Học sinh lớp 6, 7 rục rịch bỏ học đi lấy chồng
(Baonghean) - Làm vợ, làm mẹ khi chưa đến 18 tuổi và tục tảo hôn sớm đã không còn là chuyện hiếm ở những bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Kỳ Sơn. Hơn thế, đối tượng tảo hôn ngày càng nhiều ở những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường…
Lớp 9B, Trường PT Dân tộc bán trú THCS Mường Lống (Kỳ Sơn) chỉ trong mấy tháng đầu năm học 2016 – 2017 đã có 4 học sinh nữ “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Trong đó, ba em Và I Ái, Cử I Rà, Và I Pà cùng là người ở bản Long Kẻo và cùng lấy chồng vào tháng 10. Em còn lại Cử I Xì (bản Mò Nừ) thì chỉ khai giảng được mấy hôm là đã lấy chồng. Sau khi cưới xong, Xì đi học thêm hai ba bữa rồi bỏ hẳn.
Là giáo viên chủ nhiệm, mỗi lần có học sinh mời đi đám cưới, dù xa bao nhiêu cô giáo Vi Thị Sầm cũng cố gắng sắp xếp đi dự. Người khác đi đám cưới thường mang nhiều tâm trạng, còn cô trước khi đi mong muốn lớn nhất là gặp được phụ huynh các em để trò chuyện mong “vận động được các em đến trường”.
Nói ra điều này, cô giáo Vi Thị Sầm cũng không dấu được xót xa bởi: Học sinh nữ lấy chồng rồi muốn đến trường phải phụ thuộc gia đình chồng. Nhưng ở đây, việc học không được quan tâm, đã “lấy về nhà ta, ta cho làm việc thôi”.
Những học sinh mới lập gia đình ở Trường THPT Kỳ Sơn |
Nhiều năm làm giáo viên cắm bản ở nơi có đông đồng bào Mông sinh sống nên cô giáo Vi Thị Sầm và giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lống giờ đã không còn bất ngờ với việc học sinh bỏ học lấy chồng.
Bản thân các giáo viên cũng khẳng định, học sinh miền núi bỏ học vì nhiều lý do nhưng việc vận động học sinh đã lấy chồng quay trở lại trường sau khi lập gia đình là điều khó khăn nhất. Nguyên nhân chính bởi học sinh nữ người dân tộc Mông thường lấy chồng xa nhà, muốn đến trường phải qua một chặng đường dài.
Hơn nữa, lấy chồng rồi chỉ một thời gian ngắn là các em phải sinh con, chăm sóc gia đình nên cũng không còn tâm trí nào để quan tâm đến việc học tập. Về phía nhà trường, dù nạn tảo hôn đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng hiệu quả cũng không đáng là bao.
Thậm chí, tại Đại hội chi đoàn đầu năm, nhiều giáo viên còn yêu cầu học sinh phải “thề”: “Không cưới chồng sau khi học hết lớp 12” nhưng đa phần học sinh đều không dám hứa. Hoặc có trường hợp “thề” nhưng chỉ dừng lại việc “không lấy chồng sau khi học xong lớp 9”.
13 – 14 tuổi là lứa tuổi được người Mông quan niệm là “đẹp” nhất để lập gia đình. Ngược lại con gái từ 16 – 18 tuổi nếu chưa có con trai đến “dạm ngõ” thì đã có thể xem là ế. Cũng chính bởi tập tục này, nên nhiều học sinh đang học cấp II ở các xã Huồi Tụ, Mỹ Lý, Na Ngoi, Mường Lống… của Kỳ Sơn chỉ mới học đến lớp 6, lớp 7 đã rục rịch lấy chồng. |
Gian hàng nhỏ của Cử I Rùa ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). |
Như ở Trường PT Dân tộc bán trú THCS Huồi Tụ, chưa hết học kỳ 1 của năm học 2016 – 2017 nhưng không ít em đang ở tuổi thiếu niên đã lập gia đình. Gặp em Cử I Rùa ở bản Ngã ba (xã Huồi Tụ), em cho biết: Gia đình có 6 chị em gái, em là con út và là người lấy chồng muộn nhất dù năm nay chỉ mới 15 tuổi.
Trong số các chị em, Rùa cũng là người khá may mắn vì lấy chồng xong em không phải ở nhà, đi rẫy mà được gia đình hai bên tạo điều kiện mở một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa và đang chờ đứa con đầu lòng ra đời. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên của trường nói thêm: Cấm các cháu không được lấy chồng là không thể vì ở đây dễ yêu, dễ lấy. Nhiều em, khi thấy cô giáo khuyên còn dọa tự tử.
Cũng do lấy chồng và sinh con sớm nên hầu hết những đám cưới này đều là đám cưới “chui”, không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trẻ con sinh ra, đến tuổi đi học mới được gia đình làm giấy khai sinh. Nói thêm về điều này, ông Và Chá Xà - Phó Chủ tịch xã Mường Lống cũng cho biết: Hiện nay, tỷ lệ cặp kết hôn sớm ở xã Mường Lống chiếm khoảng 5% - 10% và độ tuổi kết hôn thường rất sớm. Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình.
Lỳ I Dở, học sinh lớp 12 K, Trường THPT Kỳ Sơn 1 là học sinh khá của lớp, nhiều năm liên tục đều đạt học sinh tiên tiến. Gương mặt khả ái, Lỳ I Dở cũng từng có ước mơ sẽ thi vào khoa mầm non về làm cô giáo nếu như hè lớp 11 Dở không bất ngờ lấy chồng. Trò chuyện với cô bé, em thật thà cho biết: chúng em yêu nhau được một năm là gia đình hai bên đã bảo cưới. Em cũng thấy đã đến tuổi vì nơi em ở con gái ai cũng lấy chồng sớm…
Chồng của Dở cũng là người cùng xã, năm nay đang học năm cuối ở Đại học Y Khoa Hà Nội. Lấy chồng xong, do gia đình có điều kiện nên Dở được tạo điều kiện để tiếp tục ra thị trấn, thuê nhà học xong cấp III. Với lực học khá, chồng cũng khuyến khích để Dở học lên để có bằng đại học, cao đẳng nhưng Dở đã nói rằng: em không học lên nữa đâu. Học xong, em sẽ về quê, sinh con cho chồng vì em không còn trẻ nữa…
Cũng giống như Dở, Vừ Mái Cở là gương mặt nổi bật nằm trong Ban Chấp hành của Đoàn Trường THPT Kỳ Sơn. Cở lấy chồng dịp hè lớp 10, chồng làm ở ngành An ninh nên lấy chồng xong Cở cũng được tạo điều kiện đến trường. Hơn thế, tháng 11 vừa rồi, Cở cũng được huyện chọn đi tham dự ngày hội văn hóa dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La và giành giải Nhì cuộc thi nét đẹp văn hóa dân tộc. Bao tương lai đang hứa hẹn, nhưng chính em cũng chưa biết mình có thể tiếp tục học lên cao hay không vì đang còn vướng trách nhiệm với gia đình…
Mỗi một năm Trường THPT Kỳ Sơn có từ 80 - 100 học sinh bỏ học. Riêng từ đầu năm học đến nay, đã có khoảng 20 trường hợp và nhiều em trong số đó bỏ học để lấy chồng. Thầy giáo Trần Thanh Văn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ở lứa tuổi cấp III vì các em đã trưởng thành nên nhiều gia đình vẫn tạo điều kiện cho các em đi học. Nhưng số em học lên không nhiều. Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp chỉ học được một vài tháng lại tiếp tục bỏ học. Điều đặc biệt, không chỉ học sinh nữ mới bỏ học để lập gia đình mà trường hợp học sinh nam cũng không hiếm.
Thực tế cũng cho thấy, ở độ tuổi cấp III, đa phần học sinh đã có nhận thức và sự hiểu biết nhất định về các quy định về Luật Hôn nhân và gia đình cũng như những hệ quả của tảo hôn sớm. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra và chưa có giải pháp tích cực để hạn chế. Sự việc kéo dài còn là lời báo động về tình trạng bất bình đẳng giới, nghèo đói, bạo lực gia đình… và xa hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ trẻ sau này khi các em thiếu sự chăm sóc và chuẩn bị đầy đủ từ bố mẹ.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN