Công ty TNHH Lương thực miền Trung phớt lờ kiến nghị của dân

08/12/2016 06:32

(Baonghean.vn)- Việc xây dựng Khối nhà dịch vụ và văn phòng tại P. Hưng Dũng, TP. Vinh (sát kề Bệnh viện Cửa Đông) cao 13 tầng, Công ty TNHH Lương thực miền Trung không đảm bảo an toàn, liên tục gây bụi bẩn khiến người dân bức xúc nhưng chủ đầu tư vẫn phớt lờ.

Dân bức xúc

Gửi đơn đến Báo Nghệ An, bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại nhà số 48, ngõ 1A, đường Duy Tân, Khối Trung Yên, P. Hưng Dũng) bức xúc phản ánh, gia đình bà có ngôi nhà 2 tầng sát công trình của Công ty TNHH Lương thực miền Trung. Do công trình xây dựng 13 tầng của tổ chức này cao khoảng 40m, chỉ cách nhà bà Hoa khoảng 1m nên liên tục có sự cố xẩy ra và môi trường sống của cả khu dân cư bị ô nhiễm nặng nề.

Dự án nhà dịch vụ và văn phòng 13 tầng của Công ty TNHH Lương thực miền Trung.
Dự án nhà dịch vụ và văn phòng 13 tầng của Công ty TNHH Lương thực miền Trung.

Tại đơn bà Nguyễn Thị Hoa mô tả: “Trong quá trình thi công đã xẩy ra sự cố, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của gia đình chúng tôi và các hộ xung quanh; gây hỏng hóc nhà cửa, tài sản; gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, rơi vãi vật liệu xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, do chênh lệch về chiều cao công trình, khoảng cách công trình quá gần nên đã gây sụt lún chân móng, dẫn đến gây nghiêng, nứt tách kéo dài giữa nhà tôi và nhà liền kề…”.

Cũng tại đơn, bà Hoa phản ánh là đã từng gửi đơn đến đại diện Ban quản lý dự án công trình và chủ đầu tư là ông Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Lương tực miền Trung (ngày 16/11/2016), vậy nhưng không hề nhận được hồi âm.

Vết nứt chạy giữa tường nhà bà Hoa và gia đình liền kề.
Vết nứt chạy giữa tường nhà bà Hoa và gia đình liền kề.

Có mặt tại nhà bà Hoa (ngày 5/12), cảm nhận đầu tiên là sự ngột ngạt bởi bụi bẩn bay ra từ những tầng nhà đang thi công. Bụi bẩn, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Bởi không chỉ nhà của bà Hoa mà toàn bộ cây cối, nhà cửa dân cư trong khu vực đều bám dày bụi. Nhất là các mái nhà, ban công, hành lang trên các nhà 2, 3 tầng, ngoài bụi còn, vương vãi vật liệu xây dựng. Nguyên nhân gây ra, xác định được dễ dàng bởi việc thi công công trình cao tầng, nhưng toàn bộ tòa nhà chỉ được bao bằng một lớp màng lưới nhựa thưa mỏng.

Trên các mái lợp gần công trình 13 tầng, đầy bụi và vữa hồ.
Trên các mái lợp gần công trình 13 tầng, đầy bụi và vữa hồ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, cả gia đinh luôn nơm nớp sợ hãi bởi đã có những vật liệu là sắt, gạch, bê tông rơi xuống. Nguy hiểm nhất là vào khoảng 16h ngày 27/10/2016. Khi đó, chỉ có con gái bà Hoa là chị Lê Thị Mai Phương ở nhà. Chị Phương nghe một tiếng động rất lớn, phát trên tầng hai. Khi lên kiểm tra thì thấy hai thanh sắt lớn chọc vỡ mái tôn tầng hai nhà mình. “Thật may là lúc đấy cháu Phương không làm gì trên đó. Nếu không còn gì tính mạng…” - bà Hoa nói.

Mái tôn thủng do bị sắt rơi từ công trình 13 tầng xuống đã được lợp lại.
Mái tôn thủng do bị sắt rơi từ công trình 13 tầng xuống đã được lợp lại.

Về việc nhà bị nghiêng nứt, qua quan sát thì lớp vữa tường giữa nhà bà Hoa và hộ liền kề của ông Ngô Sỹ Tuân có một đường xé nứt mới kéo dài, rộng khoảng 0,5 cm; bức tường trên tầng hai cũng có vết nứt kéo dài… “Tôi nghĩ, khoảng cách xây dựng nhà cao 13 tầng với khu dân cư là không hợp lý. Trong khi đó, việc thi công không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, làm ảnh hưởng công trình nhà ở của dân. Hơn nữa, thái độ, ứng xử của họ rất tệ. Dù có cho người lợp lại mái tôn, hứa hẹn này nọ nhưng người của họ có những phát ngôn coi thường gia đình tôi và người dân trong khu vực. Không riêng gì tôi mà các hộ dân xung quanh cũng rất bức xúc…”.

Chủ đầu tư “phớt lờ” pháp luật?

Theo các cán bộ P. Hưng Dũng, việc cá nhân bà Hoa gửi đơn khiếu nại, phường chỉ biết khi UBND thành phố có văn bản. Tuy nhiên, các Sở Xây dựng, LĐ&TBXH cũng nhận được đơn, vì vậy chủ trì trong xử lý, phường chỉ phối hợp tham gia.

Ông Bùi Xuân Thành - cán bộ đô thị P. Hưng Dũng cho biết, chiều ngày 30/11/2016, đại diện các sở và phường đã gặp bà Hoa; sau đó, đã xuống thực địa để kiểm tra. Về an toàn lao động, cán bộ Sở LĐ&TBXH đã kết luận là chưa đảm bảo; về việc lún sụt, nứt, thanh tra Sở Xây dựng đã biên bản nhưng chưa có kết luận. Còn về vấn đề ô nhiễm môi trường thì có như phản ánh.

Chỉ cần đậu ô tô gần công trình 13 tầng khoảng 30 phút, xe sẽ “được” phủ bụi.
Chỉ cần đậu ô tô gần công trình 13 tầng khoảng 30 phút, xe sẽ “được” phủ bụi.

Ông Thành nói: “Liên quan việc lún sụt, nứt, đánh giá theo cảm quan là không chính xác, cần để cơ quan chuyên ngành có ý kiến. Về môi trường, chủ dự án đã có biện pháp nhưng chưa đảm bảo. Đây là một thực tế đang diễn ra ở nhiều dự án trên địa bàn thành phố. Chủ đầu tư nào khi lập hồ sơ cũng đều cam kết, vậy nhưng khi thi công thì không đảm bảo. Về vấn đề này, cấp phường xã rất khó để xử lý. Với việc gây bụi bặm đối với nhà bà Hoa, chủ đầu tư đã thỏa thuận là hàng tuần sẽ chi trả 200.000 đồng để gia đình thuê người quét dọn…”.

Tại những văn bản liên quan đến cấp phép xây dựng dự án Nhà dịch vụ và văn phòng của Công ty TNHH Lương thực miền Trung, hầu như các cơ quan chức năng đều yêu cầu chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm việc đảm bảo an toàn lao động và môi trường. Vậy nhưng ngay từ ngày 27/12/2015, quá trình dọn mặt bằng của dự án, chủ đầu tư của dự án này đã bị dân phản ứng.

Tại biên bản họp dân do UBND P. Hưng Dũng, khối trưởng khối Trung Yên đã phản ánh: “… Công ty tiến hành mở rộng khuôn viên, xây dựng công trình, tuy nhiên công ty không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, không báo với khối, không xin ý kiến các hộ gia đình gây nên mâu thuẫn giữa hộ gia đình với công ty. Nhiều hộ gia đình đã gọi điện cho khối trưởng…”.

Theo quy định tại Điểm D, Điều 19, Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư công trình xây dựng phải “Đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình”. Để xẩy ra tình trạng không đảm bảo an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường, rõ ràng Công ty TNHH Lương thực miền Trung phải có trách nhiệm đối với bà Nguyễn Thị Hoa và người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Và các đơn vị có liên quan về môi trường, đô thị cần quan tâm, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc thi công tại dự án này.

Hành lang nhà bà Hoa ken dày một lớp bụi.Để quét dọn, bà phải lấy khăn che đầu và quấn kín mặt.
Hành lang nhà bà Hoa ken dày một lớp bụi. Để quét dọn, bà phải lấy khăn che đầu và quấn kín mặt.

Có một điều cần phải nói thêm là theo phản ánh của bà Hoa, 4 giờ chiều ngày 30/11/2016, bà nhận được điện thoại của một người xưng là thanh tra xây dựng yêu cầu lên trụ sở phường để giải quyết đơn thư. Khi bà đã lên dự, vị thanh tra của Sở Xây dựng đã dùng lý lẽ để yêu cầu bà rút đơn. Và bà Hoa rất bất bình vì “yêu cầu công dân đến làm việc cũng phải có văn bản thông báo trước chứ ai đời cuối chiều, gần giờ tôi đi đón cháu lại gọi điện thoại như vậy. Hơn nữa, cách thức giải quyết đơn thư gì mà lạ thế, chưa biết dân bị ảnh hưởng thế nào mà đã yêu cầu rút đơn…”.

Một số người dự họp khi được hỏi đã xác nhận phản ánh của bà Hoa. Qua đó thấy rằng, Sở Xây dựng cần chấn chỉnh phong cách làm việc của cán bộ, công chức mình quản lý. Cần phải thấy việc các công trình dự án thi công gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh có phần trách nhiệm của ngành xây dựng. Vì vậy, khi người dân có phản ánh, cần phải xử lý thông tin khách quan, và phải có thái độ ứng xử đúng mực, không được để xẩy ra tình trạng người dân mất niềm tin đối với pháp luật, với cơ quan nhà nước.

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN