Duy trì bữa ăn bán trú: 'Trông' vào huy động xã hội hóa
(Baonghean) - Bước vào năm học 2016 - 2017, hàng loạt trường tiểu học ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ngừng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Đây cũng là điều đã được dự báo trước khi các chương trình hỗ trợ kết thúc và việc huy động xã hội hóa còn gặp rất nhiều khó khăn.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Trường Tiểu học Lưu Kiền 1 có 380 học sinh, trong đó đến 70% học sinh thuộc diện hộ nghèo và đều là con em của đồng bào dân tộc ít người. Trước đây, dù tổng số lớp không đông, nhưng do học sinh ở rải rác tại các bản nên trường có đến 5 điểm trường lẻ. Hiện tại, dù đã co cụm xuống thành 4 điểm trường, nhưng công tác dạy và học, vận động học sinh đi học chuyên cần gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong thời điểm Chương trình Seqap hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh kết thúc.
Tại điểm Trường Lưu Sơn (Tiểu học Lưu Kiền 1), một trong những điểm trường đi lại vất vả nhất với hơn một nửa là học sinh đồng bào Mông, cô giáo Phạm Thị Nga - chủ nhiệm lớp 1B cho biết: “Lớp chỉ có 15 học sinh nhưng có đến 9 học sinh là con em ở bản Pủng, cách xa điểm trường 4 km nên chỉ cần mưa to là các em đồng loạt nghỉ học. Có thời điểm, cả khối lớp 1 nghỉ từ 10 - 15 em do đường xa, không có ai đưa đón. Điều này, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy học...”.
Giờ ăn của học sinh tiểu học Trường Tiểu học Yên Na 1 (Tương Dương). |
Do điều kiện đi lại khó khăn, bố mẹ đi làm rẫy nên không ít học sinh phải nghỉ trưa ở trường. Bữa cơm trưa thường là do bố mẹ chuẩn bị từ sáng sớm, có khi chỉ có một chiếc bánh mì đạm bạc. Nhìn hoàn cảnh học sinh, điều mà thầy, cô giáo trong trường mong muốn hơn cả là tiếp tục được triển khai chương trình bán trú như những năm trước.
Thầy giáo Nguyễn Văn Vượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Kiền 1 cho biết: “Nhờ tổ chức bữa ăn bán trú ở trường nên những năm qua, hiệu quả của việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, năm nay, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn bởi đa phần phụ huynh đều thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện đóng tiền cho con học bán trú ”.
Trên toàn huyện Tương Dương, 13/15 trường tiểu học được hưởng các dự án về hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh đến năm học này cũng đồng loạt ngừng triển khai vì lý do tương tự.
Tại huyện Kỳ Sơn, từ năm 2011, được sự hỗ trợ của chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (Chương trình Seqap) nên 18/33 trường tiểu học trên địa bàn đã tổ chức được bữa ăn bán trú cho học sinh ở trường.
Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh giỏi đối với các trường được thụ hưởng chương trình cao hơn 5% so với học sinh bình thường, tỷ lệ yếu, kém giảm 3% và tỷ lệ chuyên cần đạt 96,7%, cao hơn 3% so với các trường bình thường.
Cũng bởi những hiệu quả tích cực trên, bước vào năm học 2016 - 2017, xác định sẽ không còn dự án hỗ trợ nên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn đã sớm chỉ đạo để các trường vận động xã hội hóa để tiếp tục duy trì bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng hiện tại trên địa bàn không còn trường nào có đủ điều kiện để tiếp tục triển khai.
Cần phát huy mô hình “bán trú dân nuôi”
Đầu năm học 2010 - 2011 đến nay, chương trình bữa ăn bán trú đã được nhân rộng đến gần 150 trường các huyện vùng sâu, vùng xa.. Do hiệu quả của chương trình nên nhiều trường đã sử dụng linh hoạt, tiết kiệm, cộng với kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh, các tổ chức xã hội nên đã triển khai đến được 100% học sinh và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh.
Hiện tại, khi chương trình kết thúc, khó khăn nhất hiện nay đó là việc vận động phụ huynh đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Mục đích chính là phụ huynh đóng tiền đứng ra tổ chức nấu ăn cho học sinh. Hoặc, việc tổ chức có thể thực hiện theo hình thức bán trú dân nuôi, cơm hàng ngày của các cháu do phụ huynh chuẩn bị buổi sáng ở nhà.
Tại Trường Tiểu học Yên Na 1 - một trong hai điểm trường còn lại ở huyện Tương Dương vẫn duy trì được bữa ăn bán trú cho học sinh, thầy giáo Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực tế để phụ huynh thay đổi nhận thức từ đang được “hỗ trợ” sang phải “đóng góp” là không dễ. Nhưng nếu tổ chức họp phụ huynh, phân tích cho phụ huynh kỹ càng những hiệu quả thiết thực thì họ sẽ đồng tình. Hàng ngày phụ huynh sẽ chuẩn bị cơm cho học sinh đến lớp. Giáo viên trong trường tình nguyện ở lại làm thêm giờ để tổ chức cho học sinh ăn, ngủ”.
Bán trú dân nuôi cũng là cách làm được nhiều trường mầm non ở huyện Tương Dương áp dụng và đem lại kết quả khá tốt, đảm bảo cho 18/18 trường mầm non tổ chức được chương trình bán trú cho học sinh.
Cách làm và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Yên Na 1 cũng là một kinh nghiệm tốt cho các trường học khác trên địa bàn. Để từ đó, các trường sớm có giải pháp để khắc phục những khó khăn hiện nay, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; góp phần chuyển biến nhận thức, trách nhiệm phụ huynh...
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|