Đàm Vĩnh Hưng: 'Tôi hơn người vì biết mình hát dở chỗ nào'

12/12/2016 10:12

Nam ca sĩ chia sẻ về hành trình từ một anh thợ cắt tóc đến "ông hoàng nhạc Việt" và cách xây dựng thương hiệu Mr. Đàm.

Đàm Vĩnh Hưng là diễn giả tại Hội nghị truyền thông FPT chủ đề Xây dựng thương hiệu và nhân hiệu, chiều 10/12 ở Hà Nội. Nam ca sĩ chia sẻ, để gây dựng được tên tuổi như hôm nay, anh không có một êkíp truyền thông chuyên nghiệp, hoành tráng như nhiều người tưởng. Mọi ý tưởng đều do anh tự nghĩ ra và chuyển cho cộng sự.

Nghệ danh Mr. Đàm cũng do anh tự xưng vì thích cái tên gợi sự nam tính, lịch lãm của một quý ông. Tuy nhiên, nam ca sĩ không thích nhận danh hiệu "ông hoàng nhạc Việt" - mỹ từ do truyền thông đặt cho anh.

Đàm Vĩnh Hưng trong Hội nghị Truyền thông FPT.
Đàm Vĩnh Hưng trong Hội nghị Truyền thông FPT.

Đàm Vĩnh Hưng tâm sự một trong những bí quyết giúp anh thành công là hiểu rõ được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, để từ đó không bị ảo tưởng vì bất cứ điều gì và luôn nỗ lực vươn lên.

Hơn 20 năm trước, gia đình nam ca sĩ gặp biến cố về kinh tế, anh buộc phải chọn nghề cắt tóc để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, đam mê ca hát luôn thôi thúc anh bước lên sân khấu. Để thực hiện ước mơ ấy, Mr. Đàm đã phải đánh đổi rất nhiều.

Lúc mới khởi nghiệp, cứ 17h mỗi ngày, anh đóng cửa tiệm tóc và phóng xe lên một sân khấu ở quận Thủ Đức, TP HCM. Ở đó, Đàm Vĩnh Hưng chờ cơ hội nếu có một ca sĩ nào đó gặp sự cố, như đau bụng hoặc kẹt xe, anh có thể được lấp vào chỗ trống.

Theo Mr. Đàm, vốn liếng của anh lúc đó chỉ có đam mê và “cái tai biết nghe”. Đàm Vĩnh Hưng lý giải: "Trong nghề này, hơn thua không ở chỗ ai hát hay hơn mà ở việc biết mình hát dở chỗ nào, biết mình là ai để có thể sửa chữa và tiến bộ”.

Ngày đó, anh thường lân la chơi với những ca sĩ. Đang thời các giọng ca Hà Nội rất được ưa chuộng ở Sài Gòn, Đàm Vĩnh Hưng tính toán rằng anh phải nói giọng Bắc cho hợp mốt. Anh nhờ ca sĩ Vũ Hà giới thiệu với một bà chủ quán bar rằng anh là "cậu em ở Bắc vào".

Sau khi Đàm Vĩnh Hưng hát thử, bà chủ tuyên bố: "Hà ơi, ngày mai mày nghỉ để cho em mày hát”. Đàm Vĩnh Hưng kết luận, trong sự nghiệp, đôi lúc phải làm mọi cách để tiếp cận ước mơ của mình.

Đàm Vĩnh Hưng cùng khán giả trẻ thời anh mới đi hát.
Đàm Vĩnh Hưng cùng khán giả trẻ thời anh mới đi hát.

Thời mới vào nghề, nam ca sĩ rất thần tượng Thanh Lam. Anh thể hiện lại những bài hát diva nhạc Việt từng biểu diễn, bắt chước sở thích và phong cách của đàn chị, đến nỗi “cả Sài Gòn gọi Hưng là Thanh Lam”. Thời kỳ ấy kéo dài trong khoảng hai năm, từ 1998 đến 2000.

Một ngày, Đàm Vĩnh Hưng rất thích ca khúc Caravan của Kitaro. Anh nhờ người dịch lời để biểu diễn. Lúc đó, anh lo lắng bởi Thanh Lam chưa từng hát bài này. Tình thế ấy buộc Đàm Vĩnh Hưng phải trình diễn theo khả năng riêng. Nhờ vậy, Mr. Đàm bộc lộ dấu ấn cá nhân.

Từ lúc đó, anh càng ý thức được việc phải là chính mình, bởi nếu chỉ là bản sao của người khác thì không thể nào đi đường dài trong nghề.

Muốn xây dựng hình ảnh không thể lẫn với ai, Mr. Đàm từng trùm chăn gào thét để giọng khàn và rung hơn. Giữa thời tiết Sài Gòn nóng bức, nam ca sĩ vẫn choàng khăn, mặc áo ba-đờ-xuy để trở nên khác biệt.

Anh hài hước chia sẻ lúc đó anh nhận đủ tiếng xấu và bị coi là "thảm họa thời trang". Nhưng hiện tại, anh lại được xem là người có gu ăn mặc sành điệu.

“Ai để tóc high-light sẽ bị nói giống Đàm Vĩnh Hưng, ai choàng khăn bất chấp thời tiết sẽ bị nói học theo Đàm Vĩnh Hưng. Đó là cách tôi buộc mọi người phải chấp nhận cá tính của mình”, nam ca sĩ tự hào.

Không chỉ về ngoại hình, nam ca sĩ cũng thoải mái bộc lộ cá tính dữ dội. Anh không bao giờ để bị ai bắt nạt bởi nếu anh để bị chèn ép một lần, nhiều khả năng sẽ bị chèn ép mãi.

Đàm Vĩnh Hưng kết luận, truyền thông và xây dựng hình ảnh thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ chiếm 60%, phần còn lại nằm ở nhân phẩm, cách sống và đối xử với mọi người.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN