Hoạt động nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

26/11/2016 10:14

(Baonghean.vn) - Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng; Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết; Hỗ trợ vắc xin cho các huyện nghèo; Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

1- Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế
Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế

Cụ thể, tại Quyết định 2255/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn sinh năm 1961, quê quán thành phố Đà Nẵng. Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an.

Tại Quyết định 2258/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông Trương Quốc Cường sinh năm 1961, quê quán tỉnh Hưng Yên. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

2- Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết

Tăng cường kiểm tra hàng hóa cuối năm (Ảnh minh họa)
Tăng cường kiểm tra hàng hóa cuối năm (Ảnh minh họa)

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017.

Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường công tác chỉ đạo đấu tranh trong dịp Tết Nguyên đán; công tác kiểm tra, nắm tình hình tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý.

3 - Hỗ trợ vắc xin gia súc, gia cầm cho các huyện nghèo

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 27/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương...

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đã đưa ra nhiều chính sách như: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí... Trong đó, để hỗ trợ người dân nghèo phát triển chăn nuôi, Nhà nước đã hỗ trợ 100% tiền vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm.

4 - Lập chuyên án triệt phá các đường dây mua, bán động vật hoang dã

Số ngà voi gần 2 tấn bị bắt tại cảng Cát Lái
Số ngà voi gần 2 tấn bị bắt tại cảng Cát Lái

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm chắc tình hình, xác lập các chuyên án nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có ngà voi.

Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án buôn lậu ngà voi được phát hiện thời gian qua; đồng thời, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa an nhân dân tối cao sớm đưa các vụ án ra truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không; phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hàng vi vận chuyển, nhập lậu động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có ngà voi.

5 - Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan khẩn trương tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

Theo đó, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc, dứt điểm về việc giải quyết các vụ việc cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 9749/VPCP-V.I ngày 23/11/2015 của Văn phòng Chính phủ); báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/01/2017.

Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6 - Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị phạt đến 2 tỷ đồng

Ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 155/2016/NDD-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo Nghị định, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

7 - Các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị định 27/2007/NĐ-CP quy định sử dụng chữ ký số: Cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân có tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số; giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số và chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp; Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể danh mục các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính bắt buộc phải sử dụng chữ ký số.

Điều kiện, phạm vi và đối tượng sử dụng đối với từng loại chứng thư số trong hoạt động tài chính phải tuân theo quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Cơ quan tài chính tham gia giao dịch điện tử có ràng buộc bởi điều ước quốc tế về chữ ký số mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì phải thực hiện theo điều ước quốc tế đó.

Bộ Tài chính quy định cụ thể các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính bắt buộc phải sử dụng chữ ký số. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 10/1/2017.

8 - Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Xây dựng và cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền giao vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn tất việc thẩm định số lượng nhà ở đối với người có công với cách mạng cần hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

9 - Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn; trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, Giao thông vận tải, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải quản lý, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe do Bộ Giao thông vận tải trang bị; kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe phù hợp với tình hình của địa phương; kiểm tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa vi phạm cam kết về xếp hàng hóa lên xe ô tô không vượt quá tải trọng cho phép.

10 - Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ TNMT

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh.

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch nhằm bố trí hợp lý ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực; tạo đột phá trong quản lý, từng bước xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN