Thừa giáo viên ở Nghệ An: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh phải đi học chăm trẻ

29/11/2016 09:54

(Baonghean) - Ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản 288/HDLN về việc thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non nhằm khắc phục tình trạng dôi dư giáo viên ở các bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, giải pháp này đang gặp phải những tranh cãi và có nguy cơ “sai chồng sai”.

Từ việc rà soát giáo viên dôi dư

Để khắc phục những hệ lụy do việc dôi dư giáo viên gây ra, ngày 28/10/2013 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-UBND về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng lao động trong các cơ quan đơn vị.

Trong đó quy định rõ, nếu cơ quan đơn vị còn chỉ tiêu hợp đồng do UBND tỉnh phê duyệt và cá nhân đang hợp đồng đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đúng cơ cấu thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiến hành ký kết lại hợp đồng lao động theo quy định.

Ngược lại, đơn vị không có nhu cầu, không có nguồn thu; hợp đồng không đúng số lượng, cơ cấu được UBND tỉnh phê duyệt, thì tiến hành thanh lý hợp đồng. Đồng thời nghiêm cấm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hợp đồng lao động khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt cơ cấu, số lượng, vị trí.

Ông Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Do tình trạng nhiều lao động đã tham gia giảng dạy quá lâu, phần lớn lên tới 10 - 15 năm, hơn nữa vị trí mà những giáo viên này đảm nhiệm là khó thay thế vì trình độ năng lực, về cơ cấu bộ môn, nên một số địa phương vẫn thực hiện ký lại hàng năm.

Tuy nhiên, việc ký chủ yếu dưới hình thức thời vụ, ngắn hạn, còn Sở Nội vụ không nhận được văn bản của huyện nào yêu cầu được ký thêm hợp đồng lao động”. Cũng theo ông Lý, đa phần giáo viên này đều đã hợp đồng nhiều năm nên các huyện đều không “nỡ” thanh lý.

Giờ học của học sinh Trường THCS Thanh Khai (Thanh Chương).
Giờ học của học sinh Trường THCS Thanh Khai (Thanh Chương).

Việc giải quyết bài toán dôi dư còn chưa thực sự quyết liệt, ráo riết một phần còn do Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn xem việc giải quyết dôi dư là trách nhiệm của các địa phương, nên chưa có một giải pháp tổng thể chung. Trong một thời gian khá dài trước đây, vấn đề này còn chủ yếu để các địa phương “tự bơi”, tự giải quyết theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Trong quá trình đôn đốc, giám sát, một số ngành liên quan, chủ lực là ngành Giáo dục cũng chưa quản lý, theo dõi chặt chẽ, sát sao dẫn đến sai phạm chồng lên sai phạm. Mới đây nhất, ngày 27/8/2015, trước khi nghỉ hưu theo chế độ vài tháng, ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ký “Thông báo về việc cho phép hợp đồng giáo viên năm học 2015 - 2016” đối với 55 giáo viên hợp đồng. Việc sai phạm này đã được liên sở tiến hành thanh tra và yêu cầu thanh lý vào ngày 31/5/2016.

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn dôi dư 70 giáo viên cấp tiểu học, trong đó có tới 136 giáo viên hợp đồng; dư 104 giáo viên bậc THCS, nhưng có tới 118 giáo viên hợp đồng. Ngành đã tham mưu cho địa phương, ngoài việc điều chuyển cần tính tới phương án xây dựng đề án dự báo để có cơ chế tuyển dụng những giáo viên thực sự có năng lực”.

Lấy sai này để sửa sai kia

Để hỗ trợ cho giáo viên mầm non và chính sách ăn trưa cho trẻ mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013. Theo đó, ngoài các chính sách hỗ trợ cho trẻ được quy định tại thông tư này, thì đối tượng được hỗ trợ là những giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn của chức danh nghiệp vụ, nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trong định mức được cấp có thẩm quyền quy định) ở các cơ sở mầm non.

Những đối tượng này được hưởng chế độ theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và các phụ cấp kèm theo; được nâng bậc lương thường xuyên và được đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Thanh Khai (Thanh Chương).
Giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Thanh Khai (Thanh Chương).

Tại Nghệ An, Thông tư 09 khi đưa vào thực hiện lại được vận dụng một cách “linh hoạt”. Đó là, ban hành Văn bản 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC về việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các trường mầm non công lập. Theo lý giải của sở, ngành liên quan đến việc ban hành văn bản này, thì đây là một cách vận dụng Thông tư 09 để giảm thiểu giáo viên dôi dư, hay còn gọi là hợp thức hóa số lượng giáo viên dôi dư từ các bậc tiểu học và THCS.

Vì thế, tại Hướng dẫn 288 sẽ ưu tiên số giáo viên hợp đồng nhiều năm tại các trường công lập, giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt mà UBND huyện đã thực hiện xét tuyển đúng quy trình hợp đồng lao động. Cũng theo Hướng dẫn 288 phạm vi đối tượng ưu tiên xét tuyển là số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại, đáp ứng yêu cầu ngành học mầm non.

Thực hiện theo Hướng dẫn 288, trong năm học 2015 - 2016, có 1.600 chỉ tiêu đã được giao cho các địa phương để tuyển dụng giáo viên mầm non (bằng hình thức tuyển dụng giáo viên bậc tiểu học và THCS). Tuy nhiên, vì các giáo viên chưa có bằng cấp chuẩn mầm non theo quy định, một số huyện đã cho giáo viên đi học cấp tốc để lấy “chứng chỉ ngắn hạn” (1 tháng) dù điều này là không đúng với điều lệ tuyển dụng giáo viên mầm non.

Năm học 2015 - 2016, UBND huyện Anh Sơn đã tổ chức tuyển hợp đồng 63 giáo viên để bổ sung cho các trường mầm non công lập (thời điểm đó huyện đang có 80 giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn trong diện hợp đồng huyện và trường); thực hiện theo tinh thần Hướng dẫn 288 và kết quả 63 giáo viên trúng tuyển gồm: chỉ có 40 giáo viên đạt chuẩn giáo viên mầm non (1 giáo viên trung cấp sư phạm mầm non, 9 giáo viên cao đẳng sư phạm mầm non; 30 giáo viên đại học sư phạm mầm non); 23 giáo viên còn lại chưa được đào tạo.

Còn 40 giáo viên đang hợp đồng với huyện và các trường mầm non phải “nhường” chỗ cho 23 giáo viên dôi dư ở các bậc THCS và tiểu học chuyển xuống. Đây là điều bất cập đối với những đơn vị tiếp nhận mới khi số đạt chuẩn thì không được hưởng chính sách của Thông tư 09, còn số giáo viên chưa đào tạo mầm non và đào tạo chắp vá thì lại được hưởng chính sách hỗ trợ.

Cũng trong năm học 2015 - 2016, huyện Quỳnh Lưu đã “lách luật” để thực hiện chuyển đổi bằng cách chưa cho giáo viên đứng lớp khi chưa có bằng đạt chuẩn, nhưng vẫn được hưởng chế độ theo Thông tư 09. Tuy nhiên, điều này lại trái với quy định của Thông tư 09, bởi theo quy định, chính sách này chỉ hỗ trợ cho giáo viên đang đứng lớp, có chuẩn bằng cấp.

Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo để tuyển thêm 900 chỉ tiêu mầm non và vẫn chủ trương lấy từ 1.500 giáo viên dôi dư ở các bậc học THCS và tiểu học (đối với những huyện đang còn dôi dư). Về phía các huyện, rút kinh nghiệm năm trước đã cho giáo viên đi đào tạo trung cấp. Tuy nhiên, chất lượng thì vẫn đang còn nhiều băn khoăn.

Hơn nữa, nhiều giáo viên trong diện dôi dư đã có bằng đại học, có không ít người là giáo viên dạy giỏi ở bậc THCS và tiểu học nhưng nay phải đi đào tạo cấp tốc kiểu học nghề. Điều này đã gặp phải những phản ánh trái chiều của chính những người được điều chuyển.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho hay: “Vẫn biết đó là cánh cửa mở cho những giáo viên hợp đồng lâu năm thuộc diện dôi dư từ các cấp THCS, tiểu học, nhưng thực tế, hầu hết số giáo viên này đã nhiều tuổi, diện hợp đồng lên tới 10 - 15 năm. Họ cũng đã từng được điều chuyển tăng cường đến vùng khó, nay vận động họ đi đào tạo lại và xuống dạy mầm non là một bài toán không dễ giải”.

Giáo viên trường tiểu học Thị trấn Đô Lương hướng dẫn học sinh đọc sách.
Giáo viên trường tiểu học thị trấn Quán Hành hướng dẫn học sinh đọc sách.

Cũng theo ông Nguyễn Tất Tây, trong 93 giáo viên tiểu học và 126 giáo viên THCS trong diện dôi dư của huyện Đô Lương, có hơn phân nửa không muốn đi. Bởi, những giáo viên hầu hết đã lớn tuổi, việc phải thay đổi công việc có tính đặc thù cao như nuôi dạy trẻ là việc rất khó (mặc dù sẽ được đào tạo 10 tháng về chuyên môn mầm non).

Thứ nữa, với những giáo viên cấp THCS tham gia giảng dạy bộ môn Văn, Toán đều đã được khẳng định vị trí trong đơn vị trường học, việc từ bỏ niềm đam mê, sở trường để đi làm giáo viên mầm non là một sự thay đổi “khó thích nghi”. Như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Đội Cung, giáo viên dạy Văn có thâm niên hơn 10 năm công tác, dạy giỏi, uy tín nhưng nay dù tiếc nhà trường vẫn phải vận động cô xuống mầm non để giải bài toán dôi dư.

Tương tự ở huyện Yên Thành, trong 75 trường hợp là giáo viên tiểu học, THCS được điều động luân chuyển xuống mầm non có tới 10 trường hợp là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là những giáo viên có trình độ, có ảnh hưởng và sức lan tỏa trong đội ngũ giáo viên và học sinh. Việc những giáo viên dạy giỏi tỉnh trong diện phải đào tạo lại để xuống dạy mầm non cũng là những phương án “nóng tay bắt lỗ tai” và ngành Giáo dục huyện nhà đang “nát ruột” khi nhìn đội ngũ giáo viên giỏi không giảng dạy theo đúng chuyên môn mà chuyển xuống “chăm trẻ”.

Điểm bất cập nữa là với lượng giáo viên dôi dư được chuyển xuống mầm non lớn như vậy, thì những thế hệ sinh viên được đào tạo bài bản trong các trường đại học, cao đẳng về ngành học mầm non sẽ lại không có cơ hội được tuyển dụng (theo con số đang được đề xuất đào tạo lại để xuống giảng dạy bậc học mầm non năm học 2016 - 2017 là 900 nhưng con số thiếu là 896).

Theo đó, trong vòng 10 - 20 năm nữa trẻ mầm non sẽ không được dạy dỗ, chăm sóc bởi những giáo viên đạt chuẩn. Và bài toán luẩn quẩn về việc thất nghiệp, chất lượng đội ngũ, chất lượng giảng dạy, phình đầu vào, teo đầu ra lại tiếp tục tiếp diễn./.

Nhóm PV


TIN LIÊN QUAN