Vướng mắc trong xử lý hình sự hành vi mua bán, vận chuyển pháo

06/12/2016 17:14

(Baonghean) - Càng gần Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo trên địa bàn tỉnh càng diễn biến phức tạp. Liên tiếp các vụ vận chuyển pháo lậu với số lượng lớn đã bị các cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều lúng túng.

Quyết liệt ngăn chặn pháo

Với tuyến Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn, lại có bờ biển dài, có các cửa lạch với hàng trăm tàu thuyền ra vào tấp nập, Quỳnh Lưu trở thành một trong những “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển pháo. Trong những tháng giáp Tết Nguyên đán, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Theo lãnh đạo Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết: Quỳnh Lưu là địa bàn xung yếu nằm ở phía Bắc của tỉnh nên thời gian qua, tình trạng mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo trái phép… diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng thường ngụy trang bằng cách đóng vào bao bì, hay đóng kín thùng.

Đặc biệt, chúng thường lợi dụng buổi trưa hoặc buổi tối để giao “hàng” nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Với quyết tâm đẩy lùi nạn mua bán, vận chuyển pháo và các mặt hàng trái phép khác trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan nhằm đấu tranh có hiệu quả, góp phần “hạ nhiệt” tình trạng này.

Công an huyện Diễn Châu tuyên truyền pháp luật về phòng chống pháo nổ cho học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.
Công an huyện Diễn Châu tuyên truyền pháp luật về phòng chống pháo nổ cho học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.

Xác định là địa bàn trọng điểm, thành phố Vinh luôn được các cấp, ngành quan tâm trong công tác phòng, chống hành vi vi phạm về pháo. Vào những tháng cuối năm, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo nổ trái phép trên địa bàn TP. Vinh càng “nóng” hơn bao giờ hết.

Vì vậy, ngay từ đầu tháng 9, Công an TP. Vinh phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để đấu tranh với hoạt động của loại tội phạm này nhằm giúp người dân đón Tết an toàn, không có tiếng pháo.

Đại tá Trần Ngọc Tú – Trưởng Công an TP. Vinh cho biết: Bên cạnh nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng, lực lượng công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép.

Tại các địa bàn trọng điểm, đông dân cư, lực lượng Công an đã tham mưu chính quyền cơ sở lồng ghép nội dung này vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; lập danh sách các gia đình, cá nhân vi phạm để có biện pháp nhắc nhở, răn đe, ký cam kết không tái phạm...

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, công tác phòng, chống pháo đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Nhằm chủ động trong công tác phòng chống các hành vi vi phạm về pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017, tháng 9/2016, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 541/KH-UBND phòng chống pháo nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Sau đó, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 307/KH-CAT-PV11 ngày 23/9/2016 để chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, tăng cường sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo, góp phần đảm bảo cho nhân dân vui Tết, đón xuân Đinh Dậu 2017 an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh phân công nhiệm vụ, xây dựng các tuyến, địa bàn trọng điểm, Công an tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống pháo nổ. Những đơn vị nào thực hiện tốt, phá được các chuyên án lớn thì sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng. Còn những đơn vị chưa làm tốt sẽ nhắc nhở và phê bình khi không thực hiện đúng kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Đối tượng Ngô Quang Lược (trú tại Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu) bị Phòng PC 46 Công an Nghệ An bắt quả tang khi đang có hành vi vận chuyển 23 kg pháo nổ trái phép vào ngày 2511
Đối tượng Ngô Quang Lược (trú tại Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu) bị Phòng PC 46 Công an Nghệ An bắt quả tang khi đang có hành vi vận chuyển 23 kg pháo nổ trái phép vào ngày 2511

Vướng mắc trong xét xử hình sự

Từ trước đến nay, pháo luôn đi kèm với những tác hại khó lường, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe của con người, đến trật tự quản lý kinh tế và trị an xã hội. Do đó, Nghị định số 59/2006/NĐ – CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại 2006 quy định “pháo các loại” thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.

Tại Thông tư liên tịch số 06/2008 giữa Bộ công an, VKSND tối cao và TAND tối cao quy định hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu thực hiện việc mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) thì “pháo các loại” lại thuộc danh mục “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Từ đó dẫn đến một bất cập là: Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thương mại năm 2005 chồng chéo nhau về đối tượng điều chỉnh.

Liên quan đến việc xử lý hành vi mua bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại, ngày 26/1/2016, TAND tối cao ban hành Công văn số 06 hướng dẫn đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu qua biên giới, nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 153 (tội buôn lậu), Điều 154 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) BLHS hiện hành thì phải xét xử kịp thời.

Nhưng một vấn đề đặt ra là đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ pháo trong nội địa đang khá phổ biến hiện nay thì lại chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể. Trong khi đó, một số vụ vi phạm về pháo bị phát hiện gần đây, tuy đã cấu thành yếu tố tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng cơ quan tố tụng vẫn chưa thể đưa ra xét xử. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đấu tranh xử lý đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu trong nội địa khi các đối tượng bị bắt giữ.

Ngay cả khi giữa các ngành có được sự thống nhất về mặt nhận thức, rằng: Có thể xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo thì vẫn còn một bất cập khác phát sinh từ quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể: Theo quy định tại Điều 190 và Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì hàng cấm bị thu giữ (ngoài các loại hàng cấm là hoá chất, kháng sinh...) được quy định tại Điểm a Khoản 1 các Điều 190 và Điều 191) phải có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên (trường hợp hàng cấm bị thu giữ trị giá dưới 100.000.000 đồng thì các đối tượng phải có tiền án, tiền sự về những hành vi thuộc nhóm tội phạm này) hoặc từ 50.000.000 đồng trở lên nếu buôn bán, vận chuyển qua biên giới, mới có thể xử lý hình sự. Vậy, dựa vào căn cứ nào để có thể định giá các loại pháo, trong khi các mặt hàng cấm không được kinh doanh, buôn bán trên thị trường nên không có quy định về giá?.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường và các đoàn thể, quần chúng ở địa phương.

Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải thích pháp luật để phân biệt rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh giữa Luật Thương mại và Luật Đầu tư; đồng thời cần có cơ chế cho phép định giá tài sản trong tố tụng hình sự đối với mặt hàng pháo làm căn cứ để xác định giá trị hàng cấm; từ đó xác định rõ hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại trong nội địa có đủ căn cứ xử lý hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định BLHS năm 2015.

Tính từ ngày 1/9 - 1/12/2016, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt 36 vụ, 38 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, thu 324,3 kg pháo nổ, 180 kg pháo điện.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN