Tân Kỳ: 60% hợp tác xã đang...thoi thóp!
(Baonghean.vn) - Với 24 HTX, Tân Kỳ là một trong những địa phương có số lượng HTX đứng top đầu trong số các huyện miền núi Nghệ An. Tuy vậy, có gần 60% các HTX hoạt động thoi thóp, cầm chừng.
HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Giai Xuân (xã Giai Xuân) vào những ngày đầu năm mới nhưng không khí rất đìu hiu. Trên các gian hàng của dãy nhà cấp 4 xập xệ mà HTX dùng làm điểm giao dịch, những bì phân bón phủ bụi nằm trong góc phòng. Từ 1.000 thành viên ở thời điểm năm 2007, đến nay, HTX chỉ còn lại vài chục thành viên hoạt động cầm chừng và kém hiệu quả.
Gian hàng của HTX Nông nghiệp - Dịch Vụ xã Giai Xuân trong cảnh đìu hiu, nhiều gian hàng không còn hoạt động. |
Chị Phan Thị Vân, kế toán của HTX và có gian hàng bán phân bón tại đây chia sẻ, thời gian tới sẽ tìm công việc khác bởi thu nhập hiện tại từ HTX chỉ 300.000 – 400.000 đồng/tháng. Đa số các xã viên còn lại hầu như không có đồng nào.
Ông Nguyễn Hữu Triển - Phó Chủ tịch UBND Giai Xuân cho hay: “Cơ cấu kinh tế của xã có hơn 80% là nông nghiệp, do vậy, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Giai Xuân được thành lập với mục đích cung ứng các dịch vụ về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho bà con. Tuy nhiên, HTX chỉ hoạt động hiệu quả trong một thời gian ngắn, đến nay, do sức cạnh tranh yếu và thiếu vốn nên hoạt động trì trệ. Ngay cả hệ thống kho chứa hàng cũng chưa có, phải đi mượn của xã”.
Một gian hàng chứa giống, phân bón của HTX phủ bụi bởi đã lâu không có người mua - bán. |
Tại xã Tân Xuân, tình trạng còn tệ hơn khi HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Tân Xuân do làm ăn không hiệu quả nên đã phải dừng hoạt động 6 năm nay. Nguyên nhân là do các xã viên nợ tiền HTX, còn HTX lại nợ các mối hàng mà không có khả năng chi trả. Trong khi đó, theo Luật HTX , nếu muốn chuyển đổi, HTX phải có đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định, hoặc muốn giải thể thì phải thu hồi được công nợ. Cả hai yếu tố trên HTX đều không thực hiện được.
Thực trạng ở xã Giai Xuân và Tân Xuân cũng là khó khăn chung của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Có thể liệt kê một số HTX Nông nghiệp yếu như: HTX nông nghiệp Tân Xuân, HTX nông nghiệp Nghĩa Dũng, HTX nông nghiệp Phú Sơn, HTX nông nghiệp Đồng Văn, HTX chăn nuôi Nghĩa Thái ... tất cả đang trong tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Huyện Tân Kỳ hiện có 24 HTX; trong đó có 20 HTX nông nghiệp – Dịch vụ, 4 HTX lâm nghiệp, chăn nuôi. Có tới 33,4% HTX là hoạt động cầm chừng; 23,8% hoạt động yếu. Có 2 HTX nông nghiệp đã giải thể trong thời gian qua. Theo Luật HTX năm 2012, tính đến ngày 30/6/2016 bắt buộc các HTX phải kiện toàn hoặc giải thể. Thế nhưng, đến nay, phần nhiều số HTX của Tân Kỳ vẫn chưa thể hoàn chỉnh được công tác này.
HTX chăn nuôi bò sữa xã Nghĩa Hợp hiện có 12 xã viên. |
Ông Nguyễn Như Kỳ - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: Nhiều HTX của địa phương ngày càng đi xuống về hiệu quả bởi phương án sản xuất, kinh doanh chưa rõ mục tiêu và gắn kết giữa sản xuất với thị trường. Số lượng thành viên, xã viên tham gia còn quá ít so với lực lượng lao động trên địa bàn, chất lượng thành viên chưa cao, đa số chưa qua lớp đào tạo nghề. HTX đang gặp nhiều khó khăn về vốn, trong khi nhiều xã viên nợ đọng kéo dài.
Cũng theo ông Nguyễn Như Kỳ, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, huyện sẽ rà soát lại toàn bộ HTX trên địa bàn. Từng bước giải thể các đơn vị yếu kém. Ngoài ra, tổ chức đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nhằm xây dựng các mô hình kinh tế có lợi nhuận, từ đó tạo đòn bẩy cho việc phát triển HTX trên địa bàn.
Thanh Quỳnh
TIN LIÊN QUAN |
---|