Cậu bé mồ côi trở thành giáo viên dạy giỏi để trả nghĩa với đời

20/11/2016 09:42

(Baonghean)-Giờ đây, khi đã thành nhà giáo, thầy Nguyễn Đình Tứ vẫn không bao giờ quên những năm tháng tuổi thơ cơ cực, gian nan. Mồ côi cả bố lẫn mẹ, phải bỏ học giữa chừng, tự bươn chải kiếm sống, cậu bé xứ Lường ấy đã vượt lên tất cả để bước vào giảng đường đại học rồi trở thành một giáo viên trẻ có nhiều thành tích.

“Tuổi thơ dữ dội”

Người thầy hướng cặp mắt vào từng trang vở, dõi theo từng nét bút học trò trên hành trình đi tìm lời giải và ẩn số. Lớp học ấy lập ra trước ở Làng Mỏ, xã Tam Quang (Tương Dương), trò đến để được mở mang tri thức, thầy truyền đạt không lấy một đồng tiền công. Người thầy đó tên là Nguyễn Đình Tứ - giáo viên dạy Toán, Trường THPT Tương Dương 2.

Thầy Tứ chia sẻ: “Mình đi ra từ cái nghèo nên thương những học trò nghèo vô kể, muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ các em. Suy tính mãi, cuối cùng quyết định mở lớp bồi dưỡng miễn phí cho những em nghèo ham học, mong các em thành công trong các kỳ thi để có được tương lai tươi sáng”.

Thầy Nguyễn Đình Tứ soạn giáo án trên máy tính.
Thầy Nguyễn Đình Tứ soạn giáo án trên máy tính.

Thầy Nguyễn Đình Tứ sinh ra và lớn lên ở xã Trù Sơn (Đô Lương) - một vùng quê từng nổi tiếng nghèo khó. Gia đình có 4 anh chị em, thầy là con út, bố chẳng may qua đời sớm, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống vô cùng túng thiếu. Một nồi cơm trắng và đĩa thịt kho luôn là niềm mơ ước, mỗi năm chỉ có một vài lần. Cậu bé Tứ gầy như que củi khô, sau buổi học phải ra đồng mò cua, bắt ốc, ếch, lươn cá và mót lúa- ngô- lạc để kiếm tiền mua gạo và thuốc thang cho mẹ. Lúc ấy, lươn, ếch chưa phải là món ăn đặc sản, nên 2kg lươn hoặc 20 con ếch chỉ đổi được 1-2kg gạo. Có được chừng ấy “chiến lợi phẩm”, cậu phải dầm mình trong giá buốt, tay chân tê cóng rồi tím tái, phải nhặt phân bò khô đốt lên để hơ lửa cho đỡ cóng.

Năm lên lớp 4, bệnh tình của mẹ ngày càng nguy kịch, cậu phải bỏ học để tập trung cho việc mưu sinh và đỡ đần mẹ những ngày tháng cuối đời. Một khách quen thường hay mua lươn đã giúp đỡ bằng cách giới thiệu cậu xuống trông trẻ và chăn dê cho một gia đình ở xã Vân Diên (Nam Đàn), công việc không vất vả như mò cua, bắt lươn, tiền công lại nhiều hơn để gửi về chăm lo cho mẹ. Một năm sau thì mẹ mất, nỗi đau đớn, bất hạnh và việc bươn chải mưu sinh đã khiến cậu bé trở nên trầm tính, suốt ngày lầm lũi một mình.

Thầy Nguyễn Đình Tứ bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Thầy Nguyễn Đình Tứ bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh nghèo vượt khó.

Mẹ mất, Tứ lên vùng Khe Bố (Tam Quang- Tương Dương) ở cùng gia đình chị gái, công việc hàng ngày là chăm sóc mấy lồng cá trên sông. Lúc này, nỗi khát khao được đến lớp lại bùng cháy, vì cậu biết chỉ có con đường học hành mới thay đổi được số phận. Nhưng vợ chồng chị gái cũng rất khó khăn, lại sống chung với bên nội nên không dám mở lời. Chỉ khi người anh trai được nhận vào làm công nhân Mỏ than, Tứ mới chia sẻ ước nguyện và được ủng hộ.

Vậy là, sau 6 năm “đứt gánh”, Tứ lại được đến lớp, không học lại lớp 4 mà lên thẳng lớp 5, hơn các bạn cùng lớp 5-6 tuổi. Có tố chất thông minh, lại ý thức được hoàn cảnh, cậu luôn chăm chỉ, chịu khó nên kết quả học tập luôn dẫn đầu lớp. Những năm THCS đều là học sinh giỏi cấp huyện môn Văn và Toán, được công nhận danh hiệu Tiên tiến xuất sắc, năm lớp 9 vinh dự là 1 trong 5 học sinh toàn tỉnh được nhận học bổng “Học sinh nghèo vượt khó”.

Trả ngĩa cuộc đời

Niềm vui được nhân lên khi bước vào THPT, Tứ được về Thành phố Vinh học Trường THPT học Hermann Gmainer. “Từ đây, cuộc đời tôi bắt đầu sang một trang mới, mọi thứ dường như dễ dàng và thuận lợi hơn. Bởi những vất vả, khó nhọc trong cuộc sống đã vơi bớt, chỉ việc tập trung cho việc học và nuôi dưỡng tước mơ trở thành thầy giáo”- thầy Tứ chia sẻ. Trong 3 năm học, Nguyễn Đình Tứ đều đạt danh hiệu Xuất sắc. Và quan trọng hơn, cậu đã thi đậu vào Khoa Toán- Trường Đại học Vinh, ước mơ cháy bỏng năm nào đang dần trở thành hiện thực.

Một lần nữa Tứ bươn chải kiếm sống và lo chi phí học hành. Hằng đêm, trong khi bạn bè có thời gian dạo chơi hay xem phim, cậu mải miết với chiếc xe đạp và tập giáo án. Có lần, một phụ huynh đem đến 3 bài kiểm tra của con (1 bài điểm 4 và 2 bài điểm 5) nhờ Tứ giúp đỡ, vì con chị khá chăm chỉ nhưng điểm thường thấp. Kiểm tra kiến thức và kỹ năng, Tứ thấy em học sinh này luôn lúng túng trong cách trình bày và hướng dẫn khắc phục.

Chỉ 1 tháng sau, em đã có bài kiểm tra điểm 9, người mẹ mừng rỡ và tự nguyện tăng tiền học phí gấp đôi và giới thiệu với họ hàng, bạn bè để Tứ nhận làm gia sư. Nguyễn Đình Tứ còn được biết đến là một sinh viên năng động, một cán bộ Đoàn nhiệt tình trong các hoạt động tình nguyện, được Tỉnh đoàn khen thưởng, Hội Sinh viên Việt Nam trao giải thưởng “Sao tháng Giêng”. Vinh dự hơn, khi bước vào năm cuối đại học, Nguyễn Đình Tứ được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

3.Lớp bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh nghèo vượt khó của thầy Nguyễn Đình Tứ
Lớp bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh nghèo vượt khó của thầy Nguyễn Đình Tứ.

Thời sinh viên với bao vất vả, lo toan rồi cũng qua nhanh, Nguyễn Đình Tứ được Trường THPT Tương Dương 2 nhận vào làm giáo viên. Vùng quê này còn nhiều khó khăn, không ít học sinh phải nghỉ học giữa chừng. Mỗi khi hay tin có học sinh nghỉ học, thầy Tứ lại tìm đến tận nhà để vận động các em tiếp tục đến trường, lấy tấm gương của mình để khuyên bảo. Với những học sinh nghèo ham học, thầy mở lớp bồi dưỡng kiến thức miễn phí, giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào các cuộc thi.

Quãng thời gian 10 năm là chưa dài đối với nghề giáo nhưng cũng đủ để thấy năng lực và tâm huyết của một người thầy. Thầy Nguyễn Đình Tứ đã được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và có sáng kiến kinh nghiệm bậc 4. Cùng với đó là một gia đình hạnh phúc với người vợ cũng là một giáo viên và 2 con khỏe mạnh, ngoan hiền.

Thầy Tứ tâm sự: “Niềm mơ ước lớn nhất của tôi là bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, giúp đỡ được nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, không phải nghỉ học giữa chừng. Thực hiện ước nguyện ấy chính là cách để tôi đáp trả những ân nghĩa trong cuộc đời”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN