Bất hạnh những phận đời lâm cảnh bị bạo hành

29/11/2016 18:58

(Baonghean.vn) - Một tuần dăm bữa, người dân xóm chài ven cầu Cửa Tiền lại nghe tiếng đập đánh, la hét, cầu xin vọng ra căn chòi phía cuối bãi. Nghe mãi cũng thành quen, người dân trong xóm đến can ngăn, chính quyền cũng từng cử người xuống nhưng chuyện rồi cứ đâu lại vào đó.

a
Chị L và con trai trong căn nhà lụp xụp ở xóm chài Cửa Tiền.

Vượt qua con đường lầy lội, đầy rác, theo chỉ dẫn của người dân xóm chài, chúng tôi tìm đến căn nhà gỗ dựng chênh vênh trên mấy cọc tre nứa. Trời đã sang chiều mà hai mẹ con chị L mới bắt đầu vét ít cơm nguội, chút cá ăn trưa còn đứa con thứ hai đang nằm ngủ co quắp một góc nhà.

Chị L cười buồn: "Mấy hôm bệnh tật đau yếu nên chị nằm ở suốt, không ra ngoài làm việc kiếm tiền nên đứa con đầu phải ra chợ bán thay mẹ. Mà cũng không biết nên vui hay nên buồn khi chị ốm thì ông chồng mới chịu buông chén rượu ra ngoài tìm việc".

Sinh ra trên miền sông nước, chị L từng là một người con gái đẹp người, tốt nết được nhiều chàng trai ngỏ lời yêu. Trong số những chàng trai ấy, chị L đem lòng thương nhớ anh S, người Quảng Bình tuy nghèo nhưng hiền lành, ít nói lại chăm làm. Ai ngờ đâu, sau khi lấy nhau một thời gian thì anh lại trở tính trở nết, suốt ngày rượu chè rồi “hứng chí lên” lại mang vợ con làm “bao cát luyện quyền cước”.

Căn nhà của vợ chồng chị L
Căn nhà của vợ chồng chị L lụp xụp, chẳng có gì đáng giá.

Sống với nhau hơn 15 năm nay, anh S gần như chỉ biết đến rượu, cứ tiền trăm cúng cho con ma men mỗi ngày. Mọi công việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái, kiếm tiền đều dựa vài đôi đồng bán con tôm con cá của chị L. Việc gì cũng đều đến tay nhưng cứ hễ rượu vào cơn lên chị L và con còn phải chịu đựng những trận đòn roi từ người chồng vũ phu. Mỗi lần như thế, chị chỉ biết dùng thân mình che chắn cho các con, cầu xin chồng nhẹ tay.

Có những lần nhìn chồng đánh con quá dã man, chị phải hét lên, van xin, cầu cứu hàng xóm sang cứu giúp. Con còn nhỏ thì không nói, nhưng nay đứa con gái lớn đã lên 14 tuổi nhưng những trận đòn roi vô cớ của anh S vẫn cứ đều như cơm bữa. Thành ra trên người chị thường xuyên có những vết bầm tím, thậm chí có lần phải đi khâu mấy mũi. Hàng xóm sang khuyên can, chính quyền vào can thiệp song chẳng được mấy hôm anh S lại chứng nào tật nấy.

Chị C nằm viện chữa trị với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng mà không có lấy một sự động viên hay tiền bạc từ chồng.
Chị C nằm viện chữa trị với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng mà không có lấy một sự động viên hay tiền bạc từ chồng.

Cũng còn không ít phụ nữ chung cảnh như chị L. Một bệnh nhân nữ tên C hiện đang điều trị ở khoa Tiết niệu - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cũng đang là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nhà ở Tân Kỳ, chị C bị đau mấy năm nay nhưng mãi đến gần đây đau không chịu nổi mới phải nhập viện. Chị C kể, phần vì nhà không có tiền đi chữa, phần vì chồng không cho đi vì sợ tốn tiền. Nằm viện đã gần tháng nay nhưng chị vẫn nhớ như in câu: “Thôi nằm ở nhà mà chết đi, đi viện làm gì cho phí tiền phí nong” hay tuyên bố không bỏ ra một xu, để mấy mẹ con tự xoay xở lo liệu từ miệng ông chồng từng tay kề má ấp hơn 30 năm.

Kể về cuộc sống vợ chồng của mình, người đàn bà làm nông ấy cho biết, anh K nhà chị làm thợ xây, tính cục mịch, nóng nảy. Từ ngày lấy nhau về đến nay, chưa một lần nào chị nghe được tiếng dễ lọt tai từ người chồng. Mệt, anh đem chị, đem con ra mắng chửi, gặp chuyện không vui cũng đem mọi bực tức trút lên người vợ con. Lâu lâu làm vài ba chén rượu, anh K lại đem đồ trong nhà ra đập một lượt hay đuổi mẹ con chạy mấy vòng quanh làng. Thành ra rồi nghèo cứ lại hoàn nghèo, bởi được bao nhiêu tiền thì lại đổ vào mua, sửa đồ đạc trong nhà rồi cũng hết.

Khi được hỏi chị có lần nào báo cho xã biết việc bị bạo hành, chị C nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Chị C cười bảo, “Do cái số lấy phải ông chồng tính tình ẩm ương thôi chứ biết làm sao. Nó mệt thì nó chửi, nó điên thì nó đánh, nó đánh thì mình với con có chân chạy nên cũng không đau lắm. Với cả ở quê, chuyện trong nhà cũng không muốn làm ầm ĩ lên…”.

Thống kê trong 5 năm trở lại đây cho biết, số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam được ghi nhận là 20.000 vụ/năm với mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Năm 2014, cứ 2 - 3 ngày lại có 1 người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó phần đa là phụ nữ và trẻ em. Riêng năm 2015, có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2016 đã có 20 phụ nữ, trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình.

Chắc chắn, con số trên chỉ là một phần nhỏ của "tảng băng chìm" khi mà có rất nhiều trường hợp không dám lên tiếng do lo sợ, xấu hổ thậm chí là không biết những việc mà mình đang phải chịu đựng là một dạng bạo hành như trường hợp của chị C. Do đó, rất cần sự quan tâm, tuyên truyền, giúp đỡ của các cơ quan chức năng để giúp đỡ những số phận, những trường hợp đã và đa sống trong "cơn lốc" bạo hành.

Chu Thanh - Thành Cường

TIN LIÊN QUAN