Xã hội hóa giáo dục: Thầy cô giáo đang phải 'hạ mình' để 'xin' tiền phụ huynh

15/12/2016 14:42

(Baonghean.vn)- Cái mất lớn nhất trong xã hội hóa giáo dục là giáo viên phải chấp nhận mất đi một phần hình ảnh, một phần danh dự để đi 'xin' tiền phụ huynh. Điều này, việc giáo dục cho học sinh sẽ không còn trọn vẹn được nữa

» Ba cái thiếu của xã hội hóa giáo dục: Minh bạch, hiệu quả, công bằng

Sau bài viết "Ba cái thiếu của xã hội hóa giáo dục: Minh bạch, hiệu quả, công bằng" được đăng tải, Báo Nghệ An có nhận được một bức tâm thư của một thầy hiệu trưởng một trường thuộc vùng khó khăn, thể hiện những tâm tư, nỗi niềm và cả những mong mỏi xung quanh việc thu xã hội hóa dưới hình thức tự nguyện.

Đây là nguyên văn bức tâm thư:

"Từ năm học 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương về việc bỏ quy định đóng góp tiền xây dựng nhà trường theo hình thức thu theo quy định bằng hình thức sang vận động tự nguyện. Như vậy cái "được" đó chính là chúng ta đã tăng thêm nguồn lực để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học ngày càng khang trang hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Lớp học của học sinh Trường mầm non Long Sơn (Anh Sơn)
Lớp học của học sinh Trường mầm non Long Sơn (Anh Sơn) (Ảnh: Mỹ Hà).

Cái được thứ 2 là làm cho cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà trường có thêm nhiều kỹ năng trong giao tiếp với nhân dân hơn (biết làm công tác Dân vận).

Tuy nhiên, qua thực tế của người làm quản lý giáo dục ở cơ sở chúng tôi thấy những trường ở thành phố, thị trấn nơi có điều kiện kinh tế phát triển thì việc vận động dễ dàng hơn; còn đối với những vùng nông thôn, vùng có kinh tế khó khăn, vùng đặc thù thì việc vận động XHH theo hình thức tự nguyện thực sự gặp khó khăn.

Điều này, theo tôi không thỏa đáng. Bởi lẽ nhiệm vụ chính yếu của các thầy cô giáo đó chính là công cuộc trồng người. Để làm được điều đó cho hoàn thành nhiệm vụ thôi cũng đã vất vả lắm rồi. Nhưng đầu năm học, việc vận động xã hội hóa giáo dục đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhiệm vụ dạy và học của giáo viên. Về điều này “mất” lại nhiều hơn.

Giáo viên Trường mầm non Châu Tiến (Quỳ Hợp) đi xin nước từ nhà dân cho học sinh sử dụng
Giáo viên Trường mầm non Châu Tiến (Quỳ Hợp) đi xin nước từ nhà dân cho học sinh sử dụng (Ảnh: Mỹ Hà).

Cái mất đầu tiên, đó là vị trí của người thầy. Từ lâu, hình ảnh người thầy gắn với sự thanh cao làm trọng, không màng danh lợi, địa vị, tiền bạc. Nhưng chỉ vì thực hiện việc vận động XHH theo hình thức tự nguyện này, người thầy đang đi “xin” tiền phụ huynh. Mà đã đi xin thì không thể nói cứng được, nếu không phụ huynh sẽ không ủng hộ, và như thế giáo viên sẽ thấy mình không hoàn thành công việc được giao.

Cũng vì chủ trương không hợp lý này nên địa vị của người thầy giáo trong mắt phụ huynh cũng bị giảm đi và chắc chắn nó có ảnh hưởng không tốt tới tâm tư, tình cảm của người thầy trong công tác giáo dục học sinh.

Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh không chia sẻ, thông cảm, thậm chí có những lời nói vô tình, làm tổn thương đến lòng tự trọng của giáo viên. Nếu có một cuộc khảo sát ở tất cả các trường học tôi tin chắc rằng đa số sẽ đồng tình là hãy bỏ hình thức XHH tự nguyện để thay bằng hình thức quy định như trước đây.

Tiết học của học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu - vùng đặc thù khó khăn
Tiết học của học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu - vùng đặc thù khó khăn (Ảnh: Mỹ Hà).


Thứ hai, ở nhà trường thì chung quy lại đều hội tụ ở hai từ dạy tốt – học tốt. Vì vậy việc đầu tư thời gian, công sức để suy nghĩ làm sao cho việc dạy và học ngày càng tốt lên, làm sao để chăm lo cho các em được nhiều hơn sẽ chiếm rất lớn. Nhưng nay đầu năm học mới thực tế các nhà trường đang lo lắng, dành thời gian rất nhiều cho việc vận động XHH. Tất cả đều hiểu, nếu không huy động XHH, không quan tâm, không làm đến nơi, đến chốn thì không có kinh phí để lo cho CSVC nhà trường.

Thực sự mà nói, giáo viên chỉ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ để làm người thầy giáo dạy học, còn các kỹ năng trong quan hệ giao tiếp với phụ huynh không phải ai cũng làm tốt cả; có nhiều giáo viên khi thấy phụ huynh làm căng thì chỉ biết khóc. Khi mọi áp lực chỉ được giải tỏa thông qua những giọt nước mắt thì còn đâu tâm trí để mà chăm lo cho việc quan trọng nhất của mình là dạy học và giáo dục học sinh.

Riêng ở một số địa bàn khó khăn, địa bàn nhạy cảm như chúng tôi thì vấn đề XHH tự nguyện thực sự gây khó khăn cho nhà trường, cho các thầy cô giáo. Một số thầy cô sợ phải làm chủ nhiệm vì đối với họ họp phụ huynh đầu năm là một áp lực rất lớn. Có nhiều lúc chỉ biết cam chịu mà thôi.

Học sinh Trường THCS Trung Đô - Thành phố Vinh
Học sinh Trường THCS Trung Đô - Thành phố Vinh (Ảnh: Mỹ Hà).

Từ đó chúng tôi đề xuất:

1. Hãy để cho nhà trường, thầy cô giáo tập trung chăm lo cho công tác giáo dục, và làm tròn bổn phận của người thầy giáo, cô giáo. Việc chăm lo CSVC cho nhà trường là việc của toàn xã hội mà trách nhiệm trước hết là của chính quyền địa phương, chứ không thể khoán cho các nhà trường, cho thầy cô giáo như hiện nay.

2. Việc vận động XHH ủng hộ CSVC như hiện nay cái được chỉ là vật chất (nhiều hơn một chút) song cái mất là rất lớn. Mà cái mất lớn nhất chính là giáo viên phải chấp nhận mất đi một phần hình ảnh, một phần danh dự để đi “xin” tiền phụ huynh. Điều này, việc giáo dục cho học sinh sẽ không còn trọn vẹn được nữa. Chưa kể không tránh khỏi sai phạm. Nếu vậy, khi đứng trước học sinh thầy làm sao còn nói được, dạy được cho trò.

Theo chúng tôi, nên thay đổi hình thức XHH tự nguyện này bằng hình thức XHH theo quy định như học phí chẳng hạn, hoặc lồng ghép vào học phí (trong học phí quy định phần xây dựng CSVC)… Các cấp có thể quy định mức đóng cho phù hợp với đặc điểm kinh tế vùng miền, có chế độ miễn giảm cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo...

3. Đề nghị các cấp hãy lấy ý kiến của CBQL, GV về hình thức này để từ đó quyết định về thay đổi XHH tự nguyện sang XHH theo quy định

4. Nếu giữ hình thức vận động XHH như hiện nay thì đề nghị các cấp hãy giao cho chính quyền địa phương thực hiện: mầm non, tiểu học, THCS cấp xã thực hiện; THPT cấp huyện hoặc tỉnh thực hiện. Không nên giao cho các trường học, mà nhà trường chỉ phối hợp mà thôi.

5. Tăng học phí để các nhà trường có nguồn kinh phí cho hoạt động giáo dục trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

(Đầu đề do Báo Nghệ An đặt)

TIN LIÊN QUAN