Chữ 'nhẫn' dành cho bóng đá Việt Nam
(Baonghean) - 25 năm đã trôi qua, kể từ trận đấu chính thức đầu tiên vào năm 1991, bóng đá Việt vẫn lạc lõng giữa dòng chuyển dịch không ngừng nghỉ của bóng đá khu vực và thế giới. Chức vô địch AFF Cup 2008, những tấm huy chương vàng của bóng đá nữ, những kỳ tích của các tuyển trẻ không đủ xóa đi bao “vết thương”.
Sau mỗi thất bại, những câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe là bóng đá Việt Nam “xây nhà từ nóc”, “gặt lúa trời”… để phản ánh về công tác đào tạo trẻ chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Thành công của các đội tuyển U16, U19 vừa qua đã minh chứng rằng, khâu đào tạo trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng nền móng, hướng đến sự phát triển bền vững. Nhưng cần biết rõ, đó là thực trạng chung của bóng đá “vùng trũng” Đông Nam Á. Khi chúng ta bắt đầu chú tâm đào tạo trẻ thì các nước trong khu vực cũng làm điều đó trước hoặc sau không quá lâu.
Có người lại nói, do chất lượng cầu thủ từ các giải đấu trong nước không cao. Tuy nhiên, lý do đó cũng chưa thuyết phục vì thành tích tệ hại của ĐT Anh là không tương đồng với giải Ngoại hạng Anh chất lượng, hấp dẫn nhất hành tinh. Rõ ràng, V-League hay giải Hạng nhất dù “non” nhưng bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng. Chẳng phải, mỗi khi đối đầu với các đội bóng trong khu vực, ngoại trừ Thái Lan, chúng ta cũng luôn giành được thế chủ động, lấn át thế trận, dồn ép đối phương hay sao?
Cái ĐTQG hay U23 thiếu nằm ở chữ “nhẫn”. Thiếu đi điều đó là thiếu đi bản lĩnh và sự tỉnh táo, thiếu cảnh giác, sự nôn nóng dẫn đến sơ hở trong phòng ngự và kém hiệu quả trong hàng công. Kết quả là chúng ta phải nhận những thất bại đầy cay đắng vì đối thủ biết “nhẫn” hơn. Thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2016 chính là bằng chứng rõ mới nhất cho điều đó. “Nhẫn” như cách ĐT nữ đã chịu đựng sự xa cách trong suốt cuộc hành trình của mình, “nhẫn” như cách ĐT Futsal vượt qua những hoài nghi, như cách U16, U19 vượt qua sự chê bai, thờ ơ... Và đổi lại, là những chiến thắng vỡ òa!
Bóng đá Việt sẽ còn “đau” nhiều nếu không biết “nhẫn”. |
Nhiều người lại tìm cách đổ lỗi cho VFF vì chọn nhầm chủ nhân chiếc “ghế nóng” bằng một HLV trưởng bảo thủ hoặc sai lầm chiến thuật… Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đúng. Nên biết rằng, trước khi trở thành huyền thoại, cựu HLV của MU là Alex Ferguson đã có 4 năm trời không đạt được một danh hiệu nào và suýt bị sa thải. Để rồi, khi ông về ở ẩn, người ta chợt hiểu rằng nếu ban lãnh đạo Man Utd ngày ấy không kiên nhẫn thì chắc chắn “Quỷ đỏ” đã không thể thâu tóm nhiều danh hiệu đến vậy. Rõ ràng, để tạo nên thành công, các chiến lược gia cần thời gian xây dựng nền tảng cho đội bóng về nhân sự cũng như chiến thuật.
Bóng đá nước nhà đã chẳng thể có một năm viên mãn khi ĐTQG sớm rời khỏi AFF Cup 2016 bằng những giọt nước mắt tiếc nuối, đau đớn. Trong nỗi đau chưa nguôi ấy, chúng ta lại bắt đầu hướng đến giấc mơ tại SEA Games theo kiểu “thua keo này, ta bày keo khác”. Thậm chí, tấm HCV bóng đá nam sẽ có ý nghĩa giải cứu cả một nền bóng đá sau mỗi lần ĐTQG thất bại ở đấu trường AFF Cup. Nhưng muốn thành công thì ĐT U23 phải giải quyết được vấn đề “nhẫn”.
Nhẫn nhục vì những thất bại, chỉ trích để biết khổ rèn và biết kiên nhẫn chờ đợi thời cơ trong từng trận đấu. Đó là sức mạnh nội tại, phẩm cách tự tin, là phương thức, sách lược để đội tuyển thành công và chiến thắng. Thầy trò HLV Hữu Thắng cần “nhẫn” để tự tin chơi bóng như cách các cầu thủ Thái Lan đang làm, để không còn nóng vội, chủ quan, sai lầm như kỳ AFF Cup vừa qua.
Ngay cả người hâm mộ cũng cần phải “nhẫn”. Thay vì lặp đi lặp lại “thói xấu” đổ vấy, dồn ép, kể cả kỳ vọng quá lớn khiến các cầu thủ và HLV gặp áp lực, hãy điềm tĩnh, kiên nhẫn chờ đợi. Bởi, “tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu”, nghĩa là, đối với chuyện nhỏ, việc nhỏ mà không biết kiên nhẫn thì sẽ làm hỏng việc lớn. Có làm được như vậy thì giấc mơ vàng mới thành hiện thực tại kỳ SEA Games 2017 sắp tới.
Kim Thủy
TIN LIÊN QUAN |
---|