Vụ Trịnh Xuân Thanh: Dừng ở cấp phó thì như gió thoảng qua

05/12/2016 06:57

Đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao trong vụ Trịnh Xuân Thanh là rất cần thiết nhưng nếu dừng ở đấy thì nhẹ nhàng quá - nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão nói.

Ông Vũ Mão lưu ý còn nhiều khía cạnh phải xem xét tiếp. Ví dụ, những việc làm của các cán bộ bị kỷ luật có phải là ngẫu nhiên, không có chủ đích hay đằng sau là gì?

“Theo tôi trong vụ này đều có những khía cạnh đằng sau phải xem xét kỹ lưỡng. Bản chất vấn đề là luân chuyển cán bộ”, nguyên Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh.

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão. Ảnh: Lê Anh Dũng


Tình trạng này ở hội nghị TƯ các khoá trước đã có phê phán và thấy phải ngăn chặn, nhưng tình hình vừa qua là ngược lại.Luân chuyển cán bộ là chủ trương của Đảng nhưng trong những năm gần đây có nhiều biến tướng, có một số việc làm không lành mạnh, mang tính cơ hội, "chạy" luân chuyển một thời gian rồi quay về TƯ để đề bạt cao hơn.

Nếu dừng lại thì như cơn gió thoảng qua

Theo đề nghị kỷ luật của UB Kiểm tra TƯ, có 7 cán bộ cấp cao, trong đó có Bí thư và nguyên Bí thư tỉnh Hậu Giang, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ, 1 trợ lý cùng với 3 Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông thấy như vậy đã đúng người, đúng sai phạm chưa?

Đối với những cán bộ bị xử lý, UB Kiểm tra TƯ đã phân tích, cân nhắc từng trường hợp, nhưng tôi thấy cần đi sâu phân tích thêm.

Loại việc thứ nhất là thực thi công việc nguyên tắc Đảng. Ví dụ như Bộ Chính trị, Ban Bí thư không đồng ý với việc bổ sung thêm 1 phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nhưng người và cơ quan thực hiện việc này (Ban Tổ chức TƯ) vẫn đồng ý cho Hậu Giang tăng thêm 1 phó chủ tịch là hoàn toàn sai.

Cái sai đó nhất định phải có động cơ và lợi ích phía sau. Đấy là sự cố tình và câu hỏi đặt ra là có bổng lộc gì. Theo tôi, dù việc này rất khó xác định nhưng thực chất là có và trong dư luận ai cũng nghĩ không thể nói là trong sáng, vô tư để làm sai.

Loại việc thứ hai là thi đua khen thưởng. Lâu nay tai tiếng nhiều lắm, muốn được danh hiệu gì đấy, đơn vị này cá nhân kia phải chạy như thế nào mới có được. Ông cha ta thường nói: Có lửa mới có khói.

Cho nên trong vụ Trịnh Xuân Thanh, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại phong danh hiệu anh hùng cho đơn vị đó.

Theo tôi cần làm rõ và đi sâu các vấn đề hơn nữa. Nếu dừng ở việc xử lý cấp phó thì nhẹ nhàng quá, chỉ như cơn gió thoảng qua.

Tuy nhiên, hình như có một vài cán bộ nằm trong diện bị kỷ luật cũng có tâm tư. Tôi không bình luận về hình thức kỷ luật đối với Bí thư Hậu Giang là nặng hay nhẹ.

Tôi nghĩ rằng, bản chất và nguyên nhân của vấn đề không thuộc về họ. Họ là người chịu hậu quả của cách làm không đúng nguyên tắc của cấp trên, chứ không phải là người gây ra. Chính vì thế, mức độ kỷ luật cho cán bộ địa phương cần khác cán bộ TƯ.

Cấp trưởng không thể vô can

Dù những cán bộ liên quan trong vụ Trịnh Xuân Thanh bị xem xét kỷ luật lần này đều là cán bộ cấp cao nhưng cũng chỉ dừng ở cấp phó, trong khi chúng ta luôn nói đề cao trách nhiệm người đứng đầu?

Đấy là vấn đề cần đặt ra. Theo tôi, những việc đó cấp trưởng không thể không biết, nên phải có trách nhiệm chứ không thể vô can.

Cấp phó, nếu trực tiếp ký sai thì đó là khuyết điểm, nhưng phải có chủ trương của cấp trưởng chứ. Kể cả nếu cấp phó tự quyền ký quyết định đó, vượt mặt cấp trưởng thì cấp trưởng cũng phải liên đới trách nhiệm theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Vì vậy cần xem xét sâu sắc và đầy đủ hơn đối với cấp trưởng mới thể hiện sự nghiêm túc trong kỷ luật của Đảng. Chúng ta có làm đến nơi đến chốn thì nhân dân mới đồng tình.

Ngay như Bộ Nội vụ có 3 thứ trưởng liên quan bị đề nghị kỷ luật nhưng Bộ trưởng thời ấy lại không hề được nhắc đến?

Bộ Nội vụ phụ trách nhiều lĩnh vực và đương nhiên Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm tất cả các lĩnh vực đó. Các thứ trưởng phụ trách thi đua khen thưởng, cũng như vấn đề nhân sự để trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn thì Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan.

Cũng có người lập luận: Bộ Nội vụ phụ trách nhiều lĩnh vực quá, Bộ trưởng là người hiền lành mà lại hết lòng với công việc, cần có sự thông cảm. Mức độ xem xét kỷ luật chỉ nên dừng lại ở cấp phó là được. Lập luận như thế chưa ổn, vì để xảy ra những vụ việc trong lĩnh vực của Bộ phụ trách thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.

Qua đây, ta cũng thấy một điều rất quan trọng: Việc chọn người để quy hoạch rồi đề bạt Bộ trưởng cần được xem xét nghiêm túc hơn nhiều.

Nói về mức kỷ luật ở đây chủ yếu là khiển trách và cảnh cáo, ông thấy như vậy đã thỏa đáng chưa?

Như trên tôi đã nói, mỗi vấn đề phải đi đến cùng, tức phải xem vì sao ông ký quyết định, không thể vô tư trong sáng trong việc ký đó được, nó phải có động cơ.

Hiện nay ta nói tham nhũng tràn lan, từ cấp cao đến cấp cơ sở. Ta đang quyết liệt chống tham nhũng, vậy trong vụ việc này có tham nhũng không, cần phải đi sâu làm rõ.

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN