Doanh nghiệp Nghệ An đầu tư 200 triệu USD tại Lào
(Baonghean) - Hơn 90 doanh nghiệp Nghệ An đang triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Lào với tổng vốn 200 triệu USD là con số ấn tượng, minh chứng cho vai trò của kinh tế là cầu nối thiết thực để thúc đẩy quan hệ ngoại giao với đất nước triệu voi ngày càng gắn bó hơn.
Kết quả hợp tác ngày càng khả quan
Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 90 doanh nghiệp Nghệ An trực tiếp đầu tư, kinh doanh vào thị trường Lào, với các lĩnh vực đầu tư và kinh doanh: Khai thác khoáng sản, thủy điện, chế biến và kinh doanh gỗ, sản xuất rượu, sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, trồng và khai thác rừng, du lịch lữ hành, kinh doanh xe tải nhỏ, kinh doanh nông thủy sản, hàng tiêu dùng, thông tin và truyền thông...
Trong số những doanh nghiệp điển hình đang triển khai đầu tư, hoạt động tại Lào, có những doanh nghiệp nổi bật như: Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Thiên Phú, Tổng Công ty cổ phần phát triển Việt - Lào, Công ty Đầu tư hợp tác kinh tế Việt - Lào, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP Du lịch Nghệ An, Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4...
Giao thương tấp nập tại phiên chợ biên giới Việt - Lào dịp cận Tết. Ảnh: Hồ Phương |
Không những đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, tổng vốn 200 triệu USD mà doanh nghiệp Nghệ An đã và đang “rót” vào môi trường đầu tư ở nước bạn là đáng ghi nhận.
Có những doanh nghiệp cùng một lúc triển khai nhiều dự án, với tổng vốn hàng triệu USD, dàn đều nhiều lĩnh vực và đều đang phát huy hiệu quả khá tích cực. Chẳng hạn, Công ty CP Đức Giang hiện có 4 dự án tại KCN huyện Pek của nước bạn, gồm Dự án trang trại nuôi lợn diện tích 10 ha, tổng vốn đầu tư 1 triệu USD, Dự án khuyến khích nông dân trồng lạc theo mô hình 2+3 diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư 100.000 USD, Dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc diện tích 5 ha tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất miến dong diện tích 500 m2 tổng vốn đầu tư 500.000 USD...
Công ty CP Thương mại Dịch vụ 79 với 1 dự án chế biến gỗ tận dụng thành sản phẩm gỗ xuất khẩu diện tích 5 ha, tổng vốn đầu tư 1 triệu USD tại bản Na Mun, huyện Phả Xay cũng đang là điển hình cho một hướng đầu tư sản xuất, kinh doanh mới tại đất nước triệu voi.
Nhận xét về thông tin này tại cuộc làm việc với UBND tỉnh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định “Đặc biệt ấn tượng và đánh giá cao hoạt động đầu tư của Nghệ An sang Lào. Số lượng doanh nghiệp và tổng vốn đầu tư tại Lào của Nghệ An lớn nhất trong các địa phương hiện nay đang có quan hệ với Lào, với một mô hình hợp tác rất hiệu quả”.
Nhờ sự tích cực từ hai phía, các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa được tăng cường, giao lưu làm ăn giữa các doanh nghiệp hai bên biên giới có nhiều khởi sắc. Nhìn lại giai đoạn 2010 -2016, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Lào của Nghệ An ước đạt 33,7 triệu USD, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là xăng dầu, vật liệu xây dựng...
Kim ngạch nhập khẩu từ Lào ước đạt 56,62 triệu USD, các mặt hàng chủ yếu là ô tô, nhựa thông, sắn lát, gỗ, ngô hạt, thạch cao... Cùng đó, Trung tâm thương mại Nậm Cắn đã bàn giao đưa vào sử dụng, thu hút số lượng đông đảo thương nhân của 2 tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng vào hoạt động kinh doanh.
Tỉnh Nghệ An cũng đang xây dựng Dự án lắp đặt hệ thống liên hợp và sửa chữa nâng cấp một số hạng mục hạ tầng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng, mở rộng và nâng cấp dự án chợ biên giới tại bản Đin Năm, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng với diện tích 1 ha...
Tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa sự phát triển hợp tác kinh tế giữa quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh với các địa phương của nước bạn Lào trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, góp phần tô thắm sợi dây hữu nghị đặc biệt được xây dựng và vun đắp suốt nhiều thập kỷ qua.
Tiếp tục tạo môi trường thông thoáng
Dù đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nghệ An tại Lào đã gặt hái không ít kết quả khả quan, song hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư sang các tỉnh của Lào còn gặp rất nhiều khó khăn mà công tác theo dõi, nắm bắt tình hình còn hạn chế.
Một số doanh nghiệp không tuân thủ đúng văn bản thỏa thuận đã ký kết với phía bạn, hoặc triển khai chậm trễ ít nhiều gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An.
Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có chế tài phù hợp để các doanh nghiệp của tỉnh có các hoạt động đầu tư sang Lào thường xuyên báo cáo tình hình đầu tư hợp tác về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo, tham mưu xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp khi cần thiết.
Ngô Lào được nhập khẩu về Nghệ An qua cửa khẩu phụ, lối mở. Ảnh tư liệu |
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa trong cuộc hội đàm với đoàn công tác của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Lào đã mạnh dạn đề xuất quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng tại Lào, thông qua kiến nghị, đề xuất của Đại sứ với Chính phủ Lào về chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp, đưa đối ngoại kinh tế của Nghệ An ngày càng đi vào chiều sâu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa nêu bật: “Nghệ An mong Đại sứ sớm làm việc với Chính phủ Lào, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường qua cửa khẩu Pạc-xan đi cửa khẩu Thanh Thủy để khai thông cửa khẩu hai nước, tạo điều kiện phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt là mối quan hệ Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung với nước bạn”.
Phải khẳng định rằng, với tiền đề là những thành tựu đối ngoại nổi bật năm 2016, cùng sự quan tâm sát sao, kịp thời của các cấp lãnh đạo, trong năm nay, Nghệ An có nhiều triển vọng tăng cường hơn nữa hợp tác với các tỉnh của Lào.
Trong thời gian tới, Nghệ An hoàn toàn có thể kỳ vọng được chứng kiến hoạt động giao thương ngày một sôi nổi, cả số lượng lẫn chất lượng các hội chợ đều được quan tâm điều chỉnh theo hướng tích cực để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trên đất bạn.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|