Nghệ An là tỉnh hoàn thành sớm tổng điều tra, kiểm kê rừng

28/11/2016 10:30

(Baonghean) - Sau 3 năm triển khai dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016, Nghệ An là 1 trong 25 tỉnh hoàn thành trong năm 2015. Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh đã công bố Quyết định 1731/QĐ-UBND (ngày 21/4/2016) về phê duyệt kết quả kiểm kê rừng năm 2015. Đây là dữ liệu hết sức quan trọng, cần được khai thác sử dụng một cách hiệu quả nhằm góp phần đưa nghề rừng phát triển bền vững…

Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 được Chính phủ phê duyệt triển khai năm 2013 trong điều kiện có nhiều khó khăn, phức tạp, kinh phí hạn hẹp, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, cuối năm 2015 Nghệ An đã hoàn thành về đích trước thời hạn một năm.

Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phối hợp với người dân xã Mỹ Lý tuần tra bảo vệ rừng thượng nguồn Nậm Nơn.
Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phối hợp với người dân xã Mỹ Lý tuần tra bảo vệ rừng thượng nguồn Nậm Nơn.

Theo kết quả công bố, đến năm 2015, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có 1.236.259,31 ha, trong đó quy hoạch 3 loại rừng 1.166.109,10 ha và ngoài quy hoạch 3 loại rừng 70.150,21 ha. Đất có rừng 942.508,48 ha (trong quy hoạch 3 loại rừng 879.301,66 ha; rừng tự nhiên 762.785,88 ha; rừng trồng 116.515,78 ha). Đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 63.206,82 ha, trong đó 33.473,21 ha rừng tự nhiên và 29.733,61 ha rừng trồng. Đất chưa có rừng 93.750,83 ha, trong đó quy hoạch 3 loại rừng 286.807,44 ha. Đất có rừng trồng chưa thành rừng 38.302,63 ha. Đất trống có cây gỗ tái sinh 85.660,41 ha. Đất trống không có cây gỗ tái sinh 97.880,01 ha. Núi đá không có cây 1.520,37 ha. Đất có cây nông nghiệp 33.239,79 ha. Đất khác trong lâm nghiệp 30.204,23 ha. Diện tích đất ngoài 3 loại rừng có rừng trồng chưa thành rừng 6.943,39 ha/6.943,39 ha… Về trữ lượng lâm sản, có 91.003.287,4 m3 gỗ; 1.941.681.000 cây tre nứa. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,2%.

Hiện toàn tỉnh có 226.694 chủ rừng nhóm I quản lý 546.980,66 ha rừng và đất trống; trong đó 216.001 hộ gia đình, cá nhân và nhóm hộ gia đình quản lý 240.076,86 ha, gồm: đất có rừng 181.060,76 ha (rừng tự nhiên: 116.341,59 ha; rừng trồng 64.719,17 ha); đất chưa có rừng 59.016,10 ha. Có 13.317 cộng đồng dân cư quản lý 25.843,03 ha, trong đó: đất có rừng 17.619,83 ha (rừng tự nhiên: 16.460,41 ha; rừng trồng 1.159,42 ha); đất chưa có rừng 8.223,20 ha. Có 376 UBND cấp xã quản lý 281.060,77 ha, trong đó: đất có rừng 197.878,03 ha (rừng tự nhiên: 150.475,31 ha; rừng trồng 47.402,72 ha; đất chưa có rừng 83.182,74 ha.

Kết quả kiểm kê còn cho thấy, toàn tỉnh hiện có 65 chủ rừng nhóm 2, quản lý 689.278,65 ha; trong đó, 4 ban quản lý rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Pù Mát, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và BQL rừng đặc dụng Nam Đàn) quản lý 223.814,96 ha (đất có rừng 209.667,65 ha, đất chưa có rừng 14.147,31 ha); 11 ban quản lý rừng phòng hộ, gồm:

BQLRPH Kỳ Sơn, BQLRPH Tương Dương, BQLRPH Con Cuông, BQLRPH Anh Sơn, BQLRPH Thanh Chương, BQLRPH Quỳ Châu, BQLRPH Quỳ Hợp, BQLRPH Tân Kỳ, BQLRPH Yên Thành, BQLRPH Nghi Lộc, BQLRPH Quỳnh Lưu, quản lý 344.662,42 ha; trong đó 242.398,60 ha đất có rừng (228.885,96 ha rừng tự nhiên, 13.512,64 ha rừng trồng), 102.263,82 ha đất chưa có rừng; 10 doanh nghiệp quốc doanh (Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (5 đơn vị thành viên); Công ty TNHH MTV Quỳnh Lưu, Công ty TNHH MTV Tương Dương, Công ty TNHH MTV Con Cuông và Công ty TNHH MTV Đô Lương) quản lý 62.912,04 ha, trong đó: đất có rừng 53.571,25 ha (rừng tự nhiên 43.592,32 ha; rừng trồng 9.978,93 ha), đất chưa có rừng 9.340,79 ha. Có 40 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, lực lượng vũ trang và các tổ chức khác quản lý 57.889,23 ha; trong đó: đất có rừng 40.312,36 ha (rừng tự nhiên 33.166,14 ha; rừng trồng 7.146,22 ha) và 17.576,87 ha đất trống.

Ngoài dữ liệu trên còn có hệ thống bản đồ kiểm kê, bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ chủ quản lý các cấp với tỷ lệ 1/10.000, 1/50.000, 1/100.000; hệ thống bản đồ kiểm kê rừng chủ quản lý và hiện trạng rừng chủ quản lý nhóm 2.

Rừng trồng ở vùng Bãi Kè (Đồng Hợp - Quỳ Hợp).
Rừng trồng ở vùng Bãi Kè (Đồng Hợp - Quỳ Hợp).

Cơ sở dữ liệu kết quả kiểm kê rừng được lưu, quản lý dưới dạng hồ sơ bản giấy và bản mềm. Trong phần mềm kiểm kê rừng thống nhất của Bộ NN&PTNT, bao gồm dữ liệu số và bản đồ chi tiết đến lô, trạng thái và chủ rừng. Có thể nói thành quả của công tác kiểm kê rừng được UBND tỉnh công bố là hệ thống dữ liệu vô cùng quan trọng.

Nó xác định chính xác diện tích, chất lượng, thiết lập hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp hàng năm, làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vì thế kết quả kiểm kê rừng năm 2015 không chỉ có ý nghĩa to lớn trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch REDD+, xây dựng thành công Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An mà còn góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông lâm nghiệp nói riêng của địa phương giai đoạn 2016 - 2010.

Vì vậy, để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả thành quả kiểm kê rừng đã công bố, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng của tỉnh theo đúng quy định của dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc được phê duyệt tại Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; làm tốt công tác tham mưu để công bố số liệu kiểm kê rừng không chỉ ở cấp tỉnh, mà ngay ở cấp huyện và xã một cách sâu rộng nhằm giúp chính quyền, chủ rừng, cán bộ nhân dân theo dõi giám sát, có trách nhiệm quản lý tốt hơn.

Sau khi công bố, tổ chức bàn giao tài liệu, tập huấn sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu kết quả kiểm kê rừng cho tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan; báo cáo Bộ NN&PTNT và triển khai ngay việc ứng dụng cập nhật theo dõi diễn biến rừng năm 2016.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trên địa bàn có trách nhiệm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng phục vụ cho công tác quy hoạch bảo vệ phát triển rừng và quản lý tài nguyên rừng, theo dõi diễn biến rừng hàng năm theo quy định; tham mưu đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; rà soát việc sử dụng đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng; triển khai phương án giao đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương tham mưu giải quyết vấn đề ranh giới địa chính về đất lâm nghiệp tại một số địa phương còn xảy ra tranh chấp đất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện thành thị trong tỉnh chỉ đạo hạt kiểm lâm có trách nhiệm quản lý toàn bộ hồ sơ kết quả kiểm kê rừng bao gồm cả bản giấy và bản mềm. Khai thác ứng dụng cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng vào các mục đích quản lý rừng, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn Nghệ An năm 2015 được công bố vào dịp Kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11, điều này vừa khẳng định thành quả trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua vừa đặt ra cho các chủ rừng cũng như cán bộ, công nhân viên trong ngành Lâm nghiệp phải tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng, tìm ra các giải pháp đột phá thực hiện có hiệu quả các chương trình đề án đã đề ra, tạo bước phát triển cho nghề rừng.

Văn Đoàn

TIN LIÊN QUAN