Nhận biết và xử lý khi mắc quai bị

13/12/2016 16:03

Ngoài triệu chứng sưng vùng mang tai, người bệnh có thể sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn ói.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh quai bị, còn gọi viêm tuyến nước bọt mang tai là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị. Bệnh lây qua đường hô hấp, xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa đông xuân. Bệnh hay gặp ở tuổi học đường và thành dịch tại các trường học, đơn vị tân binh… Trẻ dưới 2 tuổi và người già ít khi bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền và hiếm khi tái phát.

Bệnh dễ nhận biết với triệu chứng sưng đau vùng mang tai, trước đó 1-2 ngày một số trường hợp có cảm giác đau, khó nhai. Vùng mang tai có thể bị sưng cùng lúc hai bên và xuất hiện rất nhanh, đêm hôm trước bình thường nhưng hôm sau đã sưng to. Có trường hợp sưng một bên sau đó vài ngày sưng sang bên kia.

Người bệnh có thể kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói. Đa số trường hợp thường sốt rất nhẹ và kéo dài một đến 2 ngày. Thông thường trẻ lớn hay người lớn triệu chứng thường nặng hơn trẻ nhỏ. Bệnh sẽ tự khỏi dần sau một tuần đến 10 ngày nếu không có biến chứng.

Biểu hiện thường gặp của bệnh quai bị là sưng tuyến mang tai. Ảnh: cdc.
Biểu hiện thường gặp của bệnh quai bị là sưng tuyến mang tai. Ảnh: cdc.

Theo bác sĩ Phạm Đặng Đăng Khoa, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, một số biến chứng có thể gặp là tổn thương thần kinh, viêm não hay viêm màng não, điếc, giảm thị lực. Một biến chứng gây lo lắng cho phụ huynh là viêm tinh hoàn ở bé trai hay viêm buồng trứng ở trẻ gái, một vài trường hợp dẫn đến vô sinh. Dấu hiệu chủ yếu là tinh hoàn sưng to, đau, nữ thấy tức bụng và đau khi sờ nắn.

Phụ nữ mắc quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể sẩy thai hoặc sinh con dị tật, bệnh vào 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu. Vài biến chứng khác là viêm tụy, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác gây giảm thị lực tạm thời, viêm phổi, tổn thương gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu...

Hiện bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não...

Trường hợp quai bị không biến chứng, bệnh nhân có thể được chăm sóc tại nhà:

- Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol.

- Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt.

- Nghỉ ngơi, có thể chườm lạnh trên vùng má bị sưng đau.

- Đưa đến bệnh viện khi thấy bệnh nhân có những biểu hiện nặng, bất thường.

Phòng bệnh quai bị bằng cách hạn chế tiếp xúc, không sử dụng chung đồ dùng với người bị quai bị. Tiêm văcxin cho trẻ từ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc theo chỉ định. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ tư vấn về thời gian được phép mang thai sau khi tiêm văcxin phòng bệnh quai bị. Người bệnh cần nghỉ tại nhà để cách ly khoảng 10 ngày, tránh lây lan cho người khác.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN