Tăng 11 lần, hệ thống lương vẫn 'như thời bao cấp'

21/11/2016 19:32

Tổng quỹ chi trả lương và trợ cấp cho cán bộ, công chức tăng hơn 11 lần trong 15 năm, từ 26,5 nghìn tỷ đồng lên 295 nghìn tỷ.

Ngày 21/11, tại hội thảo về cải cách tiền lương do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Đặng Như Lợi (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội) cho rằng, Việt Nam đã có ba cuộc đại cải cách tiền lương vào các năm 1960, 1985 và 1993 song ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Năm 2004, Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới, điều chỉnh tăng lương cơ sở, mở rộng quan hệ tiền lương và tách lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hưởng ngân sách, thực chất vẫn dựa trên nền cách tính lương năm 1993.

Theo ông Lợi, năm 1993 chỉ có 9 loại phụ cấp lương cho công chức và lực lượng vũ trang nay đã tăng lên khoảng 20 loại. Chế độ phụ cấp ngày càng chắp vá, các khoản chồng chéo lên nhau khiến quan hệ tiền lương chung bị phá vỡ.

"Nghịch lý lương không đủ sống mà phụ cấp quá nhiều xuất phát từ sự quản lý không cân đối, áp lực lương thấp đè nặng buộc các ngành phải tìm cách bổ sung thêm các khoản phụ cấp", ông nói.

Ông Lợi đánh giá, hàng năm nhà nước tốn hàng chục nghìn tỷ để cải cách tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch mà chất lượng công chức vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông cũng đưa ra con số, năm 2001 có hơn 5,1 triệu người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang) với tổng chi ngân sách gần 26.500 tỷ. Năm 2015, số người hưởng lương tăng lên 6,5 triệu, tổng quỹ chi ngân sách khoảng 295.000 tỷ (tăng hơn 11 lần).

"Không có nước nào như Việt Nam, trả lương theo hệ số, cào bằng cả hệ thống công chức cùng hưởng lương như nhau. Cứ vào biên chế là xếp lương, hưởng lương dù trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc mỗi người khác nhau", ông đánh giá.

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thẳng thắn nhận định, hệ thống lương của Việt Nam hiện nay được thiết kế cho thời kỳ bao cấp. Càng cải tiến để thích nghi bằng cách thay đổi chế độ phụ cấp, thang bảng lương càng làm cho hệ thống lương bất cậ

Theo các chuyên gia, cần xây dựng hệ thống lương theo ngành nghề, vị trí công việc, gắn trả lương với hoàn thành công việc chứ không thể cào bằng.

Ông Trần Quốc Toản cho rằng, phải thiết kế lại hệ thống công chức phù hợp với phân công lao động, chuyên môn, vị trí việc làm; đồng thời trả lương theo hiệu quả hoàn thành công việc thực tế, có quy định khen thưởng cụ thể chứ không phải đều đặn ba năm lên lương một lần.

"Nếu người trẻ có năng lực, muốn vượt lên mà bị ràng buộc bởi hệ số lương, trả không tương xứng thì không tạo được động lực, họ dễ dàng bỏ đi nơi khác hoặc thậm chí xin ra khỏi khu vực nhà nước. Khi đó, nền hành chính sẽ không có chuyên gia giỏi", ông nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Như Lợi đưa ra ý kiến nên có một bộ chỉ tiêu đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành công việc hàng tháng cho cả cơ quan và từng cá nhân, làm căn cứ trả lương, nâng lương; không thể đánh đồng người làm "phất phơ" với làm có hiệu quả.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, lương cơ sở hiện hành 1,21 triệu đồng mỗi tháng chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho cán bộ công chức, mức đảm bảo là 3,3 triệu đồng.

Chiều 11/11, với tỷ lệ gần 80% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2017. Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng một tháng lên 1,3 triệu đồng một tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở. Các mức lương này sẽ thực hiện từ 1/7/2017.

Theo VNEXpress

TIN LIÊN QUAN