Bên trong đế chế tỷ USD là bệ phóng quyền lực của Trump
Khác với các đế chế kinh doanh tỷ USD khác, Trump Organization giống như một công ty gia đình, nơi tình yêu và lòng trung thành luôn được đề cao hàng đầu.
Ông Donald Trump (giữa) xuất hiện cùng con trai Donald Jr (trái) và nhà phát triển bất động sản người Malaysia Tiah Joo Kim hồi năm 2013. Ảnh: Canadian Press |
Trước khi Tiah Joo Kim đặt chân tới trụ sở Trump Organization ở Manhattan để trình bày về một dự án khách sạn và chung cư tại Vancouver, British Columbia, ông tưởng tượng một công ty nổi tiếng toàn cầu như Trump Organization phải có hàng trăm văn phòng cùng hàng nghìn nhân viên. Nhưng trái lại, ông chỉ được dẫn qua hai tầng lầu với vài văn phòng cùng khoảng mấy chục nhân viên.
Điểm dừng chân đầu tiên là một phòng họp, nơi Tiah phải nêu ý tưởng về dự án với ba người con lớn của ông chủ. Chỉ sau khi họ thông qua, Tiah mới có thể bước chân tới căn phòng quan trọng hơn cả với cửa sổ nhìn ra Công viên Trung tâm New York, nơi ông Donald Trump, tiếng nói quyền uy nhất trong công ty, đang chờ sẵn, theo New York Times.
Tiah lúc bấy giờ, một buổi chiều năm 2012, không giữ bất cứ kỳ vọng nào về cuộc gặp với người nổi tiếng Trump nhưng theo ông mọi chuyện diễn ra nhẹ nhàng và ấm áp.
Thay vì bàn bạc kế hoạch kinh doanh mà Tiah đem đến, nhà tài phiệt New York dành nhiều thời gian khoe một đôi giày do cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Mỹ Shaquille O'Neal tặng và đai vô địch do võ sĩ quyền anh Mike Tyson trao như những món quà lưu niệm vì các đóng góp cho thể thao của ông.
"Cậu có vẻ ngoài ưa nhìn đấy", Tiah nhớ lại lời ông Trump nói.
Sau đó, các luật sư và giám đốc điều hành hàng đầu của tỷ phú Mỹ bước vào. Họ cùng ông thương thảo các thỏa thuận cho phép dự án Vancouver mang thương hiệu Trump và do Trump Organization quản lý. Cứ thế, các phiên thảo luận 16 tiếng mỗi ngày diễn ra ròng rã suốt một tuần.
"Rất mệt mỏi. Họ vô cùng rắn", Tiah miêu tả.
Đấy chính là cách mà công việc được thực hiện tại Trump Organization, một công ty có tầm ảnh hưởng lớn và đang nằm trong tâm bão dư luận khi chủ nhân của nó sắp trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Với một mạng lưới rộng khắp trên toàn thế giới, Trump Organization tiềm ẩn nguy cơ làm nảy sinh nhiều xung đột lợi ích một khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ, chuyên gia nhận định.
Nhà tài phiệt New York hồi giữa tháng cho biết dù pháp luật không bắt buộc nhưng ông sẽ lên kế hoạch để rút tên mình và con gái Ivanka khỏi mọi hoạt động trong công ty nhằm tránh tạo ra xung đột lợi ích. Hai con trai ông, Donald Jr. và Eric, vẫn chịu trách nhiệm về công ty.
Nhưng mấy tuần gần đây, dưới áp lực từ dư luận, Trump và các cố vấn đang thảo luận những biện pháp khác. Nhà tài phiệt New York đã đồng ý đóng một quỹ từ thiện cá nhân, chấm dứt một số hợp đồng quốc tế và lên kế hoạch mới để vẫn có thể giám sát Trump Organization từ bên ngoài.
Giới quan sát cho rằng công ty của Trump là một doanh nghiệp gia đình điển hình, quy tụ những nhân viên trung thành lâu năm, hoạt động không theo các quy chuẩn mà chủ yếu dựa trên văn hóa Trump. Tỷ phú Mỹ có thể nhượng lại công việc cho các cấp phó nhưng rõ ràng cái tên cũng như ảnh hưởng của ông đã được đóng dấu trong mọi hợp đồng mà công ty thực hiện.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times hồi năm ngoái, Trump giải thích ông thường phê duyệt những dự án mới dựa vào "trực giác". Dù những năm gần đây, các con ông đang dần thể hiện vai trò lớn hơn tại công ty nhưng vào những thời khắc quan trọng nhất, ông vẫn phải góp tiếng nói quyết định.
Trong số các giám đốc điều hành cấp cao ở Trump Organization, rất nhiều người đến từ khu dân cư Queens thuộc New York, nơi ông Trump lớn lên, hay Brooklyn, nơi cha ông gây dựng sự nghiệp. Họ leo lên những vị trí quan trọng nhiều khi không dựa vào thành tích công việc mà nhờ hàng chục năm cống hiến cho ông chủ.
Điển hình như Allen Weisselberg, giám đốc tài chính, khởi đầu là một kế toán làm việc cho ông Fred, cha Trump, hay Matthew Calamari, giám đốc hành chính, được tuyển dụng từ năm 1981.
Đối với một số giám đốc điều hành, phục vụ công ty đi kèm với phụng sự gia đình Trump.
"Chúng tôi không phải một công ty niêm yết công khai. Cuối cùng, tôi vẫn làm việc cho gia đình Trump", Alan Garten, luật sư đại diện của Trump Organization, nói tại một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11. "Đó là cách tôi nhìn nhận công việc. Dù là bảo vệ lợi ích cho công ty hay lợi ích của cá nhân họ, tôi vẫn ở đây để hỗ trợ và đại diện cho họ, bất kể khi nào họ cần".
Cửa hàng gia đình
Ivanka Trump, con gái ông Trump, tại văn phòng làm việc trên tòa nhà Trump Tower, khu Midtown Manhattan, New York. Ảnh: New York Times |
Dù sở hữu hàng loạt cơ sở kinh doanh trên khắp thế giới, trung tâm quyền lực của Donald Trump vẫn nằm ở tòa nhà Trump Tower, số 725 Fifth Avenue, khu Midtown Manhattan, New York.
Để đến nơi làm việc, ông Trump hàng ngày chỉ cần từ căn hộ áp mái tại tòa tháp, đi vào thang máy cá nhân, ấn số 26 và chờ đợi trong giây lát. Khi cánh cửa mở, văn phòng riêng của ông hiện ra với các giám đốc điều hành hàng đầu đang chờ sẵn. Dưới đó một tầng là văn phòng của ba người con Donald Jr., Eric và Ivanka Trump.
Bức tường văn phòng ông Trump được tô điểm bởi hàng chục tấm ảnh nhà tài phiệt New York chụp cùng những người giàu có và quyền lực trên thế giới. Trên bàn làm việc phủ kín giấy tờ.
Khi muốn nói chuyện với ai đó, ông Trump sẽ gọi người trợ lý, Rhona Graff, ngồi ngay phía ngoài. Bà đã làm công việc gác cổng cho nhà tài phiệt New York hàng chục năm qua. Bất kỳ ai gọi điện tới gặp ông Trump đều phải thông qua bà, đôi khi còn phải đọc mật khẩu.
Ông Trump thường xuyên khoe về quy mô khổng lồ của Trump Organization. Một người phát ngôn cho nhà tài phiệt New York từng khẳng định công ty có "hàng chục nghìn nhân viên". Song giới chuyên gia công nghiệp ước tính Trump Organization chỉ sở hữu khoảng 4.000 nhân viên trên toàn cầu. Ba tầng lầu thuộc trụ sở chính công ty có không quá 150 nhân viên.
Donald Trump Jr. hồi năm 2011 từng miêu tả Trump Organization hoạt động giống như "một cửa hàng tạp hóa gia đình". "Tôi đoán chúng tôi có sơ đồ tổ chức, nhưng về mặt lý thuyết, chúng tôi không có quá nhiều cấp bậc", Trump Jr. nói.
Thực tế, ông Trump thường chọn các giám đốc điều hành và chỉ định công việc dựa trên sở thích cá nhân. Năm 2004, Michelle Carlson, lúc bấy giờ là một luật sư trẻ, theo lời giới thiệu từ một người bạn, đến gặp ông Trump để xin thư giới thiệu. Cô muốn trở thành một nhà phát triển bất động sản ở Los Angeles.
Carlson kể cô đã được đón tiếp khá nồng hậu. "Tôi nghe nói có một cô gái Atlanta xinh đẹp chờ ở hành lang", Carlson nhớ lại lời ông Trump nói với cô. Sau khi mời cô ngồi, nhà tài phiệt đưa ra hàng loạt câu hỏi trực diện như: trách nhiệm của cô ở công việc hiện tại là gì? Cô thấy mình có điểm mạnh gì? Cô muốn phát triển ở lĩnh vực nào?
Trong chưa đầy 45 phút, ông Trump đã bị cô thuyết phục. "Tôi sẽ không cho bạn thư giới thiệu ở Los Angeles. Tôi sẽ thuê bạn", Trump nói với Carlson.
Carlson sau đó dành gần 4 năm với vị trí trợ lý pháp lý cho ông Trump. Cô thường làm việc 18 tiếng mỗi ngày với một nhóm nhỏ các luật sư, đồng thời làm một số công việc khác tại bộ phận bất động sản.
Đối với Tiah, khi đến Trump Tower để thảo luận về thương vụ hợp tác ở Vancouver, ông không thể không để ý đến việc tất cả các nhân viên nữ tại Trump Organization đều có ít nhất một điểm chung. "Bạn phải là người cuốn hút? Liệu đó có phải yêu cầu bắt buộc không?", Tiah nhớ đã nghĩ trong đầu như vậy.
Cái giá của lòng trung thành
Bàn làm việc của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times |
Andrew Weiss, một người nhập cư Romania lớn lên ở Brooklyn, được ông Trump thuê ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 1981. Trải qua 35 năm thăng trầm bên cạnh Trump, ông hiện là phó chủ tịch điều hành phát triển và xây dựng. Weiss hiểu rõ hơn cả sự trung thành có ý nghĩa thế nào đối với nhà tài phiệt New York.
"Để thành công trong công ty này, bạn phải có kỹ năng, nhiệt huyết và lòng trung thành tuyệt đối", luật sư đại diện Garten quả quyết.
Trong chiến dịch tranh cử, Michael Cohen, một trong các phó chủ tịch điều hành Trump Organization, từng lên tiếng đe dọa Daily Beast khi trang tin này chuẩn bị đăng một bài viết có thể gây ảnh hưởng xấu tới danh tiếng nhà tài phiệt New York. Nếu đăng bài, "tôi sẽ khiến cuộc sống của các người phải khốn khổ", Cohen quyết liệt tuyên bố, theo một nguồn tin từ Daily Beast.
Tại một cuộc phỏng vấn, Cohen chia sẻ "đối với những người thân cận, gần gũi, Trump còn hơn cả một ông chủ".
"Ông ấy giống như một người thầy", Cohen nói. "Những phẩm chất đó khiến tôi quý mến Trump. Đấy cũng là lý do tôi nguyện trung thành và quyết bảo vệ ông ấy bằng mọi giá".
Gia đình lớn
Jill Cremer, cựu phó chủ tịch tại Trump Organization, luôn ấn tượng vì những buổi tiệc mừng Giáng sinh hoành tráng mà công ty tổ chức cho nhân viên. Trong dịp này, ông Trump sẽ lần lượt phân phát quà, thường là vé máy bay, máy ảnh hay vali, cho nhân viên rồi chụp ảnh chung với họ.
"Tiệc Giáng sinh là một điểm nhấn", Cremer nói. "Đó thực sự là một gia đình".
Năm nay, buổi tiệc được tổ chức vào tối 14/12, hai ngày sau khi Trump thông báo hoãn việc công bố kế hoạch xử lý các vấn đề của công ty sau khi ông trở thành tổng thống.
Dù bận rộn với hàng núi công việc liên quan tới quá trình chuyển giao quyền lực, Trump vẫn dành thời gian ghé qua hội trường Trump Tower để tham dự buổi tiệc.
Trong lúc các nhân viên đang vui vẻ tận hưởng một đêm đáng nhớ, nhà tài phiệt New York bước lên sân khấu, cảm ơn tất cả mọi người vì đã giúp ông xây dựng công ty lớn mạnh.
"Bạn có thể thấy tình yêu tràn ngập căn phòng", Eric Trump, con trai ông, nói.
Theo VNE