Ngân hàng tính chuyện 'về quê'

07/11/2016 08:40

Cạnh tranh thu hút từng khách hàng ở thành thị, nhưng nhiều ngân hàng đang bỏ trống thị trường nông thôn. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt mục tiêu có 15% số chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng mở tại địa bàn này trong 5 năm tới.

Nơi khốc liệt, chỗ đìu hiu

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ngân hàng Agribank Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, riêng ngã ba thị trấn Diễn Châu có tới gần 40 ngân hàng TMCP góp mặt, cứ vài chục mét lại thấy phòng giao dịch của một ngân hàng. Trong khi đó, nhiều vùng nông thôn, vùng xa ở Nghệ An, tìm mỏi mắt cũng không thấy bóng dáng ngân hàng nào, trừ Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Mặc dù hệ thống ngân hàng nước ta đang gánh nhiệm vụ cung ứng vốn chính cho nền kinh tế, song đáng lo là tình trạng tập trung vốn đang khá cao, chỉ dồn vào một số khu vực, đối tượng doanh nghiệp và một số địa bàn dễ tiếp cận vốn, còn phần đông người dân ở nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Thống kê cho thấy, hiện mới có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng (hơn 36 triệu tài khoản cá nhân), tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị.

Phần đông người dân ở nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng
Phần đông người dân ở nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, thời gian qua, ngành ngân hàng đã nâng cao khả năng cung ứng cho nền kinh tế, các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng đều phát triển. Cụ thể, toàn hệ thống có 9.787 chi nhánh, phòng giao dịch; 16.937 máy ATM; 222.831 máy POS. Mỗi năm, toàn hệ thống huy động trên 6 triệu tỷ đồng, dư nợ 4,66 triệu tỷ đồng (năm 2015).

Tuy nhiên, cũng theo ông Hòe, mới có 20% dân số nông thôn tiếp cận tín dụng ngân hàng. “Mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh”, ông Hòe thừa nhận.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Phạm Hữu Tuấn, Phó tổng giám đốc Agribank khuyến nghị, để “phổ cập” hơn nữa dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng thương mại cần lưu tâm hơn tới việc mở rộng mạng lưới, sắp xếp mạng lưới phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ ngân hàng.

Tăng kênh ngân hàng, phủ sóng làng quê

Hiện cả nước có gần 10.000 chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại, trong đó Agribank đã chiếm tới gần 1/4. Rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hầu như không có mạng lưới ở địa bàn nông thôn.

Để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế, tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg (Đề án 1726). Một trong những mục tiêu của Đề án là gia tăng kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng, đưa dịch vụ ngân hàng về với vùng sâu, vùng xa.

Ông Phạm Xuân Hòe cho hay, những mục tiêu lớn của Đề án là đến năm 2020 có 70% dân số trưởng thành mở tài khoản ngân hàng, có ít nhất 20 chi nhánh/phòng giao dịch/100.000 dân số trưởng thành, khoảng 30.000 máy ATM (40 máy/100.000 dân số trưởng thành). Đặc biệt, Đề án cũng đặt mục tiêu có khoảng 15% số chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại mở tại địa bàn nông thôn. Khoảng 35 - 40% người trưởng thành ở nông thôn gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng...

Giao dịch tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nghệ An - Ảnh Việt Phương
Giao dịch tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nghệ An - Ảnh Việt Phương

Mặc dù vậy, việc ngân hàng “phủ sóng” làng quê không hề dễ dàng. Vài năm gần đây, nhiều ngân hàng TMCP như BIDV, SHB, LienVietPostBank... đã đẩy mạnh hoạt động ở khu vực nông thôn. Trường hợp của LienVietPostBank cho thấy, dù đã “kết hôn” với Tiết kiệm Bưu điện, với tham vọng biến 10.000 điểm bưu điện kết hợp ngân hàng trên cả nước thành mạng lưới lớn nhất cả nước, đặc biệt là thị trường nông thôn, song sau 5 năm sáp nhập, hiệu quả của mạng lưới này vẫn chưa thấy rõ. Riêng cho vay trên kênh phòng giao dịch bưu điện của ngân hàng này trong năm 2015 mới chỉ dừng lại ở con số vài ngàn tỷ đồng.

Với nhiều ngân hàng khác, việc chuyển hướng về quê cũng mới chỉ dừng ở địa bàn huyện, thị trấn, thị tứ. Hầu như cắm chốt tận địa bàn nông thôn vẫn chỉ mới có Agribank.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc khuyến khích ngân hàng về quê để tăng độ phủ sóng dịch vụ ngân hàng với đa số người dân là chủ trương hợp lý. Tuy nhiên, trước khi khuyến khích ngân hàng về quê, NHNN cần có quy hoạch mạng lưới để có sự phân bổ phù hợp.

Ngoài ra, với các nhà băng ít kinh nghiệm hoạt động ở địa bàn nông thôn, việc thành lập phòng giao dịch mới ở khu vực này là hết sức tốn kém, không hiệu quả. Do đó, để khai phá thị trường này, ngân hàng cần tìm cách ứng dụng công nghệ tin học và công nghệ viễn thông để cho ra đời những sản phẩm dịch vụ và kênh bán hàng mới, phù hợp với người dân khu vực này.

Theo Baodautu

TIN LIÊN QUAN