Hàng ăn trước cổng trường: Rẻ, bẩn giật mình?

03/01/2017 08:29

(Baonghean) - Hàng quán bày bán trước cổng trường với nhiều món quà vặt có màu sắc bắt mắt, mùi hấp dẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe các em học sinh.

Cứ vào khoảng 16 giờ 30 phút mỗi ngày, ở tại các cổng trường trên địa bàn thành phố Vinh, những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong mang theo nhiều loại thức ăn nhanh, chế biến tại chỗ như nem, xúc xích rán, bánh mỳ, thịt nướng, bim bim… lại xuất hiện, chờ bán cho học sinh lúc tan trường.

Những thức ăn nhanh, ăn vặt được chế biến ngay trên vỉa hè, có màu sắc bắt mắt, mùi hấp dẫn đã thu hút các em nhỏ nhưng tuyệt nhiên đều không có hạn sử dụng hay thông tin nguồn gốc xuất xứ. Giá bán thì rẻ đến… giật mình: 2.000 đồng/chiếc nem chua rán; nước ngọt trái cây dạng xịt 25 ml giá 2.000 đồng/chai; nước ngọt Coca 1.000 đồng/cốc, thịt hổ 3.000 - 5.000 đồng/gói…

Quầy hàng tạm bán trước cổng Trường Mầm non Quang Trung 2 (TP. Vinh).
Quầy hàng tạm bán trước cổng Trường Mầm non Quang Trung 2 (TP. Vinh).

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, có con đang học tại Trường Mầm non Quang Trung (TP. Vinh) cho hay: “Vẫn biết các hàng quán bán thức ăn kiểu di động này thường sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không có nước sạch, điều kiện vệ sinh cá nhân thấp. Nhưng nhiều khi con đòi quá, thấy bạn bè đều có, thương con không mua không được. Nghĩ cho con ăn ít chắc cũng không sao!”

Hầu hết các loại thức ăn ở các cổng trường đều được chế biến tại chỗ, bất chấp bụi bẩn ngoài trời, người chế biến không hề đeo găng tay hay bất kỳ dụng cụ vệ sinh nào khác. Thậm chí để tận dụng diện tích, nhiều hàng quán còn bày bán đồ ăn ngay sát cống, rãnh nước thải hay nơi tập kết rác.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, 70 - 80% số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra ngày một nhiều hơn, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: Rất có thể thực phẩm đó còn chứa những chất phụ gia không cho phép, ăn vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chuyện quản lý dịch vụ thức ăn đường phố đã vượt tầm của các nhà trường mà nó thuộc về các cấp ngành và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thi thoảng mới có một đợt kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt. Sau kiểm tra xử phạt, chuyện không đảm bảo vệ sinh, mất an toàn lại tái diễn.

Mặc dù Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có hiệu lực từ ngày 20/1/2013, nhưng đến nay khi tìm đến các quán bán đồ ăn trước cổng trường ở thành phố Vinh, 3 thị xã và các thị trấn, thì hầu như không có cơ sở nào đảm bảo có khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống đảm bảo vệ sinh; phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại; có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thực phẩm...

Những gói quẩy ngọt địa chỉ cơ sở sản xuất mơ hồ, không có ngày sản xuất (ảnh chụp trước Trường Tiểu học thị trấn Hưng Nguyên).
Những gói quẩy ngọt địa chỉ cơ sở sản xuất mơ hồ, không có ngày sản xuất (ảnh chụp trước Trường Tiểu học thị trấn Hưng Nguyên).

Hiện nay, việc kiểm tra ATTP của các cơ quan chức năng hiện mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Nếu có kiểm tra ở các trường học thì chỉ tập trung vào các bếp ăn, nhà ăn, căng tin. Còn những quán, gánh hàng rong trước cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thanh, kiểm tra không đủ mạnh để có thể theo sát và nắm rõ từng khu vực... Các quy định pháp luật quy định rõ việc phân công phân cấp quản lý loại hình kinh doanh này chỉ là UBND phường, xã - nơi có trường học. Tuy nhiên, khối lượng công việc của UBND phường, xã cơ sở thường rất lớn, nên việc quản lý thức ăn đường phố nói chung, thức ăn trước trường học nói riêng chưa được chú trọng.

Để chấm dứt hiểm họa thức ăn mất an toàn bao vây trường học, có sự tham gia, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Nhà trường cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục để học sinh không mua, sử dụng những sản phẩm, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc; phối hợp với địa phương kiểm tra các địa điểm kinh doanh thực phẩm ở cổng trường xem có đáp ứng quy định hay không và có biện pháp giám sát để đảm bảo an toàn cho học sinh. Các phụ huynh cần ý thức rõ nguy cơ từ thức ăn trước trường học để ngăn ngừa, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Thành Cường - Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN