Sản xuất sạch phải bắt đầu từ dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách

27/11/2016 08:51

(Baonghean) - Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình tích cực. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

» Cảnh báo sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật

Quan tâm giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nông nghiệp

Những năm qua, các cơ quan chức năng, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BVTV) khuyến cáo các địa phương tổ chức thu gom rác thải nông nghiệp nói chung, rác thải BVTV nói riêng, bằng cách đặt thùng chứa rác ngay trên một số cánh đồng. Đến nay, bằng nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh, toàn tỉnh đã đặt khoảng 1.600 thùng thu gom rác thải BVTV tại 10 huyện.

Bên cạnh đó còn do Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Trồng trọt - BVTV và một số địa phương tự đầu tư. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý đúng quy trình hàng năm chỉ được từ 2 - 3 tấn, bằng khoảng 1/10 lượng rác thải BVTV mỗi năm. Năm 2016, trong số 2,5 tấn rác thải BVTV mà các địa phương đăng ký xử lý, thì huyện Quỳnh Lưu có 500 kg, Diễn Châu 300 kg, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn 200 kg.

Thùng đựng rác thải được đặt trên cánh đồng xã Thanh Liên (Thanh Chương).
Thùng đựng rác thải được đặt trên cánh đồng xã Thanh Liên (Thanh Chương).

Để giảm ô nhiễm môi trường do chất thải chai lọ, bao bì thuốc BVTV, thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn quan tâm và có nhiều việc làm cụ thể gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Theo đó, hàng năm Chi cục BVTV có văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn “An toàn sử dụng thuốc BVTV” cho bà con nông dân. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” (thu gom rác thải, bao bì thuốc BVTV), “Công nghệ sinh thái” gắn với văn hóa nông nghiệp tại các huyện: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương…

Áp dụng phương thức sản xuất lúa “4 giảm”

Vụ lúa hè thu 2016, các hộ dân xóm 7, xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) thực hiện mô hình sản xuất lúa theo chương trình SRI. Đây là một hệ thống canh tác dựa trên các nguyên tắc cơ bản là sử dụng mạ; cấy thưa để phát huy khả năng quang hợp; tạo sự thông thoáng trong hệ sinh thái đồng lúa, hạn chế sâu bệnh hại; bón phân hợp lý tạo điều kiện cho các dảnh lúa để có khả năng phát triển hữu hiệu; quản lý nước dựa vào đặc tính của cây lúa khi đẻ nhánh cần rút nước để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhiều nhánh...

Gia đình ông xóm trưởng Nguyễn Văn Việt - một trong những hộ thực hiện sản xuất lúa theo mô hình SRI, với diện tích 1,5 mẫu ruộng cho biết: Sản xuất lúa theo chương trình SRI giảm được 4 tiêu chí, đó là: giống, phân bón, công lao động, đặc biệt là thuốc BVTV. Nguyên nhân là, do cấy thưa hơn so với cấy bình thường, nên giảm được 50% lượng giống, kết hợp với đầu tư phân bón hợp lý, đúng mức kích thích tăng trưởng, cây lúa thưa, đảm bảo ánh sáng, nên ít sâu bệnh. Vụ hè thu vừa qua, sâu cuốn lá xuất hiện nhiều trên các cánh đồng khác, bà con nông dân phải phun nhiều lần, nhưng diện tích lúa sản xuất theo chương trình SRI của gia đình ông chỉ phun 1 lần duy nhất, cho năng suất đạt 2,5 tạ/sào. Những mùa vụ trước chưa áp dụng quy trình SRI, năng suất chỉ đạt 2 tạ/sào.

Chị Nguyễn Thị Xuyên - cán bộ BVTV khuyến nông xã Hưng Tiến, cho biết thêm: Địa phương có gần 180 ha diện tích sản xuất 2 vụ lúa. Từ năm 2011 đến nay, được sự hướng dẫn của Trạm BVTV huyện, xã thực hiện mô hình sản xuất lúa chương trình SRI, đến nay toàn xã đã có khoảng 130 ha áp dụng sản xuất lúa theo chương trình SRI. So sánh cho thấy, sản xuất lúa theo chương trình SRI, hiệu quả rõ rệt, năng suất lúa tăng từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt là, nhiều diện tích lúa, suốt cả vụ rất ít sâu bệnh, vì thế không phải phun thuốc BVTV. Đây chính là phương pháp sản xuất bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho con người, giúp bà con nông dân giảm chi phí từ sử dụng thuốc BVTV, phân bón và công sức.

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV, chương trình sản xuất lúa theo quy trình SRI được thực hiện ở Nghệ An từ năm 2008. Sau 8 năm, Chi cục triển khai 70 lớp tập huấn cho đối tượng là bà con nông dân và cán bộ nông nghiệp, khuyến nông cơ sở. Kết hợp với 1 lớp tập huấn là thực hiện 1 mô hình với diện tích 1 ha để bà con thấy được tính hiệu quả của chương trình SRI. Từ thành công của mô hình, đến nay diện tích lúa được bà con ứng dụng sản xuất theo quy trình SRI trên toàn tỉnh hơn 8.000 ha. Ngoài ra, trên địa bàn Nghệ An còn áp dụng quy trình sản xuất lúa ICM (Quản lý cây trồng tổng hợp - “3 giảm 3 tăng”) với diện tích hơn 1.200 ha.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình sản xuất dưa trong nhà màng của ông Trương Văn Hòa, xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: X.H
Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình sản xuất dưa trong nhà màng của ông Trương Văn Hòa, xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: X.H

Việc áp dụng kỹ thuật từ các chương trình sản xuất mới trong sản xuất lúa, giúp giảm phun thuốc 2,3 lần/vụ. Từ đó, hạn chế dịch hại, cân bằng hệ sinh thái ruộng lúa, hạ giá thành sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, với số diện tích được áp dụng chương trình SRI hay ICM còn rất ít so với tổng diện tích lúa của cả tỉnh trên 90.000 ha. Do vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thông qua các mô hình để bà con nông dân áp dụng, làm theo, nhằm hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong canh tác lúa và hoa màu khác.

Mở rộng diện tích rau an toàn, sạch

Đối với các loại cây rau màu khác, những năm qua, ngành Nông nghiệp, chính quyền và người dân các địa phương đã quan tâm thực hiện một số mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch cung ứng cho người tiêu dùng. Điển hình có sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng, theo công nghệ Israel của ông Trương Văn Hòa ở xóm 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn) và Hoàng Văn Hướng, ở xóm 7, xã Diễn Thành (Diễn Châu). Điều đặc biệt ở mô hình của ông Trương Văn Hòa là dưa được trồng trên giá thể, không cần đất, mở ra một hướng đi mới cho nông nghiệp ở Nghệ An. Quy trình bón phân được kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc, theo đúng mức độ yêu cầu, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV. Hiện khu vực nhà màng của ông Hòa và anh Hướng được tận dụng để trồng rau sạch, đến mùa hè lại trồng dưa.

Huyện Diễn Châu có hơn 2.000 ha diện tích trồng rau màu. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã vùng màu phải xây dựng được vùng chuyên canh rau sạch từ 5 - 10 ha để nhân ra diện rộng. Nhờ vậy đến thời điểm này, diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn của Diễn Châu chiếm khoảng 40% diện tích rau toàn huyện. Vụ đông 2015, xã Diễn Thành được UBND huyện chọn xây dựng mô hình điểm về trồng rau an toàn, kết hợp với Công ty CP Phủ Diễn để sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh việc tập huấn chuyển giao khoa học về quy trình trồng rau an toàn cho các hộ tham gia mô hình, UBND huyện còn hỗ trợ cho Diễn Thành 180 triệu đồng để xây dựng nhà sơ chế, hỗ trợ nông dân trong tuyên truyền và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, đến nay toàn bộ 60 ha chuyên canh rau của Diễn Thành được chuyển đổi sản xuất sạch theo quy trình của mô hình VietGAP.

Huyện Quỳnh Lưu được xem là vựa rau lớn nhất của cả tỉnh. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, địa phương có hơn 1.000 ha đất chuyên trồng rau. Hiện tại trên địa bàn huyện áp dụng thành công mô hình trồng rau sạch ở xã Quỳnh Lương với 10 ha chuyên canh, được cơ quan chức năng chứng nhận VietGAP. Hướng tới, 100% diện tích sản xuất rau của huyện sẽ được người dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Do vậy hàng năm cơ quan chuyên môn huyện và xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất rau an toàn, nhằm cung ứng cho thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp, định hướng phát triển ngành Nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường là một thách thức nhưng cũng là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là mục tiêu không thể tách rời. Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, hướng tới một nền sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường, nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tổng hợp, ứng dụng công nghệ sinh thái. Qua đó, góp phần làm giảm áp lực của dịch hại, giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, hướng đến nền sản xuất sạch theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Để thực hiện được mục tiêu đó, việc tăng cường chuyển đổi những giống mới đáp ứng nhu cầu thực tế có vai trò quan trọng, như: Kháng sâu bệnh, cứng cây, chống đổ ngã… Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng các loại thuốc BVTV sinh học, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học để giảm sử dụng thuốc hóa học trong canh tác lúa, cũng như các cây trồng khác. Sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học nhằm cải tạo đất và hạn chế sự bùng phát của dịch hại.

Đặc biệt, khi sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách). Đồng thời, chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp, nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, an toàn. Vấn đề cấp thiết hiện nay là các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn cùng các địa phương cần tích cực hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, không hoặc hạn chế đến mức tối thiểu sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe cho con người.

Theo các nhà chuyên môn, quy trình sử dụng thuốc BVTV hóa học trong quá trình sản xuất rau an toàn: chỉ nên sử dụng thuốc khi dịch hại phát triển tới ngưỡng gây hại hoặc khi sâu đang còn nhỏ (tuổi 2, 3) đây là các giai đoạn mẫn cảm nhất đối với thuốc BVTV.

Không phun thuốc khi trời đang nắng nóng, khi đang có gió lớn, sắp mưa, khi cây đang nở hoa thụ phấn.

Không phun thuốc quá gần ngày thu hoạch nông sản, thông thường nên kết thúc phun thuốc hoá học trước khi thu hoạch ít nhất 5 đến 10 ngày.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hưỡng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất sạch, các ngành, các cấp, địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt quản lý nghiêm ngặt việc quảng cáo, hội thảo của các công ty sản xuất - kinh doanh thuốc BVTV, hạn chế các sản phẩm giả, kém chất lượng. Một khi nông dân đã tham gia sản xuất “cánh đồng mẫu lớn” để tạo ra nguồn hàng hóa lớn thì việc tạo ra sản phẩm sạch sẽ quyết định đến sự bền vững của nền sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN