Cần hướng đến sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới

14/12/2016 17:01

(Baonghean) - Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Nghệ An có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới xuất hiện các bất cập không chỉ về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản mà một số tiêu chí tuy đạt nhưng thiếu tính bền vững, chưa có các mô hình kinh tế quy mô, đột phá.

Thiếu mô hình kinh tế có tính đột phá

Việc nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố tiên quyết nhằm đảm bảo tính bền vững trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Theo thống kê, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.529 mô hình thuộc các chương trình phát triển kinh tế và 455 mô hình xây dựng NTM như sản xuất rau an toàn, lúa, ngô, lạc, chanh leo…

Việc tập trung xây dựng các mô hình đã góp phần đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 ước còn 9,5%, giảm 2,6% so với cuối năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn từ 14,4 triệu đồng/năm vào năm 2010 tăng lên hơn 19,6 triệu đồng/năm vào thời điểm này. Năm 2010, cả tỉnh cũng chỉ có 9 xã đạt tiêu chí về thu nhập, nhưng đến nay đã có 313/431 xã đạt. Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 chỉ có 18 xã đạt, song đến nay đã có 219/431 xã đạt.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ, nhân dân thôn Liên Tân,  xã Bồng Khê (Con Cuông).
Đoàn giám sát HĐND tỉnh trao đổi với cán bộ, nhân dân thôn Liên Tân, xã Bồng Khê (Con Cuông).

Tuy nhiên, có thể thấy để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn thực sự bền vững, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều mô hình kinh tế mang tính đột phá, gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của HTX, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ.

Xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, với cơ cấu kinh tế đa dạng như đánh bắt hải sản, kinh doanh dịch vụ, đóng tàu, làm nông, xuất khẩu lao động, thu nhập của người dân địa phương này ước đạt 29,64 triệu đồng vào năm nay.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất đối với lãnh đạo xã đó là tính bền vững trong thu nhập của người dân, để đạt được mục tiêu bình quân thu nhập 45 triệu đồng/người/năm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này đặt ra, và cũng là yếu tố để xây dựng NTM bền vững khi xã còn đến 81 tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ và khoảng 200 ha đất nông nghiệp hiệu quả sản xuất chưa cao.

Ông Lê Xuân Lới – Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết: Ban Thường vụ Đảng ủy xã rất trăn trở với vấn đề này. Chúng tôi đã mời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về để nghiên cứu giải pháp giúp địa phương. Trong đó, bên cạnh xác định tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nghề đóng tàu thuyền thì phải thành lập một HTX dịch vụ nông nghiệp vì hiện nay xã chưa có. Tuy nhiên, thành lập HTX phải hoạt động hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm mô hình trồng cam Vân Du tại xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Giang Nam
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm mô hình trồng cam Vân Du tại xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Đây là vấn đề Ban Thường vụ Đảng ủy xã phải tiếp tục bàn bạc tìm ra giải pháp để HTX gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân”. Không chỉ ở xã Phúc Thọ mà nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán phát triển bền vững phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Thực vậy, theo rà soát của Ban tổ chức Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh nhóm các tiêu chí kinh tế và các tổ chức sản xuất thì tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và hình thức tổ chức sản xuất gồm hợp tác xã và tổ hợp tác chỉ đạt ở trên mức sàn.

Tính bền vững một số tiêu chí chưa cao

Huyện Nam Đàn là đơn vị điểm của cả nước về xây dựng NTM, bởi vậy cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đều xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng sự quyết liệt, bài bản, nhiều sáng tạo. Nhờ vậy, tính đến thời điểm tháng 12/2016, toàn huyện có 18/23 xã đạt tiêu chuẩn NTM, 5 xã còn lại cũng đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Đơn cử tại xã Xuân Hòa, mặc dù đã được công nhận chuẩn từ tháng 11/2015, tuy nhiên qua trao đổi Chủ tịch UBND xã Hồ Mạnh Hùng cho biết, trụ sở xã vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới để đạt chuẩn.

Thực trạng trên đặt ra nhiều lo lắng về tính bền vững đối với các địa phương đã đạt chuẩn NTM. Theo đánh giá của Ban điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, vẫn còn tình trạng tại thời điểm thẩm định để xét công nhận đạt NTM, các xã đạt 19/19 tiêu chí, song sau đó một thời gian, thông qua kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng lại phát hiện một số tiêu chí không đạt; đồng thời qua thống kê mức độ đạt ở một số nhóm tiêu chí còn thấp.

Xây dựng kênh bê tông thực hiện chuẩn hóa tiêu chí NTM giao thông nông thôn,ảnh tư liệu
Xây dựng kênh bê tông thực hiện chuẩn hóa tiêu chí NTM giao thông nông thôn,ảnh tư liệu

Đơn cử như nhóm tiêu chí quy hoạch, các xã mới chỉ quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Còn quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch bố trí dân cư… chưa quy hoạch chi tiết. Hay như nhóm tiêu chí văn hóa, xã hội, môi trường thì tiêu chí về môi trường và y tế mới chỉ đạt ngưỡng quy định… Điều này đặt ra một thực tế, nếu các địa phương đã đạt chuẩn chủ quan, lơ là trong việc duy trì và xây dựng nâng cao các tiêu chí thì 5 năm sau thẩm định công nhận lại sẽ “tuột” chuẩn NTM.

Cần chú trọng tính bền vững

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những mặt được, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đó là nợ xây dựng cơ bản của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM còn lớn, vào khoảng 751 tỷ đồng, nhưng nhiều xã đang lúng túng trong cân đối nguồn lực để trả nợ.

Công tác chỉ đạo đảm bảo duy trì ổn định, duy tu bảo dưỡng công trình của các hạng mục thuộc tiêu chí nông thôn mới đã đạt được còn chưa được quan tâm, chú trọng. Một số tiêu chí hoàn thành nhưng ở mức độ còn thấp, tính bền vững chưa cao như: Văn hóa, giáo dục, hộ nghèo, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, môi trường... nhưng chưa có giải pháp chỉ đạo khắc phục thường xuyên. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả chưa cao, chưa có các mô hình kinh tế có quy mô lớn, có tính đột phá…

mô hình nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao của ông Hồ Sỹ Điều,  xã Nghĩa Tiến. Ảnh: Hữu Nghĩa
mô hình nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao của ông Hồ Sỹ Điều, xã Nghĩa Tiến ( Thị xã Thái Hòa), Ảnh tư liệu

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh văn phòng chuyên trách, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, để trả nợ đọng xây dựng NTM cần có nguồn lực của Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Trong đó, bắt đầu từ năm 2017 sẽ ưu tiên các nguồn lực để trả nợ đọng. Bên cạnh đó, đối với các công trình xây dựng NTM sẽ được thực hiện chặt chẽ theo Luật Đầu tư công để tránh tình trạng nợ đọng trong giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, ông Hằng cũng cho rằng, việc giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là đối với các tiêu chí “động” như: môi trường, hệ thống chính trị thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan trọng; cần phải triển khai thường xuyên, liên tục mới đảm bảo bền vững. Đề cập đến vấn đề xây dựng các mô hình NTM có quy mô lớn, đột phá cao, ông Hằng cho biết, đây thực sự là vấn đề khó khăn do nguồn vốn phân bổ của Trung ương đã quy định định mức rõ ràng, do đó việc phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan rất quan trọng để có nhiều mô hình đột phá.

Đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, xây dựng NTM trong thời gian tới dự tính sẽ gặp nhiều khó khăn như các tiêu chí mà các xã chưa đạt đều là những tiêu chí khó và tiếp tục gặp khó khăn; cơ chế chính sách của Nhà nước có thay đổi, điều chỉnh nhưng không hạ thấp và bố trí nguồn lực sẽ khó khăn hơn, trong lúc đó chỉ tiêu theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 "Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020" lại cao, số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 59% (tương đương 254 xã), đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực hơn. Các địa phương cần tiếp tục chăm lo để đảm bảo sự ổn định và bền vững các tiêu chí; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để kết quả xây dựng NTM thực sự bền vững.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN