Liên kết với dân phát triển bền vững nguyên liệu cho nhà máy MDF

24/11/2016 15:22

(Baonghean) - Đồng chí Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về tiềm năng phát triển kinh tế rừng Nghệ An.

P.V: Thưa đồng chí! Từng trải qua cương vị công tác là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp của Nghệ An?

Đồng chí Hồ Xuân Hùng: Nghệ An có trên 80% diện tích đất lâm nghiệp, 70% dân số sống ở 11 huyện, thị cả vùng cao và vùng núi thấp. Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt Nam và là rừng nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát triển các ngành công nghiệp. Cùng với sự đa dạng và phong phú về địa hình, rừng Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Phía Tây Nghệ An là các khu du lịch gắn liền với các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Huống, các danh lam thắng cảnh tự nhiên như thác Sao Va, thác Khe Kèm,…

Đồng chí Hồ Xuân Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác khảo sát vùng nguyên liệu cho Nhà máy MDF  tại huyện Yên Thành. Ảnh: H.N
Đồng chí Hồ Xuân Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác khảo sát vùng nguyên liệu cho Nhà máy MDF tại huyện Yên Thành. Ảnh: H.N

Đặc trưng vùng miền núi Nghệ An, ở vùng núi thấp có khả năng phát triển rất lớn về cây ăn trái và cây lâm nghiệp, vùng núi cao có khả năng cao trong sử dụng cây lâm nghiệp và phát triển cây dược liệu khác ở dưới tán rừng. Đây là thế mạnh của tỉnh. Kết quả xuất khẩu của Nghệ An năm 2015 cho thấy tỷ trọng của lâm nghiệp chiếm phần lớn thay thế cho các sản phẩm trước đây chúng ta quan tâm như thủy sản. Đặc biệt là đất rừng trồng Nghệ An có tiềm năng rất lớn, tầng đất dày, độ ẩm cao có điều kiện phát triển cây lâm nghiệp.

Cùng với điều kiện tự nhiên, trong thời gian qua, Trung ương cũng như tỉnh đều xác định miền Tây Nghệ An là vùng kinh tế trọng điểm và đã có nhiều chính sách để khuyến khích, ưu tiên phát triển. Đặc biệt, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (trong đó Bộ Chính trị xác định miền Tây Nghệ An là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cùng với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, vùng Nam Nghệ - Bắc Hà). Sau đó, ngày 4/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2355/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020... nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi các doanh nghiệp đầu tư vào miền Tây Nghệ An.

P.V: Tiềm năng là rất lớn, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác để có hiệu quả tối đa. Theo đồng chí nguyên nhân do đâu?

Đồng chí Hồ Xuân Hùng: Đúng vậy! Tiềm năng ấy đến nay được chúng ta khai thác còn quá ít. Chúng ta chỉ mới tập trung khai thác được ở mảng chế biến thô, năng suất rừng chưa cao, khai thác rừng non. Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội vùng miền Tây Nghệ An rất khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng về thông tin và truyền thông; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ... Những lý do này khiến chi phí đầu tư vào các huyện trên địa bàn miền Tây lớn, suất đầu tư cao nên hiệu quả đầu tư thấp. Như tôi đã nói ở trên, Trung ương và tỉnh đã có khá nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng miền núi nói chung. Tuy nhiên, các chính sách đó chưa đủ mạnh để “hút” các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh.

Tôi rất vui mừng khi Nghệ An đã thu hút Dự án chế biến gỗ MDF vào đầu tư tại địa phương và hiện nay nhà máy đã đi vào hoạt động, với nhu cầu cần ít nhất 40.000 - 50.000 ha rừng thì mới đảm bảo cho phát triển. Đấy là cho giai đoạn 1, còn nếu mở thêm dây chuyền gỗ tấm rộng, cũng như nâng công suất giai đoạn 2 đối với MDF từ 130.000 m3/năm lên 400.000 m3/năm, thì tối thiểu phải cần đến gấp rưỡi diện tích đó. Tôi đánh giá rất khả quan sự thành công của dự án này nhưng với điều kiện phải có đủ vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến và một điều gần như quyết định, đó là bên cạnh mở rộng diện tích cho nhà máy, thì điều rất cần thiết là tăng năng suất rừng trồng gấp đôi hoặc gấp ba hiện nay. Thứ hai, nếu chúng ta cứ kéo dài giống cây 10 - 15 năm mới khai thác thì không thể kịp, không đủ nguyên liệu được, mà phải chọn giống có thể rút xuống từ 7 - 8 năm; đấy là yêu cầu bắt buộc. Thứ ba, không thể thu hồi đất của dân, không thể đẩy dân ra khỏi rừng mà phải tìm cách liên kết với dân, dành cho họ quỹ đất nhất định. Liên kết với dân theo kiểu nào? Thứ nhất là phải giống của mình; thứ hai là công nghệ của mình, thứ ba là bao tiêu 100% sản phẩm. Đấy là sự liên kết tốt nhất và sự phát triển bền vững nhất cho nhà máy MDF.

Vừa rồi tỉnh có giao cho một số tổng đội TNXP sang cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An như Tổng đội TNXP 3, Tổng đội TNXP 6 - đây là hướng đi tốt. Dự án MDF có lấy một số quỹ đất nhất định - là nơi họ sẽ trồng làm nguyên liệu mẫu, nơi họ sẽ trồng rừng đối chứng với dân, còn lại chủ yếu phải liên kết với dân. Đặc biệt là có chính sách để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; Nhà máy gỗ MDF đã có một số chính sách như phối hợp với Nhà nước đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, chính sách hỗ trợ vay vốn cho người dân…

P.V: Để phát huy tiềm năng thế mạnh của lâm nghiệp Nghệ An, theo đồng chí thời gian tới tỉnh cần phải làm gì?

Đồng chí Hồ Xuân Hùng: Vấn đề đặt ra là tiềm năng miền Tây rất lớn nhưng điều quan trọng là làm sao để khai thác thế mạnh của kinh tế lâm nghiệp. Nếu chúng ta chỉ xuất khẩu gỗ khối hoặc ván, gỗ băm, gỗ giấy không hiệu quả; mà phải chuyển sang thành phẩm ví dụ MDF, gỗ tấm rộng. Trước hết, muốn có như vậy phải kêu gọi các doanh nghiệp vào, họ sẽ tổ chức đầu tư lớn, mở rộng liên kết với các hộ dân.

Sản phẩm MDF khổ rộng của Nhà máy Gỗ Nghệ An.Ảnh: H.N
Sản phẩm MDF khổ rộng của Nhà máy gỗ Nghệ An. Ảnh: H.N

Cùng với đó là đưa vào được giống có chất lượng cao. Trong những năm gần đây, tôi rất mừng Nghệ An đã có được các giống mới và đã tạo được năng suất cao. Bây giờ năng suất gỗ rừng trồng của Nghệ An trên mức bình quân của cả nước. Trong khi cả nước mới chỉ đạt 90 khối/ha, thì Nghệ An đã có trên 100 khối/ha. Nhưng giống đó vẫn chưa cho năng suất cao nhất vì hiện nay một số nơi trong nước năng suất rừng trồng đã đạt được từ 150 - 160 khối/ha, và khả năng Nghệ An phải vươn tới mức này. Muốn như vậy, Nghệ An phải sớm xây dựng được Trung tâm Giống cây lâm nghiệp. Ví dụ, ở nước Australia hiện nay có 105 loại giống keo từ 90 - 200 khối/ha. Chúng ta phải lựa chọn giống phù hợp cho năng suất cao để triển khai thực hiện thì thu nhập của người dân mới khá lên được. Khi thu nhập của người dân tăng, họ sẽ gắn với rừng. Tôi được biết, hiện nay Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã có phương án đầu tư trung tâm giống lâm nghiệp bằng phương án nuôi cấy mô, đây là tín hiệu rất mừng từ chủ trương phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Thứ hai, Nghệ An phải sớm triển khai sản phẩm dưới tán rừng, điều này chúng ta còn thua kém nhiều địa phương khác. Sản phẩm cây, con dưới tán rừng phải vừa lấy ngắn nuôi dài vừa tăng thu nhập trực tiếp cho người trồng rừng và người bảo vệ rừng. Tới đây tỉnh phải tập trung thêm vào những lĩnh vực đưa giống có năng suất cao, khai thác dưới tán rừng. Thành công hay không, tăng thu nhập cho người dân hay không, là ở khai thác dưới tán rừng như trồng cây dược liệu, chăn nuôi được nhiều con gia cầm thì thu nhập sẽ tăng lên, và thu nhập tăng lên thì họ gắn với rừng.

Thứ ba, phát triển du lịch sinh thái; rừng Nghệ An có khả năng du lịch rất lớn, ít nơi có được như ở Nghệ An vừa có những thác, có những đặc trưng riêng của các dân tộc hiếm có mà những vùng đó đều không xa quốc lộ. Để tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan. Không thể nào người dân đứng ra tổ chức du lịch được thì kết nối được với các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch lớn của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, là những trọng điểm có thể tạo điều kiện kết nối giữa du lịch di tích gắn với du lịch sinh thái để làm sao kéo được dài ngày khách du lịch nghỉ qua đêm.

Thứ tư, Nghệ An cần khai thác một số sản phẩm của địa phương để phục vụ cho khách du lịch, bởi còn đơn điệu quá và gần như khách du lịch đi về tay không trong lúc chúng ta hoàn toàn có khả năng. Trước đây chúng ta nặng về sản phẩm biển, nhưng từ nay đến năm 2020 nhất định sản phẩm từ biển phục vụ cho khách du lịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển ở miền Trung vừa qua, thì phải tạo ngay những sản phẩm từ rừng. Chúng ta có rất nhiều sản phẩm từ rừng, từ đất lâm nghiệp ví dụ như, sản phẩm chè, cây dược liệu, con đặc sản từ rừng mình có thể tạo điểm nhấn…

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong xác lập quy hoạch rừng một cách rõ ràng. Tiến hành giao đất, giao rừng để người dân chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh; thúc đẩy quá trình liên danh, liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong quá trình mua bán nguyên liệu, tạo cơ chế bền vững như thông qua HTX. Đầu tư hạ tầng và kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện cho khai thác sản xuất, giảm chi phí trồng rừng và khai thác rừng…

\

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Lê (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN