Quỳ Hợp phấn đấu tiên phong sản xuất Cam Vinh chất lượng cao
(Baonghean) - Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về việc xây dựng vùng cam chất lượng cao, nâng tầm giá trị Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh.
P.V: Quỳ Hợp là vùng cam lớn nhất trong Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh. Cam Quỳ Hợp từ nhiều năm nay đã cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, ngoài lớn về số lượng, thì đảm bảo về mặt chất lượng. Xác định đây là mũi nhọn kinh tế hàng đầu, huyện Quỳ Hợp đã ban hành nghị quyết và đề án để phát triển cây cam, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn?
Đồng chí Nguyễn Đình Tùng: Từ lâu, huyện Quỳ Hợp đã trăn trở tìm hướng đưa cây cam trở thành loại cây phát triển kinh tế hàng đầu. Căn cứ tình hình thực tế, nhất là sau khi nghiên cứu dự thảo Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” do UBND huyện thực hiện, vào tháng 4/2016.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thống nhất cao, quyết định ban hành Nghị quyết số 09 đã cụ thể hóa những ưu điểm, tồn tại; nguyên nhân khách quan, chủ quan; các mục tiêu, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp sản xuất theo hướng hàng hóa; bên cạnh đó, chỉ đạo rõ công tác tổ chức thực hiện. Căn cứ các nội dung Nghị Quyết số 09, UBND huyện sau đó đã phê duyệt đề án, thành lập ban chỉ đạo, nhiệm vụ của các thành viên, kế hoạch thực hiện để nhanh chóng triển khai…
Vườn cam trên đất Minh Hợp của Giám đốc HTX Tấn Thanh, ông Dương Minh Tấn. |
P.V: Vậy thưa đồng chí, việc phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp sản xuất theo hướng hàng hóa được hiểu như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đình Tùng: Từ lâu, Quỳ Hợp đã là thủ phủ của Cam Vinh. Trước đây, cam Quỳ Hợp chủ yếu tập trung ở xã Minh Hợp. Sau tỉnh xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, giá trị thu được từ cây cam tăng cao, nên người dân ở các xã lân cận đã quan tâm, chuyển đổi các cây trồng khác sang cây cam. Bây giờ, cây cam đã có mặt tại các xã Nghĩa Xuân, Văn Lợi, Hạ Sơn… Thời điểm năm 2011, diện tích cây cam ở Quỳ Hợp chỉ hơn 1.100 ha, nay đã lên đến trên 2.500 ha. Diện tích cây cam tăng trưởng “nóng”, bên cạnh đó, việc sử dụng giống, quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân chưa có sự đồng nhất. Đây là điều đáng lo vì dễ dẫn đến tình trạng phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng năng suất chất lượng, gây hậu quả cho chính người dân.
Vì vậy, Quỳ Hợp xác định tại nghị quyết, đề án xác định cần phải tập trung cho các công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, không để tình trạng tự phát trồng cam tràn lan ở những vùng có thể không phù hợp với cây cam. Quản lý về giống, để đảm bảo có sự đồng nhất về chất lượng, hình thức mẫu mã sản phẩm cam quả. Tăng cường các công tác kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để người trồng cam áp dụng vào sản xuất. Qua đó, tránh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người sản xuất, tiêu dùng.
Quan tâm vấn đề sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm cam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, đặc biệt quan tâm tới vấn đề thị trường tiêu thụ và quản lý thương hiệu. Có thể hiểu, phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp sản xuất theo hướng hàng hóa là phấn đấu đến một thời điểm nhất định, cơ bản cam Quỳ Hợp sẽ có sự đồng nhất về mẫu mã, đảm bảo chất lượng cao về mọi mặt, vừa thơm ngon, vừa đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn. Hay nói tóm lại, Quỳ Hợp sẽ tiên phong sản xuất Cam Vinh chất lượng cao…
P.V: Việc triển khai nghị quyết, đề án của huyện Quỳ Hợp qua thời gian hơn 7 tháng đã thu được kết quả gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đình Tùng: Ngoài thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp huyện, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương trong vùng quy hoạch thực hiện đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp xã. Chỉ đạo Phòng VHTT phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng Fanpage với tên gọi “Cam Quỳ Hợp” để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Giao Đài PTTH huyện tập trung tuyên truyền và kết nối với các cơ quan truyền thông giới thiệu các nội dung của Nghị quyết, Đề án phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp.
Ban Chỉ đạo làm việc với 2 công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, TNHH MTV Nông công nghiệp 3-2 để triển khai kế hoạch nâng cấp 2 cơ sở sản xuất giống cây ăn quả làm nơi cung ứng giống cam đảm bảo chất lượng cho người dân trồng cam trong vùng quy hoạch. Thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch trồng mới 200 ha cam đề ra trong năm 2016. Triển khai được 10 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây cam tại các xã Châu Đình, Hạ Sơn, Văn Lợi, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thọ Hợp, Đồng Hợp với hơn 700 nông dân trồng cam tham gia, và triển khai xây dựng 1 mô hình “Sản xuất cam theo VietGAP” tại xã Minh Hợp với quy mô 0,7 ha.
Vườn cam chất lượng cao của Công ty TNHH Công nghệ cao Phủ Quỳ đã cho ra quả bói. |
Quỳ Hợp nhận thấy cần sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất cam công nghệ cao để làm mô hình mẫu. Sau khi xác định Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Phủ Quỳ sẽ là doanh nghiệp đầu tàu, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho phép thu hồi 20 ha đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành quản lý để giao lại cho doanh nghiệp này thuê lâu dài. Hiện nay, đã chỉ đạo thực hiện xong quy trình bàn giao đất đai cho Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Phủ Quỳ và doanh nghiệp này đã chuyển đổi, trồng được 8 ha cam.
Để có thêm nguồn lực thực hiện đề án, Quỳ Hợp đã tham mưu cho UBND tỉnh làm tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư kinh phí thực hiện dự án bảo quản cam. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã vào làm việc về nội dung này…
P.V: Trong quá trình thực hiện nghị quyết, đề án về cây cam, Quỳ Hợp gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đình Tùng: Có rất nhiều việc chúng tôi đang triển khai thực hiện như hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cam an toàn đối với 150 ha cam tại xã Minh Hợp, đề nghị cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cho 10 ha của HTX kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hợp (Nghĩa Xuân). Phối hợp với Viện Cơ điện NN&CN triển khai mô hình phun chế phẩm Retain bảo quản quả cam trên cây với quy mô 2 ha tại xóm Minh Hồ (Minh Hợp).
Tổ chức Hội nghị gặp mặt các tư thương, hộ kinh doanh buôn bán cam Quỳ Hợp tại Vinh, Hà Nội và các địa phương khác để bàn về giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Triển khai kế hoạch xây dựng, nâng cấp, phát triển một số điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm cam Quỳ Hợp tại Hà Nội, Vinh và một số địa phương khác. Thời gian hoàn thành trước 30/12/2016. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, Công ty TNHH MTV Nông công nghiệp 3-2, Trạm Trồng trọt và BVTV, các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng quy trình sản xuất cam theo VietGAP để ra quyết định ban hành áp dụng trên địa bàn huyện. Hoàn tất hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận nhãn hiệu Cam Quỳ Hợp nằm trong thương hiệu Cam Vinh…
Để thực hiện những công việc này, đương nhiên có những khó khăn, cần không ít thời gian, kinh phí. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có được sự ủng hộ của tỉnh và các sở, ngành có liên quan. Ví như việc đăng ký cấp chứng nhận nhãn hiệu Cam Quỳ Hợp, là niềm mong của người trồng cam Quỳ Hợp, nếu có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, của Sở Khoa học và Công nghệ thì sẽ nhanh chóng hoàn thành…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nhóm P.V (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|