Người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

23/12/2016 09:17

Câu chuyện về nâng tuổi nghỉ hưu ít ngày qua lại “nóng” trở lại với việc Bộ LĐ- TB&XH trình Chính phủ 2 đề xuất, một là giữ nguyên tuổi về hưu như hiện nay, hai là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Thực tế, câu chuyện này đang được dư luận hết sức quan tâm bởi nó ảnh hưởng đến hàng chục triệu lao động. Tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Đa số lao động không đồng tình

Có tới gần 70% người lao động muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu, nữ 55, nam 60, số còn lại muốn giảm tuổi nghỉ hưu xuống so với hiện hành. Đây là kết quả khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn vừa thực hiện với hơn 4.000 lao động trong các khu công nghiệp.

Theo PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, thì việc đa số người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là điều rất dễ hiểu. Những công nhân làm việc trong điều kiện sản xuất khắc nghiệt như da giày, hóa chất, làm đường... không những muốn nghỉ đúng tuổi như hiện tại mà còn muốn nghỉ sớm hơn, thậm chí có trường hợp phụ nữ 48-49 tuổi, nam 50-52 tuổi đã muốn nghỉ vì họ phải làm việc trong môi trường quá vất vả, sức khỏe bị ảnh hưởng nên muốn nghỉ ngơi sớm.

“Thực tế tại các khu công nghiệp, đa số người lao động trực tiếp (80-90%) thì nữ đến 50 tuổi, nam đến 55 tuổi là đối tượng bị xem là kém năng suất lao động và luôn bị chủ doanh nghiệp kiếm chuyện đuổi vì năng suất giảm, đồng thời trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, nên việc kéo dài tuổi lao động đối với họ là việc làm không tưởng”, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho hay.

Đa số công nhân lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, đối với nhóm lao động trực tiếp không nên đặt ra việc nâng tuổi nghỉ hưu. Còn với nhóm lao động gián tiếp, khi đã đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan, doanh nghiệp có thể trưng cầu ý kiến của họ, nếu bản thân người lao động muốn làm thêm, hoặc doanh nghiệp có nhu cầu có thể tiếp tục sử dụng, song nếu người lao động muốn được nghỉ ngơi, doanh nghiệp, cơ quan phải tôn trọng ý muốn của người lao động.

Không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, ngay tại Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) sáng 21-12, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trình bày tờ trình về việc một số vấn đề về Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật Lao động.

Tờ trình đã đưa ra một số nội dung tham gia của công đoàn về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Đối với vấn đề tuổi nghỉ hưu, tờ trình đưa ra quan điểm không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động khu vực trực tiếp sản xuất, dịch vụ.

Đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ và đảm bảo ổn định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Liệu đã phù hợp?

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996, 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu. Năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng thì có một người hưởng lương hưu…

Đây đều là những nguyên nhân khiến cho quỹ hưu trí mất cân đối. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Do đó, tăng tuổi nghỉ hưu được cho là một trong những phương án để cân bằng quỹ BHXH.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH thì việc tăng tuổi nghỉ hưu nếu được thông qua cũng sẽ thực hiện theo lộ trình. Đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, và thực hiện theo lộ trình, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Lao động khoa học lao động xã hội, thì đây là phương án khoa học, việc điều chỉnh từ từ như vậy sẽ không gây xáo trộn cho các đơn vị.

Về phía cơ quan bảo hiểm, sẽ không có xáo trộn nhiều bởi hồ sơ cũng đã được thực hiện bằng máy móc, áp dụng công nghệ thông tin, không khó xử lý. Tuy nhiên, đề cập đến việc, tăng tuổi nghỉ hưu là để cân bằng quỹ BHXH, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn lại cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tách ra khỏi Quỹ bảo hiểm. Không thể vì vấn đề quản lý quỹ bảo hiểm xã hội mà bắt buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu của 60 triệu người lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, và cũng liên quan tới quyền lợi của người lao động nên việc tham khảo ý kiến bản thân những người trực tiếp lao động sản xuất là cần thiết để có cách đánh giá, nhìn nhận khách quan, đa chiều.

“Việc này không thể thực hiện ngay ở thời điểm hiện tại mà cần có lộ trình hàng chục năm, khi số lượng lao động trẻ chờ đợi việc làm, thất nghiệp không quá cao như ở thời điểm hiện tại. Do nâng tuổi nghỉ hưu là một vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội lớn, ảnh hưởng đến nhiều người do vậy không thể nóng vội mà cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu khoa học căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam”, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho biết.

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), đơn vị được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động 2012 thì việc tăng tuổi hưu để cân bằng Quỹ BHXH là cách hiểu chưa đầy đủ, chưa toàn diện, không phải là nguyên nhân cơ bản.

Ông Bốn cho rằng, người lao động đóng thêm vài năm cũng không thể cứu được Quỹ Bảo hiểm xã hội mà chỉ góp phần nhỏ để đảm bảo tốt hơn khả năng cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Vấn đề mất cân đối đầu vào- đầu ra của quỹ bảo hiểm hiện nay là do mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng, mức độ đóng và hưởng cao trong thời gian kéo dài và do cơ chế quản lý …

Theo CAND

TIN LIÊN QUAN