Chuyện ông giáo dạy Tiếng Anh và dạy trồng cây miễn phí

12/12/2016 10:24

(Baonghean) - Ngôi nhà của thầy giáo già Thái Bá Am thường xuyên có khách ghé thăm, không chỉ các thế hệ sinh viên Trường CĐSP Nghệ An, học trò từng học môn tiếng Anh tại nhà, mà có cả những người nông dân đến học nghề… trồng cây. Xấp xỉ bát tuần, độ tuổi ấy đáng lẽ đã nghỉ ngơi nhưng thầy vẫn trăn trở với những “bài toán” mang lại lợi ích cho cộng đồng…

Thầy giáo dạy Tiếng Anh miễn phí

Ngôi nhà của thầy Thái Bá Am nằm lẩn khuất giữa những khóm cây ở xóm 4, xã Nghi Trung (Nghi Lộc), Thầy Am quê Đô Lương, là giảng viên bộ môn Toán của Trường CĐSP Nghệ An, nghỉ hưu đã gần 20 năm và chọn quê vợ làm chốn dừng chân.

Thầy giáo Thái Bá Am và tập giáo trình “Tiếng Anh không biết mệt”.
Thầy giáo Thái Bá Am và tập giáo trình “Tiếng Anh không biết mệt”.

Nhà giáo Thái Bá Am về nghỉ hưu đúng vào lúc đất nước bắt đầu đẩy mạnh quá trình hội nhập. Môn tiếng Anh lúc này là vô cùng cần thiết. Nhưng ở vùng quê nghèo này, người thông thạo tiếng Anh rất ít, giáo viên bộ môn này còn thiếu nhiều, như thế học sinh, đặc biệt là con em nông dân sẽ rất thiệt thòi.

Phổ biến tiếng Anh cho học sinh lúc này sẽ là hành trang quan trọng để các cháu đi tới tương lai, thi thố với bè bạn khắp mọi miền. Với suy nghĩ ấy, thầy Am nuôi ước mong mở lớp cho học sinh nghèo. Nhưng lúc ấy, chính thầy cũng chưa biết nửa chữ tiếng Anh, vậy phải làm bằng cách nào?

Lấy tiền lương hưu mua giáo trình và tài liệu Anh văn, thầy Am đóng kín phòng mày mò tự học suốt mấy tháng liền. Khi có được “vốn liếng” kha khá, thầy tự soạn ra bộ giáo trình riêng gồm 2 tập và đặt tên là “Tiếng Anh không biết mệt”, được những người trong nghề xem là bộ giáo trình độc đáo. Thầy còn bỏ tiền cơi nới mái hiên, xin về mấy bộ bàn ghế cũ, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo.

Học sinh trong vùng tìm đến học rất đông, em nào cũng tỏ ra hào hứng với cách dạy của thầy vốn không quá thiên về truyền đạt để gây mệt mỏi mà chủ yếu là hướng dẫn người học tự khám phá những nguyên tắc, quy luật và đặt trong sự đối sánh với tiếng Việt.

Tiếng lành đồn xa, học sinh khắp các vùng, thậm chí ở các huyện Thanh Chương và Đô Lương cũng tìm đến học. Số lượng buổi học cứ tăng lên, thầy mệt hơn nhưng cũng vui hơn, không ít phụ huynh đến biếu một khoản tiền gọi là thù lao nhưng thầy nhất quyết không nhận, bởi thầy đã quyết định dạy miễn phí ngay từ khi có ý định mở lớp.

Cứ thế, mười mấy năm dạy học tại nhà, thầy Thái Bá Am đã bồi dưỡng bộ môn tiếng Anh cho hàng trăm học sinh ở vùng quê nghèo, giúp các em tự tin hơn khi bước vào các cuộc thi. Trong số đó, nhiều em đã trưởng thành, là sinh viên các trường đại học, là những cán bộ trẻ…

“Nhà nông học” nhận dạy nghề miễn phí

Mấy năm gần đây, các trường học đã đủ giáo viên bộ môn tiếng Anh, hơn nữa thấy mình đã tuổi cao, sức khỏe giảm sút, không còn phù hợp với việc đứng lớp, nên thầy Am dừng việc dạy thêm. Hàng ngày tiếp xúc, trò chuyện với những người nông dân, thầy nhận thấy bà con quê mình chất phác, cần cù và chịu thương, chịu khó nhưng hầu hết đều an phận. Vậy làm thế nào giúp người nông dân thay đổi trong suy nghĩ để mạnh dạn vươn lên làm giàu?

Thầy giáo Thái Bá Am giữa vườn cam Xã Đoài vừa được thầy lai tạo thành công.
Thầy giáo Thái Bá Am giữa vườn cam Xã Đoài vừa được thầy lai tạo thành công.

Thầy tâm sự: “Đất nước mình ở xứ nhiệt đới, xứ Nghệ mình thiên nhiên khắc nghiệt, đất cằn sỏi đá nhưng vẫn có nhiều loại cây ăn quả có giá trị. Nếu phát huy được lợi thế ấy, nghĩa là lai tạo được các loại cây có quả ngon, chất lượng cao để xuất khẩu, thì người nông dân sẽ có cơ may làm giàu”.

Đó chính là phương trình đã được nhà giáo xác lập để giúp người nông dân vươn lên trong thời hội nhập, góp phần khẳng định thương hiệu nông sản của xứ Nghệ. Lần này, thầy lại cặm cụi với việc nghiên cứu đặc điểm và tính năng của các loài cây ăn quả để can thiệp vào quá trình sinh trưởng nhằm tăng chất lượng sản phẩm. Từ người dạy Toán, rồi dạy Tiếng Anh, nhà giáo già chuyển sang lĩnh vực Nông học - con đường không dễ dàng, nhưng thầy Am xác định vấn đề mấu chốt là phương pháp.

Nhờ đó, thầy đã có được thành công bước đầu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng giống cây na. Bằng kỹ thuật chuyên môn, thầy Am đã tác động để nâng cao tỷ lệ đậu quả, chủ động điều khiển sự ra hoa và đề xuất cách vận chuyển quả na đi xa không bị hư hỏng. Nhiều hộ dân ở vùng đất bạc màu huyện Nghi Lộc đã mang ơn thầy Am vì có được những na tươi tốt, trĩu quả cho nguồn thu nhập cao.

Sau thành công trên cây na, hiện thầy Thái Bá Am đang nghiên cứu phục tráng các loại cây cây ăn quả đặc trưng của xứ Nghệ như cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, khế ngọt... Việc làm ấy không có mục đích nào khác là giúp người nông dân gắn bó với ruộng vườn và có thể làm giàu trên đất quê mình. Mỗi khi thử nghiệm thành công một giống cây, thầy đưa sang nhà hàng xóm, hướng dẫn kỹ thuật cho họ, rồi từ đó lan tỏa khắp vùng.

Thầy Am dẫn chúng tôi tham quan vườn cam Xã Đoài sai quả và chín mọng, nếm thử cam có vị ngọt đậm đà, không dễ lẫn với cam của vùng khác. “Hương vị cam Xã Đoài chính là ẩn số cho bài toán về cây cam. Sắp tới, tôi sẽ cho nhân giống khắp vùng” - thầy chia sẻ.

Trên đường về, chúng tôi mới để ý tới tấm biển khá lớn với dòng chữ: “Nhận dạy nghề trồng cây ăn quả miễn phí” cùng với số điện thoại và mũi tên chỉ hướng nhà. Chợt nhớ lời tâm sự của thầy Thái Bá Am: “Với người trí thức, mỗi hoàn cảnh là một bài toán cần đi tìm lời giải và đáp số. Có vô vàn bài toán cuộc đời đặt ra, mình phải lựa chọn những bài toán nào có ích cho cộng đồng, xã hội để giải đáp”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN