Vì sao Ukraine lại tổ chức tập trận tên lửa gần bán đảo Crimea?

05/12/2016 07:46

Trong 2 ngày 1-2/12 vừa qua, Ukraine đã tiến hành cuộc tập trận tên lửa tại Biển Đen. Tại cuộc tập trận này, Ukraine đã tiến hành bắn thử các tên lửa đất đối không S-300.

Ngoài ra, tham gia cuộc tập trận còn có các phi đội máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, đơn vị tên lửa phòng không, các lực lượng radar và thông tin liên lạc cùng máy bay không người lái của các lực lượng vũ trang Ukraine.

Tên lửa của Ukraine được phóng thử trong cuộc tập trận tại Biển Đen, gần Crimea. Ảnh: Mil.gov.ua
Tên lửa của Ukraine được phóng thử trong cuộc tập trận tại Biển Đen, gần Crimea. Ảnh: Mil.gov.ua


Nếu Ukraine giữ nguyên kế hoạch tập trận tên lửa như ban đầu, Moscow cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ và bắn hạ bất kỳ tên lửa nào đe dọa không phận Crimea. Để khẳng định cảnh báo này là nghiêm túc, một ngày trước khi Ukraine tiến hành tập trận, Nga đã triển khai các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tới bờ biển phía Tây của bán đảo và ở trong trạng thái sẵn sàng hành động.Theo kế hoạch ban đầu, Ukraine sẽ tiến hành bắn tên lửa vào không phận bán đảo Crimea (bán đảo đã sáp nhập vào Liên bang Nga năm 2014 - ND). Tuy nhiên, trước phản ứng “sẵn sàng đáp trả” từ phía Nga, Ukraine đã thay đổi kế hoạch, không bắn tên lửa vào không phận Crimea và cuộc tập trận trên Biển Đen diễn ra cách bán đảo này ít nhất 30km.

Sau khi Ukraine thay đổi kế hoạch bằng việc chuyển khu vực tập trận ra xa bán đảo Crimea, căng thằng dường như đã được tháo gỡ và nguy cơ một cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước đã không xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng, chính quyền Ukraine đang thực sự muốn làm gia tăng căng thẳng với Nga để một lần nữa thu hút sự chú ý của phương Tây đối với vấn đề tranh chấp Crimea cũng như tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước.

Ukraine muốn nhắc nhở phương Tây về sự tồn tại của mình

Theo chuyên gia phân tích chính trị Nga Sergei Mikheyev, việc leo thang căng thẳng mới trên bán đảo Crimea sẽ có lợi cho Ukraine bởi nó một lần nữa sẽ khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý. Theo ông Mikheyev, những tranh chấp giữa Ukraine và Nga gần đây đã bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng ở Syria. Chính vì vậy, Ukraine cần tạo ra một sự kiện nhằm thu hút sự chú ý của dư luận đối với nước này.

“Triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể sẽ đẩy Kiev ra rìa”, ông Mikheyev nói. Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua có thể sẽ hủy hoại liên minh giữa phương Tây và Ukraine. Chính vì vậy, Kiev đang cố gắng để “tiếp thêm năng lượng” cho cuộc xung đột với Nga nhằm nhấn mạnh vai trò của mình như một “thành lũy” chống lại sự xâm lược của Nga, Mikheyev phân tích.

Cũng theo ông Mikheyev, sự hỗ trợ về chính trị và tài chính từ phương Tây là một trong những yếu tố chính đảm bảo cho chính quyền hiện nay ở Kiev tiếp tục tồn tại. Việc mất đi sự quan tâm của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay sẽ có những tác động nghiêm trọng đối với chính quyền Ukraine.

Ukraine muốn nhắc lại rằng, Crimea là lãnh thổ của Ukraine

Phía Ukraine cho rằng, cuộc tập trận nói trên là hành động hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc bắn thử các tên lửa được tiến hành “hoàn toàn trong không phận Ukraine”, nói cách khác, Kiev tiếp tục nhấn mạnh rằng: bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Ukraine.

Yury Butusov - một chuyên gia quân sự Ukraine đồng thời là một nhà báo đã viết trên trang Facebook của mình rằng: Ukraine cho thấy rằng nước này không công nhận được biên giới với bán đảo Crimea và Ukraine có thể phóng tên lửa vào bất kỳ khu vực nào của bán đảo Crimea.

Theo chuyên gia Sergei Mikheyev, ở một mức độ nhất định nào đó, cuộc tập trận vừa qua của Ukraine là một sự khiêu khích. Ukraine hy vọng Moscow sẽ đưa ra những phản ứng gay gắt, Theo ông Mikheyev, các nhà chức trách ở Kiev đang suy nghĩ theo cách: “Có lẽ Nga sẽ phản ứng quyết liệt, sẽ sử dụng vũ lực và sau đó chúng ta có thể gọi Nga là một nước hay bắt nạt”.

Kiev hy vọng chuyển hướng sự chú ý của người dân từ các vấn đề nội bộ

Đáng chú ý là hiện xã hội Ukraine không hài lòng với tình hình trong nước. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Ukrainian Rating tiến hành tháng 11 vừa qua, 46% người dân Ukraine cho rằng Tổng thống Petro Poroshenko nên từ chức. Bản thân ông Poroshenko gần đây cũng thừa nhận rằng Ukraine đã không được điều hành tốt nhằm "nâng cao đời sống của người dân, tiến gần hơn với tiêu chuẩn của châu Âu" trong ba năm qua.

Vadim Karasyov, một chuyên gia phân tích chính trị, hiện là giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược toàn cầu có trụ sở tại Kiev cho rằng, một mục tiêu khác của Ukraine khi nỗ lực leo thang căng thẳng với Nga là để chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong nước với các vấn đề mà nước này đang phải đối mặt.

"Những động thái mới nhất của Kiev nhằm mục tiêu đoàn kết xã hội chống lại mối đe dọa từ bên ngoài và dập tắt các cuộc biểu tình”, ông Karasyov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant của Nga.

Bình luận về các vụ bắn thử tên lửa trong cuộc tập trận của Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ quan điểm tương tự: "Kiev cần leo thang căng thẳng tình hình để “lái” sự chú ý của người dân ra khỏi cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng nghiêm trọng ở nước này”./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN