Vụ ép 2016-2017: Nghệ An đạt 1,2 triệu tấn mía cây

17/11/2016 11:09

(Baonghean.vn) - Sáng 17/11, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2015 - 2016, kế hoạch 2016 - 2017 và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch mía nguyên liệu đến năm 2015.

Hội nghị ...
Hội nghị có sự tham gia của ngành nông nghiệp các huyện quy hoạch đất trồng mía của tỉnh và 3 công ty chế biến mía đường.

Niên vụ 2015 - 2016 cho thấy, các vùng nguyên liệu mía của tỉnh chủ yếu trồng các giống mía: QD93-159, VD00236, ROC10, ROC16, ROX22, KK3, Việt Đường 00236, Quế đường 94-119….

Đánh giá kết quả sản xuất mía đường cho thấy năng suất và chất lượng mía trong niên vụ qua đã chịu ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài và các bệnh chồi cỏ, rệp xơ trắng, than đen, sâu đục thân, bọ hung phát sinh trên một số diện tích.

Số liệu của các công ty chế biến mía đường trong tỉnh cho thấy: Tổng diện tích mía đạt hơn 21,7 nghìn ha (đạt 71,22% KH), năng suất bình quân đạt hơn 51,34 tấn/ha (đạt 80,86% KH), sản lượng mía đạt hơn 1,1 triệu tấn, đạt 58,04% so với quy hoạch số 151/QĐ-UBND tỉnh.

Vụ ép 2016 - 2017, theo số liệu của các công ty chế biến mía đường trong tỉnh, toàn tỉnh có 22.647 ha, năng suất đạt 53,4 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn mía cây. Thời gian ép, dự kiến từ ngày 25/11/2016 đến hết tháng 4/2017.

Vận chuyển mía vào sản xuất ở Công ty Cổ phần mía đường Sông Con
Vận chuyển mía vào sản xuất ở Công ty Cổ phần mía đường Sông Con.

Kế hoạch diện tích trồng mía năm 2017 hơn 17 nghìn ha, trong đó diện tích mía trồng mới, trồng lại 7.592 ha, diện tích mía lưu gốc 19.548 ha. Các công ty chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía: Đầu tư hệ thống đánh giá phân tích đất, phân bón; đào tạo nguồn nhân lực; triển khai xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu; dự án cơ giới hóa…

Quyết định số 151/QD-UBND của UBND tỉnh về quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020 là 28.400 ha. Thực tế cho thấy, đến năm 2015, diện tích mía toàn tỉnh chỉ đạt 71,22% KH. Nguyên nhân là do việc triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất mía nguyên liệu mới chỉ dừng ở khâu công bố quy hoạch, chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đến từng địa bàn. Hiệu quả sản xuất nguyên liệu mía đường thời gian qua còn thấp, trong khi một số cây trồng khác được trên đất đã quy hoạch cho mía nguyên liệu cao hơn: thức ăn chăn nuôi, cam, chanh… Bên cạnh đó cơ chế thu mua mía của các nhà máy chưa thỏa đáng, nên một số hộ nông dân tự chuyển đổi sang trồng cây khác.

Đầu tư thâm canh mía của người dân còn thấp; công tác giống chưa được quan tâm đúng mức; các tiến bộ KHKT, công nghệ trong thâm canh mía chưa được nhân rộng.

Mía Thái Lan trồng ở Tân Xuân - Tân Kỳ đạt 100 tấn/ ha. Ảnh: Xóm trưởng xóm Thanh Trà ông Trương Văn Thúy (người ngoài cùng bên trái) cùng nông vụ nhà máy đi kiểm tra mía.
Mía Thái Lan trồng ở Tân Xuân - Tân Kỳ đạt 100 tấn/ ha. Ảnh: Châu Lan.

Về giải pháp nâng cao diện tích và năng suất mía, các công ty chế biến mía đường trong tỉnh cho rằng vấn đề mấu chốt để người dân 'bám' cây mía là cần tăng năng suất cho cây mía. Do vậy, các công ty tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, phân bón, làm đất… trồng mía; hỗ trợ nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; hỗ trợ khai hoang, làm đường giao thông vào những vùng nguyên liệu tập trung; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía…

Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện công tác tích tụ đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất bãi được áp dụng đối với cây mía để tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, hàng hóa. Chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện và có chế tài đủ mạnh để thực hiện quy hoạch./.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN