Thuê gom ruộng lớn để sản xuất hàng hóa

06/12/2016 10:26

(Baonghean) - Không ít nơi mô hình tích tụ đất đai theo kiểu thuê lại ruộng đất, hoặc tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hình thức hàng hóa, đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ trên đơn vị diện tích.

Mô hình ở Diễn Châu.

Có dịp về xóm Trung Hồng, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những vùng ao nuôi thả cá rộng lớn nối liền với trại chăn nuôi lợn. Đem điều thú vị đó hỏi thì bạn tôi giải thích: Không chỉ chăn nuôi trong phạm vi đất của làng, người dân trong vùng còn đi thuê đất ngoài đồng để lập trang trại. Có những trang trại cho lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm, tạo việc làm cho cả con, dâu, rể. Bạn tôi cho biết thêm: Trước vùng đất ấy, bà con cũng sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhưng không hiệu quả, sau họ chuyển sang buôn bán là chính, nhưng cũng tạo điều kiện cho một số hộ thuê đất thành khoảnh lớn làm giàu.

Chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Đệ, xóm Trung Hồng. Đứng trước mênh mông những ao thả cá, trên bờ là những dãy chuồng trại chăn nuôi lợn, ông Đệ phấn khởi khoe: Năm 2005, thực hiện chủ trương của địa phương xây dựng cánh đồng thu nhập 40 triệu đồng/ha, tôi mạnh dạn thuê lại đất nông nghiệp của bà con trong xóm để làm trang trại, nhằm từng bước tạo ra những mặt hàng mang tính hàng hóa lớn. Toàn bộ diện tích tôi thuê của bà con là 4 ha. Theo hợp đồng, tôi trả cho bà con 1 tạ lúa/sào/năm, vị chi mỗi năm tôi phải trả 8 tấn lúa.

Ông Nguyễn Văn Đệ (xã Diễn Hồng, Diễn Châu) phát triển chăn nuôi lợn sau khi thuê đấttheo chủ trương tích tụ đất nông nghiệp của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đệ (xã Diễn Hồng, Diễn Châu) phát triển chăn nuôi lợn sau khi thuê đất theo chủ trương tích tụ đất nông nghiệp của địa phương.

Sau 11 năm bám đất, gia đình tôi đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đào 4 ao thả cá, với diện tích gần 35.000 m2, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Hiện chuồng trại chăn nuôi lợn đã có 50 con lợn nái giống ngoại, 200 con lợn thịt. Do hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn được cách biệt, nên hiệu quả cao, ít dịch bệnh. Đối với ao cá, tôi thả các loại cá truyền thống: chép, trắm, mè, rô phi...

Có kinh nghiệm trong nhiều năm gắn bó với chăn nuôi, nay trang trại của ông mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Được biết, tại cánh đồng Rộc Quanh của xóm Trung Hồng, xã Diễn Hồng này có 7 ha, thì ngoài gia đình ông Đệ thuê 4 ha, phần còn lại 3 ha cũng được một số hộ trong xóm thuê, theo hình thức tích tụ đất để đào ao nuôi thả cá kết hợp chăn nuôi lợn. Như vậy, tại vùng Rộc Quanh này từ chỗ chỉ mỗi năm 2 vụ lúa, tự cung tự cấp lương thực cho bà con trong xóm, thì nay trở thành nơi chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho thị trường các huyện lân cận, mang lại thu nhập cao hơn hẳn trên một đơn vị diện tích.

Xã Diễn Hồng là địa phương có diện tích đất được người dân tích tụ, phát triển kinh tế nông nghiệp nhiều nhất huyện Diễn Châu, với 40 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, do 20 hộ nhận thầu. Mỗi người có một cách làm ăn khác nhau, nhưng tựu chung là họ đã phát huy được chủ trương tích tụ đất của địa phương.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Diễn Châu có 33/39 xã thực hiện chủ trương tích tụ đất, với diện tích gần 1.000 ha. Hiệu quả kinh tế cho thấy, bình quân 1 ha đất tích tụ cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm, bằng phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Mặc dù vậy, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn hạn chế. Toàn huyện mới chỉ có 220 trang trại, 6 cánh đồng lớn với diện tích trên 773 ha. Quan điểm chỉ đạo của huyện Diễn Châu, tiếp tục dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, nhằm khai thác hiệu quả trên những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả. Chủ trương chỉ đạo những hộ không có nhu cầu hoặc sản xuất kém hiệu quả thì có thể cho hộ khác có điều kiện kinh tế, kiến thức khoa học kỹ thuật, có sức lao động nhiều thuê đất lại và tổ chức sản xuất thành cánh đồng lớn.

Tập trung ruộng đất ở Yên Thành

Với huyện Yên Thành, địa phương có nhiều kinh nghiệm sản xuất lúa thì không tích tụ đất mà thực hiện tập trung ruộng đất là chính. Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi các địa phương trong huyện chuyển đổi xong ruộng đất, dựa trên cơ sở tiểu vùng khí hậu, chất đất... huyện vận động các doanh nghiệp vào đầu tư cây trồng, trong đó tập trung vào sản xuất lúa giống, với phương châm “cùng đồng, cùng giống, cùng quy trình sản xuất”, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, hướng đến sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu gạo an toàn của Yên Thành. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 80 mô hình sản xuất tập trung. Qua đánh giá cho thấy, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 6 - 8%.

Xã Phúc Thành được đánh giá là địa phương thực hiện tốt cánh đồng mẫu lớn trong thời gian qua. Ông Đinh Văn Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Phúc Thành đã xây dựng được 3 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn 100 ha. Cái được ở cánh đồng mẫu lớn là, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo được hàng hóa lớn, bà con nông dân dễ tiếp cận hơn với các tiến bộ KHKT vào sản xuất, từ đó, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng dần, bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm.

Xã Phúc Thành (Yên Thành) đưa cơ giới hóa vào sản xuất
Xã Phúc Thành (Yên Thành) đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 313/313 xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa tại thực địa. Sau dồn điền, đổi thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,3 thửa. Diện tích đất công ích đã được bố trí thành vùng tập trung. Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 720 mô hình sản xuất có hiệu quả và 62 mô hình cánh đồng lớn. Số lượng máy móc phục vụ nông nghiệp đã tăng lên 7.639 máy. Việc dồn điền, đổi thửa tại các địa phương đã gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

a
Xã Cẩm Sơn - Anh Sơn sản xuất thuận lợi sau dồn điền đổi thửa

Trong chuyến công tác tại tỉnh ta, đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trương ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa lớn thì phải có sự liên kết thông qua HTX, doanh nghiệp. Muốn làm được điều đó là phải làm tốt công tác tích tụ đất, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Thời gian tới, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ người dân trong công tác xác nhận, chuyển đổi, cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cần xây dựng một hành lang pháp lý, có những quy định cụ thể về việc này để tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN