Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Có tiềm ẩn, biến tướng trong học thêm, dạy thêm'

16/11/2016 14:50

(Baonghean.vn) - Sáng 16/11, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là thành viên Chính phủ thứ 3 đăng đàn trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn.

Các chất vấn dành cho Bộ trưởng tập trung về vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm - trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới; đề án tổ chức kỳ thi THPT và việc dạy ngoại ngữ; tình trạng dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp và cuộc cách mạng công nghiệp…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến việc dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ thừa khoảng 70 nghìn giáo viên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có rất nhiều giải pháp cho vấn đề đào tạo giáo viên, trong đó có nhóm giải pháp căn cơ và nhóm giải pháp tình huống.

Giải pháp căn cơ đầu tiên là quy hoạch lại các trường, làm sao để cung cầu sát nhau. Tiếp đó là một loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng của các trường và ngành, trong đó bảo đảm chất lượng của đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính và đặc biệt là quản lý… Đặc biệt, phải gắn với thị trường lao động và phải có dự báo thị trường lao động.

Tuy nhiên, quy hoạch và dự báo thị trường lao động đều chưa được làm tốt, chưa đồng bộ. “Tôi nghĩ ở đây có một phần rất lớn là trách nhiệm của ngành; chúng tôi đã có trung tâm dự báo, nhưng tới đây phải làm tốt hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Hiện nay, cả nước có 114 đơn vị, cơ sở đào tạo ngành sư phạm, thậm chí có những trường đa ngành cũng tham gia đào tạo sư phạm. Khẳng định giáo viên là vấn đề rất quan trọng, không chỉ với bậc đại học mà từ bậc mầm non trở lên, vì đây chính là những bậc học giáo dưỡng từ nhỏ mà giáo viên không được đào tạo đến nơi, đến chốn thì rất nguy hiểm, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có giải pháp và được Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện để rà soát lại chuẩn giáo viên và tăng cường chất lượng giảng viên của các trường từ bậc mầm non đến đại học.

Chia sẻ với lo lắng của ĐBQH về tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những mục tiêu, yêu cầu đối với các trường đại học là đào tạo ra phải có việc làm, nhưng thực tế không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra trường cũng tìm được việc làm ngay, mà cần có thời gian, độ trải nghiệm thực tiễn, thì mới thích ứng được.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, kiến thức trong nhà trường hết sức quan trọng, giúp sinh viên ra trường không phải mất thời gian đào tạo lại. “Đào tạo lại rất lãng phí không chỉ về tiền bạc và thời gian, mà còn rất nguy hiểm khi sinh viên được đào tạo những thứ không thích, đến bây giờ phải học những thứ mới, thì rất khó đáp ứng với sinh viên. Chúng tôi rất ý thức được điều đó”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 300 nghìn sinh viên ra trường. Theo thống kê của các trường đại học, khoảng 80% số sinh viên ra trường có việc, như vậy còn khoảng 60 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm. Số sinh viên ra trường có việc làm ngay rơi vào các trường tốp trên, còn phần lớn sinh viên ra trường chưa có việc làm, hoặc thất nghiệp rơi vào các trường chất lượng yếu và phần lớn là các trường mới thành lập.

Nhận thức rõ thực tế này, Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh lại các trường, áp dụng các tiêu chuẩn với các trường và ngành, để làm sao những trường mới mở hoặc chất lượng yếu kém, sẽ được hỗ trợ, ví dụ có thể trở thành trường thành viên của các trường đại học lớn.

Trả lời câu hỏi về tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, vấn đề dạy thêm học thêm có tiềm ẩn, biến tướng. Trách nhiệm của Bộ trưởng thì cần phải giám sát. Quan trọng là phải rà soát những nội dung không nhất thiết để chương trình nhẹ hơn và nhẹ hơn không phải bỏ đi, nhưng cần có sự phối hợp với địa phương để chấn chỉnh học thêm dạy thêm...

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường.
Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường.

Cũng trong sáng nay,đại biểuTrần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng chủ trương, giáo dục VNEN bước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song nhìn chung phụ huynh và học sinh chưa đồng tình, còn nhiều băn khoăn về chất lượng. Đại biểu đặt câu hỏi: Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và giải pháp trong thời gian tới?

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực tế thời gian dài vừa qua các chuyên gia nước ta có những quan điểm về phát triển giáo dục đào tạo theo 2 mô hình, đó là giáo dục đại chúng và giáo dục đại học tinh hoa. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Do hết thời gian làm việc buổi sáng, 14h chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp tục trả lời các chất vấn của ĐBQH.

Tiếp đó, bắt đầu từ 14h30, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn.

Diệp Anh - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN