Thu nhập trên 2.000 đô la/tháng của nhiều 'sếp' tập đoàn

07/12/2016 06:39

Những năm gần đây, mức lương thưởng của người lao động khối Nhà nước luôn cao hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, với khối lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mức lương thưởng được xác định theo quy định chung và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có quy mô tài sản lớn, quản lý hàng trăm nghìn lao động, nhưng thu nhập gồm lương, thưởng của bộ máy lãnh đạo chỉ tương đương trên dưới 2.000 USD/tháng.

Dàn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có thu nhập bình quân khoảng 41 - 52 triệu đồng/tháng, tức dao động quanh mức 2.000 USD. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV là ông Lê Minh Chuẩn có thu nhập 626 triệu đồng/năm, tương ứng 52,2 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo Tập đoàn Than - khoáng sản được xếp vào tốp cao, trên 2.000 đô la/tháng. Hình Internet
Lãnh đạo Tập đoàn Than - khoáng sản được xếp vào tốp cao, trên 2.000 đô la/tháng. Hình Internet


Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải có thu nhập bình quân 50,7 triệu đồng/tháng. Bốn thành viên Hội đồng Thành viên là ông Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Mật, Vũ Thanh Lâm, Nguyễn Chiến Thắng đều có thu nhập bình quân 46,4 triệu đồng/tháng. Con số này với các vị trí phó tổng giám đốc và kiểm soát viên là 41 - 48 triệu đồng.

Trong khi đó, tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các lãnh đạo chủ chốt như Tổng giám đốc Đặng Hoàng An, các phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Cường Lâm đều có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng cũng có thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm, trong khi Tổng giám đốc Phạm Đức Long là 575 triệu đồng.

Năm 2015, VNPT chi khoảng 8.387 tỷ đồng trả lương cho người lao động. Trong đó, quỹ lương của 14 lãnh đạo là 6,4 tỷ đồng, trung bình khoảng 460 triệu đồng/người/năm.

Nhiều ý kiến từ VNPT cho đây là mức thu nhập khá thấp so với quy mô và hiệu quả hoạt động của tập đoàn, dẫn đến kém sức cạnh tranh về nhân sự so với các đối thủ cùng ngành. Vì vậy, VNPT từng kiến nghị Nhà nước sửa đổi quy định để tăng lương, thưởng cho giới chức quản lý.

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) - doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, con số chính thức về thu nhập từ lương, thưởng của các vị lãnh đạo cao nhất không chênh lệch nhiều so với mặt bằng chung. Trong một báo cáo về lương, thưởng hiếm hoi được Petro Vietnam công bố, năm 2014, thu nhập bình quân của 17 lãnh đạo cấp cao tập đoàn chỉ đạt bình quân 624 triệu đồng/năm, tương ứng 52 triệu đồng/tháng.

Tại một số tổng công ty Nhà nước lớn khác, thu nhập của các “sếp lớn” cũng không vượt qua ngưỡng 2.000 USD/tháng.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), thu nhập bình quân 12 lãnh đạo cấp cao là 44,1 triệu đồng/tháng. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chi trả lương bình quân năm 2015 cho lãnh đạo ở mức 47,6 triệu đồng/tháng.

Tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), trong năm 2015, thu nhập bình quân của viên chức quản lý là 29,64 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 10 lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền bắc (Vinafood 1) có thu nhập khoảng 40,7 triệu đồng/tháng.

8 lãnh đạo của Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có thu nhập bình quân năm 2015 là 30,35 triệu đồng/tháng, và năm 2016 dự kiến giảm xuống 23,25 triệu đồng/tháng.

Ở bức tranh toàn cảnh hơn, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương bình quân của khối doanh nghiệp Nhà nước dẫn đầu trong năm 2015, với khoảng 7,04 triệu đồng một tháng, khối doanh nghiệp FDI chỉ là 5,47 triệu đồng, tư nhân là 4,99 triệu đồng.

Theo Kiều Châu/vneconomy

TIN LIÊN QUAN