du lịch.
Đồng bào Quỳ Châu vui điệu khắc luống, ảnh tư liệu |
* Các giải pháp trong thời gian tới:
- UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các thông tin, hình ảnh, chương trình tour, tuyến của du lịch toàn tỉnh nói chung, huyện Quỳ Châu nói riêng tại các sự kiện văn hóa - du lịch trong tỉnh, trong nước và nước ngoài; phối hợp giới thiệu trên các phương tiên truyền thông, bản tin của ngành, các ấn phẩm du lịch...
- Về phía huyện Quỳ Châu:
+ Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho huyện Quỳ Châu.
+ Quan tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn phục vụ cho phát triển du lịch. Tu bổ, nâng cấp các di tích văn hoá lịch sử hiện có trên địa bàn; quan tâm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống (thổ cẩm, rượu cần, ẩm thực…), các cơ sở sản xuất hàng thủ mỹ nghệ để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng, đồ lưu niệm và thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
+ Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện trên các phương tiện truyền thông và các ấn phẩm…
+ Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh, môi trường, an toàn cho khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện.
Gia Huy
( Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|