Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu qua cảng Cửa Lò

20/12/2016 11:16

(Baonghean.vn) - Sáng 20/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa, UBND tỉnh có buổi làm việc để nghe và cho ý kiến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển hàng qua cảng Cửa Lò.

Cùng dự có đại diện các sở ngành liên quan, Cảng Nghệ Tĩnh, các doanh nghiệp xuất hàng qua cảng Cửa Lò.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, 11 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 130 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hoá với kim ngạch đạt hơn 491 triệu USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu hàng hoá bằng đường biển với khoảng 100 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 77%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa khẳng định để cảng Cửa Lò hoạt động hiệu quả hơn cần sự nỗ lực hợp tác của nhiều bên liên quan.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất hàng qua cảng Cửa Lò chưa nhiều, hàng năm chỉ có trên dưới 20 doanh nghiệp. Lượng hàng được xuất qua cảng còn khiêm tốn so với tổng lượng hàng xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu là mặt hàng đá, gỗ dăm, và một ít than.

Đá trắng là mặt hàng có kim ngạch chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá của tỉnh nhưng trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu đá của Nghệ An đã chuyển hàng ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) để xuất khẩu (Công ty Kiều Phát, Hoàng Anh).

Giám đốc Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh
Ông Lê Doãn Long - Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh cho biết hiện nay thực trạng hàng đi không có hàng về dẫn đến chi phí tăng cao.

“Theo tính toán, tổng chi phí bốc xếp, kho bãi… tại Cảng Cửa Lò hiện cao hơn so với xuất hàng qua cảng Nghi Sơn khoảng 8.000 đồng/tấn. Việc doanh nghiệp xuất hàng qua cảng Nghi Sơn, ngân sách tỉnh sẽ bị giảm nguồn thu thuế từ xuất khẩu đá trắng 15% và thuế VAT dịch vụ vận tải qua Cảng” - bà Võ Thị An - Phó GĐ Sở Công thương cho biết.

Đối với xuất khẩu hàng container gồm dệt may, bột đá, bột cá, hàng nông sản (xuất khẩu các mặt hàng này chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) nhưng xuất khẩu hàng container qua cảng Cửa Lò còn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp đều vận chuyển hàng bằng đường bộ rồi xuất hàng qua cảng Hải Phòng.

Đại diện công ty giấy cho rằng đặc thù công suất tàu nhỏ, thời gian dài nên phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Tokey Chen -Tổng giám đốc công ty TNHH liên doanh NLG Nghệ An PP cho rằng công suất tàu nhỏ, thời gian bốc dỡ kéo dài nên phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Trao đổi tại cuộc họp, Tổng Giám đốc cảng Nghệ Tĩnh Lê Doãn Long cho rằng, nguyên nhân là do cảng Cửa Lò đóng gần khu vực dân cư nên thời gian làm việc bị hạn chế (từ 22h đến 5h sáng không làm việc để tránh ồn ào ảnh hưởng đến người dân). Cảng Cửa Lò chưa có tàu quốc tế vào nên việc vận chuyển hàng trung chuyển quốc tế ra Hải Phòng còn phải qua nhiều khâu trung chuyển, nâng hạ, thiếu chủ động về vỏ container, lượng hàng xuất khẩu nhỏ, manh mún lại đi nhiều hàng tàu khác nhau nên việc đóng hàng, xếp hàng, trung chuyển tại cảng Hải Phòng còn chưa thuận lợi cho cả doanh nghiệp và hàng tàu…

Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hiệp - Giám đốc công ty TNHH tiếp vận Hà Đức cho rằng năng lực bốc xếp của Cảng Cửa Lò thấp, trang thiết bị thiếu nên thời gian bốc dỡ hàng thường kéo dài, nếu hàng về nhiều sẽ khó đảm đương được. “Lượng hàng của Nghệ An không ít, nhưng không tập trung, hàng qua cảng Cửa Lò mất nhiều thời gian, nên doanh nghiệp vẫn phải lựa chọn xuất hàng qua cảng Hải Phòng .” - đại diện công ty tiếp vận Hà Đức nhấn mạnh.

Hoạt động xuất hàng qua cảng Cửa Lò.
Hoạt động xuất hàng qua cảng Cửa Lò.

Sau ý kiến của lãnh đạo các sở ngành, các doanh nghiệp, phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh, để cảng Cửa Lò đi vào hoạt động chuyên nghiệp và có hiệu quả, đón đầu nhu cầu xuất khẩu hàng hoá ngày càng lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cần sự nỗ lực hợp tác của nhiều bên liên quan. Đề nghị các sở ngành liên quan, Thị xã Cửa Lò hoàn thành bến cá, chuyển toàn bộ tàu cá đang neo đậu trong cảng ra khu vực mới để đảm bảo thuận lợi cho việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh trật tự trên bến.

Cảng Nghệ Tĩnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ, cải cách đội ngũ cán bộ làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Về phía tỉnh sẽ đồng hành cùng Cảng, doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Hiện nay hàng xuất khẩu qua cảng chỉ chiếm 25%, phấn đấu đến quý 2/2017 hàng xuất khẩu qua cảng tăng lên 50%.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN