(Baonghean.vn) - Kinh tế trang trại có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào miền núi. Tuy nhiên, hầu hết các trang trại ở đây chủ yếu nằm ở những địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối và đồi núi hiểm trở. Thậm chí, tại một số địa bàn vùng cao chỉ lưu thông được vào mùa khô. Điều này khiến cho các công tác chăm sóc và tiêu thụ cây trồng, vật nuôi từ các trang trại gặp vô vàn khó khăn. Thực tiễn cho thấy, hạ tầng giao thông đã và đang trở thành một cản lực lớn đối với việc phát triển loại hình kinh tế này.
|
Giai Xuân là một trong những vùng trọng điểm phát triển kinh tế trang trại của huyện Tân Kỳ. Hiện toàn địa phương có hơn 40 gia trại và 10 trang trại tổng hợp. Từ đây, bà con đã dần xóa bỏ những lạc hậu trong làm ăn kinh tế để mạnh dạn phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa. Tuy nhiên, một trong những bước cản đối với kinh tế trang trại nơi đây chính là hệ thống giao thông trên địa bàn xã còn rất hoang sơ và không đáp ứng được sức lưu thông của các phương tiện vận chuyển. Trong hình là đoạn đường dẫn tới 2 xóm Vạn Xuân và Vạn Long, nơi có hàng chục ha trang trại của các bà con trên địa bàn. |
|
Những cung đường nối liền từ trung tâm xã tới các diện tích vùng đồi thường rất nhỏ hẹp và chủ yếu là đường đất. Dù mùa nắng hay mùa lạnh, chỉ cần sau một cơn mưa là toàn bộ hệ thống đường đều trở nên trơn trượt và lầy lội gây khó khăn cho người và các phương tiện di chuyển. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch, để vận chuyển số lượng sản phẩm hàng hóa lên tới hàng chục tấn từ vùng trồng ra ngoài để tiêu thụ là một trong những công đoạn khó nhọc nhất đối với bà con. |
|
Để phát triển trang trại, nhiều bà con phải mở hàng km đường. Trong hình là trang trại của ông Nguyễn Văn Hữu (sinh năm 1961, xóm Vạn Xuân, Giai Xuân, Tân Kỳ) sau gần 10 năm khai hoang, đào đất đắp đường. Trong diện tích rộng hơn 6 ha đó ông tiến hành trồng các loại cây ăn quả gồm thanh long, cam và quýt. Vào mỗi vụ thu hoạch, ước tính sản lượng trái cây có khi lên tới hàng chục tấn. Do đường nhỏ, lại khó khăn trong công tác vận chuyển nên phải mất hàng tuần mới tiêu thụ hết được. Có khi vì thời gian chờ vận chuyển quá lâu mà hoa quả bị hư hỏng rất nhiều. Đây là tình trạng mà nhiều bà con ở Giai Xuân nói riêng và hơn 520 gia trại, trang trại của Tân Kỳ nói chung đang gặp phải. |
|
Tại Châu Lý (Quỳ Hợp), địa phương dẫn đầu trong phong trào phát triển rừng sản xuất với diện tích lên tới 3.700 ha cây lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là cây keo. Ước tính, bình quân mỗi ha keo cho năng suất từ 120 đến 150 tấn sản phẩm vào vụ thu hoạch. Để vận chuyển số lượng cây sau thu hoạch đòi hỏi người dân phải huy động những xe có chức năng vận tải lớn. Tuy nhiên, hệ thống giao thông dẫn vào các diện tích vùng trồng là những lối đi nhỏ, trắc trở và lầy lội khiến cho việc tiêu thụ không hề dễ dàng. Trong hình là diện tích đường vừa được khai mở dẫn vào trang trại trồng cây lâm nghiệp ở vùng thung Tồm của xã. |
|
Trang trại của anh Nguyễn Đức Bình rộng gần 20 ha tại thung Tồm (bản Dền, Châu Lý) canh tác chủ yếu là cây keo. Theo tính toán,một chuyến xe vận chuyển ước đạt khoảng trên dưới 10 tấn keo với mức giá khoảng 250 nghìn đồng mỗi tấn. Tính ra, mỗi ha keo phải mất chi phí vận chuyển trên dưới 30 triệu đồng, chiếm hơn 30% tổng thu nhập. |
|
Tại Diên Lãm (Quỳ Châu), địa phương có hơn 4.200 ha rừng sản xuất là diện tích khoanh vùng trang trại để kết hợp trồng rừng và phát triển chăn nuôi của bà con. Tại đây, hầu hết những con đường dẫn vào trang trại của bà con cũng chỉ là những lối mòn nhỏ. Trong ảnh là trang trại của ông Quang Văn Cường (bản Có Hướng, Diên Lãm). Bao quanh trang trại của ông Cường còn có hệ thống khe suối dày đặc, bởi vậy để vận chuyển cây, con giống hay phân bón vào trong trang trại cũng như việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. |
|
Với thế mạnh về diện tích đất rừng, toàn huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 400 mô hình gia trại, trang trại vườn rừng tổng hợp. Tuy nhiên, ngoài những trục đường chính được đầu tư trải nhựa thì hệ thống đường chạy từ trung tâm xã vào sâu trong bản làng và các diện tích khoanh nuôi của người bà con vẫn còn đa phần là đường đất hay các lối mòn vắt ngang theo địa hình núi non hiểm trở. |
|
Người dân ở địa phương đa phần là đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú... với điều kiện sống còn nhiều khó khăn nên việc bỏ tiền đầu tư làm đường là điều không thể. Ông Cụt Bún Ma, ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) sau hàng chục năm khai hoang mới phát triển được trang trại rộng gần 19 ha trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Ông cũng phải bỏ tiền túi ra hơn 90 triệu đồng để đào đường và san lấp mặt bằng, tuy nhiên vẫn chỉ là muối bỏ biển. Hiện xã Nậm Cắn có hơn 30 gia trại, trang trại cũng đang trong tình trạng tương tự. |
|
Hiệu quả của việc mở rộng, phát triển gia trại, trang trại ai cũng nhin thấy rõ, tuy nhiên do hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập nên người dân vẫn còn nghi ngại trong việc đầu tư, sản xuất chăn nuôi. Mong rằng chính quyền các cấp sẽ có các chính sách phù hợp, quan tâm hỗ trợ người dân vùng đặc thù phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. |
Thanh Quỳnh